Một cơ sở "làm đẹp toàn phần" ở Hà Nội. |
Chị Ngọc, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội, hiện làm tổng giám đốc một công ty TNHH kể: “Tôi được người ta mách đến cơ sở làm đẹp ở ngoài đê để xăm môi và lông mày. Thấy người ta tiêm bốn mũi thuốc tê vào chỗ vốn là lông mày rồi lấy máy xăm, lúc ấy chẳng biết có chảy máu hay không. Họ có giấy phép hành nghề hay không tôi cũng không hỏi nên... không biết. Mấy ngày sau thấy chảy nước vàng ở chỗ xăm, đau và phải kiêng ăn mấy món tôi thích mất một thời gian”.
Bạn chị Ngọc, tốt nghiệp ĐH Luật, bố mẹ giảng dạy ở ĐH Sư phạm, nhà rất giàu, cũng là một dạng “liều”. Thông qua người quen, cô được biết có người xăm lông mày, mí mắt, môi... dạo, liền gọi điện mời đến nhà mình... hành nghề. “Chỉ 30 phút là xong. Chị ấy tiêm thuốc tê rồi xăm, 250.000 đồng tiền công xăm lông mày và mí dưới. Tôi chỉ có số điện thoại chứ cũng không biết nhà bà ấy ở đâu, tay nghề ra sao, có bằng cấp gì không...”, cô kể.
Theo các bác sĩ ở Trung tâm Da liễu Hà Nội, có vô số người đi xăm lông mày, mắt, môi ở những cơ sở “vườn” bị hỏng, bị nhiễm trùng phải về trung tâm... sửa xăm, vừa xấu lại vừa đau.
Tháng 10/2004 đoàn kiểm tra liên ngành của UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, nơi cơ sở Hồng Chi Sài Gòn tọa lạc, đã tiến hành kiểm tra cơ sở này và phát hiện tại đây có thực hiện các dịch vụ như xăm môi, xăm mắt... trái phép, bởi cửa hàng này chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ gội đầu, uốn tóc...
Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu cơ sở đình chỉ việc thực hiện các dịch vụ trái phép. Nhưng cơ sở không những không đình chỉ mà còn dám thực hiện chui, trái phép những phẫu thuật khó hơn, thậm chí hoàn toàn bị cấm thực hiện ở các phòng giải phẫu thẩm mỹ tư nhân.
Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như Hồng Chi Sài Gòn mà hiện đang nhan nhản ở khắp các phố phường, thôn xóm Hà Nội (ước tính của Sở Y tế Hà Nội thì thành phố hiện có khoảng 200 cơ sở dạng này)?
Bởi đến khi có rắc rối xảy ra, ngành y tế cho biết họ chỉ quản lý các cơ sở đăng ký tham gia hành nghề y dược tư nhân ngành giải phẫu thẩm mỹ. Còn lại, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp đăng ký kinh doanh ở đâu thì UBND nơi đó phải chịu trách nhiệm quản lý.
Phải nói rằng các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở đã không làm hết chức trách. Tại sao phát hiện cơ sở Hồng Chi hành nghề trái phép từ tháng 10/2004 mà đến tháng 4/2005 cơ sở vẫn tiếp tục giải phẫu thẩm mỹ trái phép, và nghiêm trọng hơn là gây chết người? Lý do đưa ra để xuê xoa: “Rất khó bắt tận tay vì có khách là họ dẫn lên tầng ba rồi đóng cửa lại”.
Theo Tuổi Trẻ, lý giải này thật khó chấp nhận. Bởi ngay những người hàng xóm cũng biết Hồng Chi Sài Gòn rất đông khách đến làm đẹp, nhất là những ngày cuối tuần, hằng tuần có bác sĩ từ Sài Gòn bay ra... Vậy mà UBND phường không biết, Sở Y tế nói cũng không biết thì thật là... chuyện lạ.
Một điều đáng nói nữa là đúng lúc xảy ra vụ việc tại cơ sở Hồng Chi cũng là lúc Sở Y tế Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn. Cuộc kiểm tra ngày 21/4 tại cơ sở uốn tóc, làm đẹp số 22 Cao Thắng cho thấy ngay biển hiệu của cơ sở đã quảng cáo dịch vụ... châm cứu, bấm huyệt, ngoài phạm vi hành nghề đã đăng ký.
Tại đây, Thanh tra Sở Y tế còn phát hiện bảy loại mỹ phẩm chưa xuất trình được đăng ký chất lượng sản phẩm. Từ ngày 22/4 đoàn thanh tra tại 20 cơ sở làm đẹp, nhưng cái “khó” đã được dự báo trước khi đoàn chính thức lên đường là “khó bắt được tận tay” nên cũng rất... khó xử lý nghiêm.