Chia sẻ món hồng treo gió kiểu Nhật, chị Nguyễn Kim Chi (27 tuổi, Hà Nội). Theo cô gái Hà Nội, quy trình làm hồng treo gió trải qua 6 bước: rửa sạch, gọt vỏ, nhúng rượu, buộc dây, treo gió, massage hồng. Tuy nhiên, quá trình này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Để món hồng thành phẩm ngon, bạn nên canh chừng thời tiết, nếu trời khô ráo hãy bắt tay vào làm.
Cách chọn hồng: Chọn hồng to đều, còn tươi, chắc tay và không bị dập. Nếu được, hãy chọn trái hồng có cả cuống, hoặc ít nhất thì phải còn nguyên tai. Nên chọn quả từ khoảng 100gr trở lên. Loại hồng phổ biến ở Đà Lạt dùng để treo là hồng giòn trứng, hồng trứng lốc, hồng giòn trứng lửa. Khi chọn không quan trọng là hồng ngâm hay giòn, ngọt hay chát, tròn hay không, miễn là hồng tươi và còn chắc tay. Vì sau khi phơi và massage, quả hồng sẽ tiết fructose, cho thành phẩm là hồng rất ngọt.
Cách làm:
- Bước 1: Dùng bàn chải sạch đánh phần tai hồng, rửa sạch vỏ hồng.
- Bước 2: Cắt gọn tai, gọt vỏ hồng. Xoay tròn mũi dao cắt phần vỏ phía dưới tai hồng và cách tai hồng khoảng 1mm. Khi gọt vỏ, đừng cắt phạm vào phần lòng trong của trái hồng.
Lưu ý: Hãy trừ ra một ít vỏ phần chóp quả. Sau này, khi massage, việc vẫn giữ một chút vỏ ở chóp dưới sẽ ngăn chặn tình trạng chảy mật ra nếu không may bạn mạnh tay quá làm quả hồng bị bục.
Bước 3: Ngâm hồng trong cồn hoặc rượu
Mục đích của việc này là góp phần hạn chế nấm mốc. Ở Nhật thì bạn chỉ cần trụng nước sôi khoảng 5 giây, nhưng do đặc tính khí hậu Việt Nam thì tốt hơn hãy "tắm" hồng trong cồn hoặc rượu trắng 2 phút. Cồn có thể mua tại hiệu thuốc.
Bước 4: Buộc dây
- Chọn dây chỉ dù, dày hơn chỉ bình thường một chút, không sắc để tránh cứa rách bề mặt hồng
- Nếu quả hồng còn cuống dài, hãy quấn dây quanh cuống. Nếu không, quấn dây xung quanh phía dưới tai hồng, quấn chặt tay vì khi hồng khô dây sẽ bị lỏng ra. Lần lượt từng quả từ trên xuống dưới.
Bước 5: Treo hồng nơi thoáng gió, khô ráo, ít côn trùng
- Nên phơi ở chỗ có nắng để bề mặt của hồng được hong khô nhanh nhất vì trong 3 ngày đầu xác suất bị mốc rất cao. Sau khoảng 2, 3 ngày khi mặt hồng ráo thì phơi ở nơi râm mát, thoáng gió. Buổi tối nên mang hồng vào trong nhà nếu phơi ở nơi không có mái che.
- Nếu thấy dự báo thời tiết mưa ẩm kéo dài, hãy tạm dừng việc phơi, cho hồng vào túi hút chân không (hoặc lọ không có không khí) bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh (như bạn bảo quản hồng thành phẩm), chờ ngày khô ráo tiếp tục mang ra phơi.
- Cần theo dõi thường xuyên để phát hiện quả bị mốc, quả bị chảy nước, và loại bỏ ngay để không ảnh hưởng đến những quả xung quanh. Nếu thấy dấu hiệu quả nào chớm mốc (sợi tơ trắng/xám lún phún trên bề mặt), hãy cho đồng loạt hồng còn lại rửa qua cồn và lấy giấy thấm khô rồi tiếp tục phơi thì có thể "cứu" được. Lý do dùng cồn mà không dùng rượu lúc này vì quả hồng những ngày sau đã hết ướt bề mặt, dùng cồn rửa nhanh bay hơn thì sẽ không bị ướt lại.
Bước 6: Massage cho hồng
- Việc này thường được thực hiện vào khoảng ngày thứ 5-7, tùy điều kiện thời tiết và quả hồng nhỏ hay to, bề mặt quả hồng đã khô như một lớp da dai nhẹ bọc bên ngoài, bên trong mềm ra và xuống mật.
- Đeo bao tay, massage 1-2 ngày một lần. Việc xoa bóp sẽ phá vỡ cấu trúc lớp bột cứng bên trong, mật tiết ra và phân bổ đều, khiến quả hồng ngọt hơn.
Thu hoạch: Hồng giòn trứng của ngày thứ 7, khi đạt độ khô mềm vừa đủ (70%) thì thu hoạch. Đối với loại Đơn Dương hoặc giống khác như Hà Bắc mà to gấp rưỡi, gấp đôi thì thời gian phơi sẽ lâu hơn.
Thành phẩm của hồng giòn trứng có bề mặt dai nhẹ, bên trong mềm ướt, mật vàng óng ánh, thơm và ngọt hơn cả trái tươi.
Cách bảo quản: Bạn có thể đóng túi chân không, hoặc bỏ lọ thủy tinh rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, thời hạn sử dụng là 2 tháng. Nếu muốn lâu hơn thì bỏ ngăn đá. Quả hồng sau khi bỏ tủ xuống màu một chút so với ban đầu, tuy nhiên chất lượng không thay đổi, ăn lại mát lịm.