Dân gian thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nụ cười là thứ rẻ nhất, nhưng là loại thuốc tốt nhất. Ngày nay, khoa học thực nghiệm đã chứng minh vô số công dụng do nụ cười đem lại. Đã có hẳn phương pháp trị liệu ra đời với cái tên “liệu pháp hài hước”.
Triết gia nổi tiếng người Đức F. Nietzche cho rằng: “Trên thế gian, con người chịu nhiều đau đớn quá ghê gớm, khiến họ bắt buộc phải sáng tạo ra tiếng cười”. Nhà nhân chủng học F. Rabelais nhận định: “Cười là đặc tính của con người, là động tác bẩm sinh”.
Chung quy, khi cười, ta có 3 động tác: hơi thở thoát ra khỏi miệng từng hồi đứt đoạn; tiếng động do không khí chạm vào thanh quản và sự co giật của bắp thịt trên mặt. Các bắp thịt này rất nhỏ, ngắn nhưng tương ứng với nhau, nếu một cơ chuyển động thì các cơ khác cũng phụ họa theo.
Cười bắt đầu ở cửa miệng với sự nhếch mép làm chuyển động các bắp thịt ở miệng, mũi, má, quanh mắt. Chuyển động lan xuống khí quản, dây thanh âm, các bắp thịt ở bụng, hoành cách mô, phổi. Hơi thở thoát ra dồn dập và nếu kéo dài có thể dẫn đến hụt hơi, ngộp thở.
Trên mặt có 15 bắp thịt tham gia vào quá trình cười, nhưng có tới 72 bắp thịt tham gia vào quá trình nhăn nhó, khó chịu. Trong y lý võ thuật phương Đông, có cả trăm huyệt cười trên cơ thể, với 3 huyệt chính: một huyệt nằm ở gan bàn chân, huyệt đại tiếu ở nách và huyệt kinh môn ở lưng. Tùy theo bắp thịt co, giãn mà ta có những nụ cười khác nhau: cười chúm chím, cười tình tứ, cười khúc khích, cười ha hả khoái trá, cười chảy nước mắt, cười đau bụng.
Theo bác sĩ thần kinh William Fry, một chuyên gia về hài hước và sức khỏe, thì sự cười đùa thích thú kích thích đa số các hệ thống sinh lý trong cơ thể. Một cơn cười hả hê làm tim đập nhanh hơn, máu lưu thông dễ dàng hơn, các bắp thịt vận động co duỗi tốt hơn. Tác dụng của nó gần giống với vận động thể thao, tạo cảm giác thư giãn cho cơ thể. Những nụ cười như vậy ngăn cơn suy tim, tránh tai biến mạch máu não, giảm đau đớn của bệnh nan y...
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Michael Miller từng công bố nghiên cứu: Người bị bệnh tim cười ít hơn 40% so với những người cùng lứa tuổi không mắc bệnh. Họ thường ít nhận ra hoàn cảnh đáng cười. Ngoài việc cười ít, họ còn dễ giận hơn dù trong điều kiện đáng vui vẻ. Cũng theo ông, hiện tại, để giảm nguy cơ tim mạch, người ta thường giảm chất béo, vận động cơ thể, không hút thuốc lá. Nhưng trong tương lai, để có một trái tim khỏe mạnh, ngoài các phương pháp cũ sẽ cần kèm theo liệu pháp mới có tên: “liệu pháp hài hước”.
Hiện nay, khoa học chưa biết tại sao cười đùa lại ngừa được bệnh tim, nhưng chắc chắn sự căng thẳng tâm thần có thể tác động tiêu cực đến bệnh mạch vành, đau tim co thắt... Một nguyên nhân dẫn đến suy tim là do lo âu, căng thẳng. Khi tươi cười, rõ ràng ta cảm thấy tự tin, tích cực và kiểm soát được hoảng sợ, giúp phục hồi nhanh hơn.
Theo Hội Hài hước trị liệu Mỹ, cười làm tăng sản xuất T-cell chống lão hóa, tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn, tăng đề kháng.
Nhiều trường hợp bị viêm cứng đốt sống, mỗi ngày cười rung bụng vài phút thì sẽ giảm cảm giác đau và ngủ được nhiều hơn mà không cần dùng thuốc men gì. Nụ cười làm tăng chất catecholamin, hóa chất này lại kích thích tiết ra chất giảm đau tự nhiên endorphin.
Nhiều bệnh viện đã dùng nụ cười làm liệu pháp điều trị như một cách giảm đau, giảm lo âu cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Hiện có tới hơn 1.300 câu lạc bộ cười trên khắp thế giới do bác sĩ người Ấn Độ Kataria xướng lập.
Theo ông J. Goodman, giám đốc một chương trình hài hước, trong đời sống hằng ngày, chúng ta không thể tránh được những căng thẳng, nhưng ta có thể tự hài hước mà không mất tiền mua, thậm chí không cần uống thuốc và đi khám. Ông có sáng kiến thành lập một thư viện cười, gồm sách, tranh ảnh, phim hài hước để khi cần có thể hỗ trợ mọi người cười. Ông còn cho rằng, nếu cười 100-200 cơn mỗi ngày thì ích lợi của nó cho cơ thể tương đương với chạy bộ nửa giờ đồng hồ.
Từ lâu, các bác sĩ đều cho rằng, những bệnh nhân yêu đời, tự tin, hài hước thường đáp ứng tốt hơn với các phương pháp điều trị và mau khỏi bệnh hơn những người khác. Nói về lợi ích của cười với cơ thể sẽ là vô tận. Xin kết bằng câu nói của một học giả: “Hài hước có sức mạnh chữa trị rất lớn với tâm thần. Bằng chứng là ta không thể vừa tức giận, sợ hãi, đau đớn khi đang ôm bụng cười ngả nghiêng”.
Và đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Nếu ta duy trì một tình cảm thân ái và đầy tình thương thì tự nhiên cửa lòng ta rộng mở. Qua cánh cửa đó ta sẽ đối thoại dễ dàng với mọi người. Cuộc sống sẽ bớt đi sự e dè, sợ hãi, nghi ngờ, bất an”.
Người Nhật có một thói quen chào đón bình minh bằng những lời cầu nguyện, vỗ tay và những nụ cười. Họ quan niệm rằng tiếng vỗ tay, nụ cười sẽ giúp thể xác bừng tỉnh, làm con người cảm thấy vui vẻ, sung sướng. Tại sao ta không thử đón bình minh bằng những nụ cười theo cách người Nhật nhỉ?
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)