Cho đến đêm diễn ra Lễ hội cưới tập thể 2004 (ngày 11/12/2004), được chứng kiến tận mắt một bó hoa cưới đạt kỷ lục VN, thì sự thắc mắc của mọi người mới được giải tỏa.
Bó hoa có chiều ngang 8 mét, dài hơn 50 mét được kết từ 500.000 bông hoa tươi. Ngoài hoa, nguyên liệu trang trí còn cần tới 200 kg sắt, 7.000 mét dây thừng và một lượng thép ống, xốp, lá cây, nên trọng lượng của bó hoa tới hơn 2 tấn. “Với mong ước có một món quà đặc biệt để chúc mừng hạnh phúc cho 55 đôi uyên ương trong lễ hội cưới tập thể độc đáo này, 106 người đã làm việc cật lực suốt ba ngày cộng với các khoản chi phí khác cũng khoảng 40 triệu đồng nữa thì mới hoàn thành được bó hoa”, chị Lê Thị Lương, người tổ chức thực hiện, nhớ lại. Trong lễ hội cưới tập thể năm ngoái, bó hoa hiện ra giống như một thác nước đổ từ đỉnh tòa nhà cao 5 tầng xuống sân khấu.
Ấn tượng về thác hoa ấy chưa kịp phôi pha trong tâm tưởng của công chúng Hà thành, thì chiều ngày 31/12/2004, chị Lương lại tiếp tục “tung chiêu” mới bằng việc cho ra đời chiếc áo cưới bằng hoa lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nhân dịp khai trương đồng loạt hai cơ sở mới ở số 8 và 40 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Có kích thước và kiểu dáng như chiếc áo cưới thật, chiếc áo bảy màu hoa này được “dệt” bằng hơn 20.000 đóa hoa tươi (dùng keo gắn từng chiếc hoa lên nền tấm áo bằng lụa, mặc được bình thường). Toàn bộ phần thân áo được làm bằng hoa bách nhật màu tím hồng. Phần váy xòe rộng được kết từ các loại bách nhật đỏ, các loại cúc Đà Lạt và phong lan, tạo thành những mảng màu mềm mại và tươi tắn. Để hoàn thành chiếc áo cưới nặng tới 50 kg, cả thầy lẫn thợ gồm bảy người nai lưng ra làm việc suốt hai ngày liền với chi phí khoảng 7 triệu đồng. Chìa đôi bàn tay còn chi chít sẹo - dấu ấn của cả chục nốt phỏng rộp vì keo gắn hoa lần đó, chị Lương cho biết mình làm những việc này đơn giản chỉ để thỏa mãn niềm đam mê dành cho hoa.
Sinh năm 1980 tại làng hoa Nghi Tàm, Hà Nội, Lê Thị Lương gắn bó tuổi thơ của mình với các loài hoa cũng là chuyện tự nhiên. Lớn lên, vì nhà nghèo, ngoài giờ đi học, Lương còn rong ruổi khắp phố phường Hà Nội bằng chiếc xe đạp để bán hoa và cây cảnh. Lấy công làm lời, mỗi ngày Lương cũng kiếm được năm sáu chục nghìn đồng đủ để trang trải cuộc sống. “Mỗi khi đi ngang qua sạp bán hoa nào tôi cũng ao ước giá mà mình có được một cơ ngơi như vậy để vừa buôn bán vừa thỏa mãn niềm đam mê”, chị kể. Gom góp vốn liếng, mãi đến năm 2001 chị mới mở được cửa hàng hoa Ly Ly ở số 38 đường Thanh Niên, có diện tích chỉ hơn mười mét vuông. Lương cho biết sở dĩ chọn hoa Ly Ly đặt tên cho cửa hàng là vì đã khám phá ra bí quyết để giữ cho loài hoa này đượm hương, khoe sắc trong suốt một tháng. Một niềm vui lớn có tính quyết định đến nghiệp kinh doanh hoa đã đến với Lương vào một chiều cuối đông lạnh giá năm 2001: chiều ấy, một người đàn ông nước ngoài bước vào tham quan cửa hàng và được Lương tận tình giải thích ý nghĩa và nguồn gốc các loài hoa đang được trưng bày. Vốn tính cởi mở, Lương lần lượt chia sẻ niềm đam mê của mình về hoa, về cuộc sống của những người trồng hoa ở làng Nghi Tàm và những điều thú vị khác của đất nước Việt Nam xinh đẹp mà ông khách này đang tìm hiểu. Thật bất ngờ, khi ngày hôm sau trở lại xin chụp ảnh cửa hàng và cô chủ nhỏ, người khách lạ mới cho biết ông là Philippe Monvier, Chủ tịch Hiệp hội Hoa thế giới. Sau cuộc gặp gỡ thú vị ấy, ông đã quay trở lại thăm cửa hàng hoa này một lần nữa vào năm 2003 và cho đến nay vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ chị rất nhiều trong việc kinh doanh.
Để tập trung vào việc kinh doanh, hiện nay chị Lương đã trả lại mặt bằng số 38 đường Thanh Niên và số 8 phố Yên Phụ để dồn sức vào siêu thị hoa rộng khoảng 300 mét vuông ở số 40 phố Yên Phụ. Giờ đây siêu thị Ly Ly đã trở thành địa chỉ lý thú cho những người yêu hoa ở Hà Nội vì tập hợp được hơn 200 loài hoa trong và ngoài nước. Đây còn là nơi tổ chức những khóa dạy cắm hoa miễn phí, nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ Những người yêu hoa, nơi tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về hoa...
Đến bây giờ, khi công việc làm ăn đã ổn định, thỉnh thoảng vợ chồng Lương lại tìm đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi để dạy nghề cắm hoa miễn phí cho các em. Đó cũng là cách để tôn vinh và giữ gìn nghề hoa như những người con của làng hoa Nghi Tàm từng gắn bó.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)