Đưa con về nhà sau 2 tuần nằm viện điều trị bệnh Melioidosis (tên gọi khác là Whitmore), anh Minh Phan, sống ở Utah, Mỹ, cho biết ngoại trừ tâm lý của bé Hải còn "sợ người lạ", mọi sinh hoạt gần như đã vào nếp. Việc chăm sóc bé tại nhà chỉ giống như với người sau khi mổ áp xe bình thường: Lau vết thương bằng cồn, uống thuốc kháng sinh, bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ rồi dán loại băng đặc biệt chống nước. Bác sĩ vẫn khuyên anh Minh cho con chơi các hoạt động ngoài trời để tăng cường sức khỏe nhưng phải vệ sinh sạch sẽ sau khi chơi.
Những ngày này, khi theo dõi thông tin trong nước về những trường hợp mắc căn bệnh giống con trai mình và thấy mọi người hoang mang về cái tên vi khuẩn "ăn thịt người" được cho là nguyên nhân gây bệnh Whitmore, Minh Phan muốn chia sẻ trải nghiệm của chính mình để đem đến một cách nhìn khác. "Bệnh Whitmore không thể phân biệt bằng mắt được, và ngay cả bác sĩ khám cho con mình lúc đầu cũng tưởng là quai bị. Sau vài ngày, bệnh nặng hơn, bác sĩ chỉ định cho bé đi chụp CT và xét nghiệm mới biết là bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, khi phát hiện sớm, được điều trị theo phác đồ điều trị bằng kháng sinh mạnh để loại bỏ vi khuẩn. Vì vậy, nếu con bị bất kể bệnh gì, bố mẹ hãy đưa con đến bệnh viện khám chứ đừng nghe người này, người kia nói. Bệnh Whitmore nguy hiểm vì dễ chẩn đoán sai, dẫn đến điều trị muộn ", anh Minh nói.

Túi áp xe trên má bé Hải chuyển từ đỏ sang tím và sờ vào thấy nóng.
Ngày 27/8, bé Hải (16 tháng tuổi) bị sốt, gia đình anh Minh đưa bé đi khám. Bác sĩ nghi ngờ bé sốt mọc răng nên cho về nhà, dặn dò tái khám nếu bé vẫn sốt sau vài ngày (Ở Mỹ, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc cho trẻ khi cần thiết).
Ngày 29/8, bé hết sốt và đi học trở lại. Khi đón con từ lớp, anh Minh được cô giáo thông báo là bé Hải bị sưng một bên hàm không rõ lý do nhưng chắc chắn không phải do bị ngã. Ngay lập tức, anh Minh đặt lịch hẹn với bác sĩ để tìm nguyên nhân. Vết sưng trên má bé Hải lúc này chỉ đỏ và sờ vào không thấy nóng.
Ngày đầu tiên đến khám, bác sĩ nghi ngờ bé bị viêm tuyến nước bọt hoặc quai bị nên hướng dẫn theo dõi thêm tại nhà, hẹn sau một tuần không hết thì khám lại. Nhưng tới ngày thứ 3, thấy vết sưng của con chuyển sang hơi tím, anh Minh liền đặt lịch với bác sĩ ngay dù chưa tới hẹn. Bác sĩ kiểm tra vết sưng thấy nóng và cứng. Nếu là quai bị thì vết sưng sẽ mềm nên một bác sĩ khác được mời vào để hội ý, quyết định cho bé đi chụp CT. Các bác sĩ giải thích rằng chỉ có chụp CT mới biết được chính xác là quai bị hay viêm tuyến nước bọt và nếu bị viêm thì ổ viêm nằm ở đâu.
Bé được gây mê 10 phút để chụp CT nhưng kết quả đưa ra lại trái với giả thiết ban đầu. Bác sĩ kết luận bé bị túi áp xe ở má (Tên khoa học là Suppurative lymphadenitis - viêm gò má). Bé Hải được nhập viện vào ngày thứ 4 để chích áp xe, lấy dịch xét nghiệm tìm ra vi khuẩn gây bệnh để điều trị. Và sau 2 ngày chờ đợi, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị Melioidosis (Tên gọi khác là bệnh Whitmore). "Nguyên nhân gây bệnh theo bác sĩ giải thích có nhiều lý do. Bé có thể bị côn trùng cắn hoặc đưa tay lên gãi khiến da bị trầy xước rồi chơi đùa ngoài trời và bị nhiễm khuẩn. Trẻ con ở Mỹ hoạt động ngoài trời khá nhiều, đi học về là chân tay lấm lem đất", anh Minh cho biết thêm.

Bé Hải sau 5 ngày mổ áp xe.
Quá trình điều trị sau đó được chia thành các giai đoạn theo phác đồ cụ thể. Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 8, bé được truyền thuốc kháng sinh. Sau thời gian này, nếu tình trạng không đỡ, bé sẽ phải mổ để chích mủ. Vì là ổ áp xe sâu nên cần can thiệp ngoại khoa như rạch, dẫn lưu ổ áp xe và phối hợp thuốc kháng sinh. Trong khoảng ngày thứ 9-14, bác sĩ thay băng cho bé mỗi ngày, truyền kháng sinh qua ven. Từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 17, bé được tháo ống truyền và chuyển sang điều trị bằng kháng sinh dạng uống. Ngày thứ 18, bé Hải được xuất viện về nhà.
Nhìn lại quãng thời gian hơn 2 tuần cùng con trị bệnh, anh Minh Phan thấu hiểu tâm lý lo lắng, "có bệnh thì vái tứ phương" của hầu hết các bậc cha mẹ, nhưng anh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Đặc biệt, vì bệnh Whitmore không có biểu hiện đặc trưng nên chỉ làm xét nghiệm mới đưa ra kết luận chính xác và quyết định hiệu quả điều trị.

Gia đình anh Minh Phan.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư, City of Hope (California, Mỹ), việc gán cho vi khuẩn "ăn thịt người" (flesh eating bacteria) gây bệnh Whitmore là không đúng. Đây là "nickname" của vi khuẩn Vibrio vulnificus. Chúng có khả năng làm hoại tử mô khi gây nhiễm (nên chúng ta có cảm giác chúng đang ăn thịt). Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn khác có tên là Burkholderia pseudomallei, gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời, đúng cách vì vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu. Vi khuẩn này đã được trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC - Centers for Disease Control and Prevention) liệt kê vào đối tượng có nguy cơ sử dụng như khủng bố sinh học (Bioterrorism) vì tính nguy hiểm của chúng. Theo số liệu thống kê CDC cho biết người nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei nếu không được điều trị, cứ 10 người thì có tới 9 người chết. Trong khi đó, những người được điều trị đúng kháng sinh, thì vẫn có khoảng 4 trong số 10 người tử vong, còn nếu được điều trị trong cơ sở y tế với chăm sóc tích cực có thể giảm tỉ lệ người chết còn dưới 2 trong 10 người. Xem thêm thông tin về bệnh Whitmore và cách phòng tránh tại đây. |
Ảnh: NVCC