- Từ đầu năm 2022, anh liên tục về nước chạy show thay vì tập trung công việc ở Mỹ. Điều gì khiến anh thay đổi định hướng?
- Sau mấy năm dịch bệnh, cùng sự ra đi của người bạn thân là Vân Quang Long, tôi thấy nhớ quê hương nhiều hơn. Ngay khi có thể, tôi đã sắp xếp bay về nước để gặp gia đình và đi hát cho những khán giả vẫn còn yêu mến cái tên Hàn Thái Tú.
Tôi biết, hiện tại, sức hút của mình không còn được như trước, nhưng vẫn có nhiều người hâm mộ trung thành khiến tôi ấp ủ dự định trở lại showbiz. Từ đầu năm, tôi về nước hai lần và lần nào cũng ở lại dài ngày để đi tỉnh chạy show, thực hiện một số sản phẩm âm nhạc như MV Bạn bè, Thứ gì chịu nổi...
So với cuộc sống ở Mỹ, tôi thấy Việt Nam dễ chịu hơn vì có người thân và được nói tiếng mẹ đẻ. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn trong bốn năm định cư Mỹ. Chưa đêm nào tôi thôi nhớ về thời được ca hát, đi khắp nơi biểu diễn và nghe tiếng vỗ tay của khán giả.
- Anh đã trải qua những điều gì trong bốn năm nỗ lực xây dựng cuộc sống ở Mỹ?
- Tôi giống như gác lại tất cả những gì mình đã có trong gần 40 năm trước đây, để "viết lại cuộc đời trên trang giấy trắng tinh", kể từ khi qua Mỹ. Từng có tên tuổi, được yêu mến, tôi chỉ là kẻ vô danh tại xứ người còn ngôn ngữ, kỹ năng đều chẳng có gì. Tôi phải bắt đầu từ việc đến trường học tiếng Anh, sau đó mới thi lấy bằng lái xe, đi xin việc. Những công việc đầu tiên giúp tôi kiếm sống là làm bếp, phục vụ sự kiện, lái xe công nghệ (Uber) và ship hàng.
Ban đầu, tôi chưa thích nghi được với những công việc chân tay vì "cái tôi" quá lớn. Tôi khó chịu, mặc cảm và tiếc nuối quá khứ nhưng sau đó tự nhắc bản thân hãy tỉnh táo vì "qua đây mình chẳng là gì cả". Nếu không nỗ lực, tôi sẽ thua cuộc, và nhanh chóng bị đào thải ở đất nước mà mọi người đều làm việc quần quật.
Suy nghĩ "công việc nào cũng đáng trân trọng" khiến tôi buông xuống những quan điểm tiêu cực. Tôi làm việc chăm chỉ, cố gắng học hỏi dù tiếng Anh rất kém khiến tôi nhiều phen rắc rối. Như việc lái Uber, tôi phải thường xuyên "sorry khách" vì đến chậm, chạy nhầm đường. Ở đây, chỉ cần rẽ sai hướng là phải đi thêm 15-20 phút mới quay lại được.
Tuy vậy, tôi thấy biết ơn những khó khăn đã dạy mình bài học để trở nên mạnh mẽ và linh hoạt. Trong bốn năm ở Mỹ, không chỉ mưu sinh vất vả, tôi còn nhiều lần đối mặt tình huống nguy hiểm tưởng như không thể vượt qua được.
- Đầu năm 2021, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tin về 'cuộc tháo chạy của Hàn Thái Tú trong bão tuyết ở Texas'. Nhắc lại trải nghiệm đó, anh nhớ nhất điều gì?
- Nó thực sự là một trải nghiệm nhớ đời. Hôm ấy khoảng giữa tháng hai, tôi thức giấc lúc 5h vì cảm giác lạnh buốt. Trận bão tuyết đến lúc nửa đêm, khiến cả thành phố Dallas mất điện và cúp nước. Đường ống nước nóng phục vụ hệ thống sưởi trong nhà tôi cũng bị phá hủy, khiến tôi ngấm lạnh và bắt đầu sợ hãi. Tôi nghĩ, nếu mình cứ ở yên trong nhà chờ chính quyền khắc phục sự cố, có thể sẽ chết cóng. Nên trong vòng hai tiếng, tôi thu dọn một số quần áo, mang theo thực phẩm có sẵn để bắt đầu cuộc tháo chạy.
Lúc đó là 7h, tuyết ngoài sân phủ dày đến nửa bánh xe, tôi phải dùng tay cào bớt tuyết mới có thể di chuyển. Trên đường, nước đóng băng khiến mặt đường trơn trượt, nếu đi nhanh sẽ ngã. Tôi thấy khủng hoảng, tủi thân và căng thẳng. Hôm đó, nhiều người ở Texas cũng "chạy loạn" giống tôi. Những chiếc xe nối đuôi nhau trên đường cao tốc, chạy như bò ra đường còn hai bên hàng quán đều đóng cửa.
Có thể, khán giả nhớ đến sự cố ấy vì đó là lần duy nhất tôi than vãn vì những khó khăn mình gặp phải trên đất Mỹ. Thực tế, tôi vài lần đối mặt khoảnh khắc sinh - tử, có lúc tưởng mình sẽ không thể vượt qua được.
- Đối mặt khoảnh khắc sinh - tử khi một mình nơi đất khách, với anh, cảm giác đó thế nào?
- Không thể không nhắc đến một năm đầy mất mát, đau thương khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Tôi cũng giống nhiều khác người ở đây, từng trải qua những ngày sợ hãi, khi xung quanh là dịch bệnh và thông tin tiêu cực về số ca mắc mới, số người tử vong được đài báo đăng mỗi ngày. Khi chưa chích vaccine, tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt tình huống xấu nhất. Tôi từng rất cô đơn, bi quan suốt thời gian thành phố bị phong tỏa. Thêm nữa là cảm giác buồn bã, bất lực vì lo lắng cho người thân của mình ở Việt Nam.
Có lúc, tôi ở vào tâm trạng hoảng loạn đến mức tưởng tượng ra mình sẽ không còn nữa. Đó là lần tôi di chuyển từ Texas sang California chạy show. Lúc máy bay phát thông báo, tôi không hiểu tiếng Anh nên tưởng sắp hạ cánh và mang điện thoại ra chụp ảnh. Người ngồi cạnh thấy vậy liền giải thích cho tôi rằng máy bay gặp sự cố, một phụ tùng quan trọng trong động cơ bị lỗi, mọi người phải chuẩn bị tinh thần thoát hiểm. Nhìn nét mặt căng thẳng và cách họ làm tư thế sẵn sàng nhảy khỏi tàu bay khi có hiệu lệnh, tôi đoán đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi lặng người, toát mồ hôi, tưởng tượng những chuyện xấu sẽ diễn ra trong vài phút nữa.
Tôi nghĩ về cuộc sống của người thân khi tôi không còn trên đời mà thấy đau lòng. Tôi lấy điện thoại ghi lại những lời nhắn nhủ như thể trăn trối với hy vọng nếu bất trắc, người thân của tôi sẽ xem được. Nhớ lại, tôi vẫn sợ cảm giác bất lực, tuyệt vọng khi không biết điều gì sẽ đến vào khoảnh khắc đó. Tôi sợ nhất là không thể trở về gặp lại vợ con.
- Người thân phản ứng thế nào khi nghe anh kể lại thời khắc khó quên ấy?
- Tôi giấu đoạn video đã quay, không cho vợ con xem vì chẳng để làm gì mà chỉ khiến họ thêm lo lắng. Sau chuyện đó, tôi cũng trở nên lạc quan, không còn sợ hãi những điều rủi ro bất ngờ xảy đến với mình.
- Khi anh qua Mỹ định cư, một mình bà xã ở Việt Nam chăm sóc ba con. Cuộc sống của vợ con anh thế nào trong những ngày thiếu vắng sự đồng hành của người chồng, người cha?
- Tưởng tượng mỗi buổi sáng, một mình cô ấy đưa rước ba đứa nhỏ đi học cũng đã đủ vất vả. Chưa kể, chuyện học hành, ăn uống, vui chơi của các con và chăm sóc, lo lắng cho hai bên gia đình. Tôi luôn hiểu và trân trọng những hy sinh của vợ, cũng thương các con phải xa bố. Nhưng tôi đã có kế hoạch cụ thể cho tương lai để cả nhà sống bình yên, vui vẻ bên nhau.
Hiện tại, con lớn của tôi đã 14 tuổi, có thể đỡ đần mẹ một số việc và trông nom các em. Ba bé đều ngoan, biết vâng lời nên tôi yên tâm khi xa nhà.
- Anh tỏ ra tự hào khi nhắc về vợ con nhưng chưa một lần khoe gia đình với khán giả, tại sao vậy?
- Tôi giữ bí mật về vợ con vì muốn họ được bình yên. Tôi rất sợ khi công khai lên mặt báo, cuộc sống vợ con tôi sẽ bị xáo trộn. Tôi muốn các con có tuổi thơ bình thường, không bị để ý vì có bố là nghệ sĩ. Những năm qua, tôi vẫn giữ quan điểm đó nên không chia sẻ thông tin gia đình trước truyền thông hay mạng xã hội.
Lần duy nhất tôi khoe mình đã kết hôn và sinh ba con là vào buổi họp báo năm 2018. Vợ tôi cũng hỏi vì sao lâu nay luôn giữ kín, lại bất ngờ tiết lộ với khán giả. Tôi cũng trả lời cô ấy rằng gia đình là điều tôi trân trọng và muốn giữ cho riêng mình. Nhưng trong một dịp nào đó, khi tôi cảm nhận phù hợp, tôi sẽ khoe với khán giả để họ chia sẻ niềm hạnh phúc với tôi.
Hàn Thái Tú người gốc Hoa, sinh năm 1980 tại TP HCM. Anh từng học trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM sau đó tham gia showbiz trong vai trò diễn viên, ca sĩ. Thập niên 2000, anh là ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trẻ, có tám album với các ca khúc: Nghèo mà có tình, Thà em đừng yêu tôi, Biết tìm đâu, Hai lần đau...
Lam Trà