Ngày 11/12, Phòng cảnh sát Minato, tỉnh Osaka, nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ nói rằng bà không thể liên lạc với em gái 68 tuổi trong thời gian dài. Khi đến căn hộ ở quận Minato kiểm tra, cảnh sát phát hiện thi thể đang phân hủy của người phụ nữ 68 tuổi và con gái 42 tuổi. Họ được xác định đã chết vài tháng.
Khám nghiệm tử thi cho thấy dạ dày họ trống rỗng, chết do suy dinh dưỡng, người mẹ chỉ nặng khoảng 30 kg khi qua đời. Tủ lạnh của họ không còn chút thực phẩm nào, trong khi nước, gas bị cắt và trong ví của người mẹ già chỉ còn vỏn vẹn 13 yen.
"Thậm chí không có bất kỳ gia vị nào, như tương miso, được tìm thấy trong căn hộ", một nguồn tin điều tra nói với tờ Mainichi.
Theo người dân trong khu phố, bà mẹ đã cùng gia đình chuyển đến sống tại chung cư này khi nó hoàn thành vào năm 1976. Bà bỏ đi một thời gian sau khi kết hôn, nhưng sau đó trở về cùng con gái. Bà đã sống ở đó với con gái khoảng 10 năm, sau khi các thành viên lớn tuổi trong gia đình bà qua đời. Hai mẹ con thường được nhìn thấy rất thân thiết và hay đi mua sắm cùng nhau. Họ không có nhiều người quen trong vùng, nhưng bà mẹ rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng ở địa phương.
Tuy nhiên, đầu năm nay khi người con gái mất việc, hai mẹ con thú nhận với bạn bè rằng họ không còn tiền và đang sống nhờ sự hỗ trợ từ họ hàng. Họ biến mất gần như hoàn toàn khỏi khu phố từ mùa hè năm nay. Hai mẹ con không thanh toán tiền mua báo đúng hạn, nên nhân viên bán báo địa phương nhiều lần tới nhà hỏi thăm, nhưng họ không mở cửa. Họ cuối cùng không trả hóa đơn nước, nên bị cắt nước từ giữa tháng 11.
Theo giới chức Osaka, cả hai mẹ con đều không nộp đơn xin hay nhận trợ cấp xã hội, nghĩa là hoàn cảnh của họ không được văn phòng phúc lợi địa phương biết tới.
Cái chết của hai mẹ con khiến nhiều người xung quanh sốc. "Cả hai luôn ăn mặc đẹp và trông không có vẻ gì là đang gặp rắc rối. Sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy chứ", một phụ nữ 73 tuổi quen biết nạn nhân nói.
"Mối liên kết của mọi người với cộng đồng đang mờ nhạt dần. Thật sự rất buồn khi một điều như vậy đã xảy ra tại đây", một người đàn ông khoảng 70 tuổi sống trong cùng tòa nhà tâm sự.
Cái chết của hai mẹ con ở Osaka dấy lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng kodokushi, tức chết trong cô độc và không được phát hiện, đặc biệt nghiêm trọng trong thời điểm Covid-19 ở Nhật Bản.
"Hồi tôi còn nhỏ, cảnh sát khu phố đến thăm gia đình tôi mỗi khi chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Ngày nay, họ không còn làm vậy nữa do lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân. Các cuộc trò chuyện giữa hàng xóm với nhau cũng giảm dần theo thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc mạng lưới kết nối trong xã hội trở nên yếu hơn", Yasuyuki Gondo, Giáo sư tâm lý học chuyên về lĩnh vực lão khoa tại Đại học Osaka, cho biết.
Đói nghèo đã trở thành một vấn đề nhức nhối ở Nhật Bản kể từ khi Covid-19 bùng phát. Ngày càng nhiều người dân tìm đến các trung tâm hỗ trợ để xin trợ giúp, tham vấn do thất nghiệp, không có thu nhập, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết hơn 391.000 cuộc tham vấn được tiến hành tại các trung tâm trên khắp đất nước kể từ tháng 4 đến tháng 9, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019. Các cơ quan phúc lợi cảnh báo con số này sẽ còn tăng lên trong bối cảnh số bệnh nhân mắc Covid-19 đã vượt ngưỡng 200.000 với 2.800 ca tử vong. Tuy nhiên, dữ liệu này vẫn chưa bao quát toàn bộ, nhiều người vẫn không tiếp cận được lưới an toàn an sinh xã hội, như hai nạn nhân ở Osaka.
Sơn Nam (Theo Mainichi Japan, SCMP)