Người Hàn phải đeo khẩu trang xem bóng chày. |
Bụi phủ lên xe. Bụi vương khắp các thành phố. Và nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nền kinh tế.
"Bụi vàng" hay "hwangsa" (hoàng sa) trong tiếng Hàn, xảy ra ở bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản vào mùa xuân hàng năm. Gió mùa mang theo hàng tỷ hạt bụi siêu nhỏ, chủ yếu từ xa mạc Gobi.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc dẫn tới việc suy giảm diện tích thảm thực vật, khiến sa mạc Gobi và các sa mạc khác lan rộng.
Thứ hai, việc phát triển như vũ bão của ngành sản xuất Trung Quốc gia tăng phát thải chất ô nhiễm công nghiệp vào không khí.
Các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết ở nhiều khu vực, hơn 2.000 micrograms bụi trên 1 m3 không khí, tỷ lệ cao hơn bình thường 27 lần.
Đối với người Hàn, vấn đề không còn là bẩn xe, bẩn người. Tiến sĩ Jang Geun-ho, chuyên gia tai mũi họng ở Seoul cho biết nó tác động nghiêm trọng tới sức khỏe.
Cảnh sát giao thông Hàn Quốc trở thành ninja bất đắc dĩ. |
Ông cảnh báo chỉ vài giờ tiếp xúc với tỷ lệ hoàng sa không an toàn có thể gây kích ứng, viêm nhiễm cuống phổi, viêm xoang và mắt.
Bụi còn làm hại mùa màng do làm giảm quá trình quang hợp. Hạt bụi bé xíu có thể chui vào các thiết bị hiện đại như microchip.
Viện Môi trường Hàn Quốc thông báo bụi làm chết 165 người Hàn Quốc mỗi năm, đa số là người già, người bị bệnh hô hấp và khiến 1,8 triệu người bị các bệnh khác nhau.
Thiệt hại kinh tế hàng năm đối với Hàn Quốc do bão bụi ước tính từ 4,49 đến 5,77 tỷ USD. Bão khiến nhiều chuyến bay hủy bỏ, nhiều xưởng đóng tàu ngừng sơn tàu. Các nhà sản xuất bán dẫn phải tăng bộ lọc không khí để tránh hư hại cho dây chuyền sản xuất chip nhạy cảm. Bão bụi còn làm gián đoạt hệ thống viễn thông cũng như gia súc, gia cầm. Tháng trước, tại Hàn Quốc, bụi và cát kết hợp với tuyết gây ra hiện tượng tuyết vàng hiếm hoi.
Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực trồng nhiều cây để ngăn chặn sa mạc hóa.
(Theo NetNam)