Sẽ là không quá nếu nói rằng đây thực sự là một "quả bom" có sức công phá lớn có thể thổi bay thanh danh, uy tín bấy lâu gây dựng của "con sư tử già" xứ Nghệ theo dòng nước, cũng như đặt một dấu chấm hết đen tối cho sự nghiệp cầm quân của ông. Thêm một sự trêu đùa của số phận với con người bên trời lận đận này hay đơn giản đó chỉ là minh chứng cho "quy luật": "Cái gì cũng có giá của nó"?
![]() |
Kết cục buồn của "Tướng Vinh". |
Đường lên đỉnh cao
Tên tuổi và sự nghiệp của HLV Nguyễn Thành Vinh gắn liền với bóng đá Nghệ An. Thậm chí sẽ không quá khi nói rằng, cuộc đời làm bóng đá của ông Vinh là một phần lịch sử phát triển của bóng đá xứ Nghệ.
17 tuổi, ông gia nhập CLB Thanh niên Nghệ Tĩnh, là một trong số những lứa học trò đầu tiên của cựu danh thủ Trần Xuân, người được coi là "khai quốc công thần" của bóng đá xứ Nghệ.
34 tuổi, ông ngồi lên băng ghế HLV trưởng đội một SLNA và tại vị từ đó tới năm 2004. Tròn trĩnh 24 năm đau đáu với đội bóng quê hương, ông đã làm việc, đã cống hiến hết tài năng và tâm huyết để tạo dựng SLNA từ một đội bóng vô danh trở thành một "quyền lực" trên bản đồ bóng đá Việt Nam với 2 chức vô địch V-League liên tiếp vào các mùa bóng 1999-2000; 2000-2001, cộng thêm chiếc Siêu Cúp QG đầu tiên.
Tuy nhiên, với người trong nghề, tài năng và bản lĩnh của HLV Nguyễn Thành Vinh thực sự được ghi nhận khi ông mạo hiểm nhận lời dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam với thành phần nòng cốt là các cầu thủ U23 chuẩn bị cho SEA Games 22 trên sân nhà, tham dự ASIAD 14, thay thế cho HLV Christian Letard vừa bị LĐBĐVN sa thải. Còn nhớ vào thời điểm cuối tháng 8/2002 đó, không có một nhà cầm quân nào kể cả ngoại lẫn nội, đủ dũng khí để "thừa kế" cái "di sản" què quặt mà vị HLV người Pháp để lại, trong khi sự kỳ vọng lại quá lớn vì đây là kỳ SEA Games mà bóng đá Việt Nam đóng vai nước chủ nhà. Vậy mà ông Vinh dám "nhảy vào lửa". Một hành động "dũng cảm" mà theo lý giải của nhà cầm quân này, nó đơn giản là phù hợp với tính cách "ở đâu khó có… Thành Vinh" của ông.
Thế rồi sau 9 tháng trời gắn bó với đội dự tuyển U23, dẫn dắt các học trò tham dự ASIAD 14, Cúp Mùa Đông ở Italy và các trận giao hữu với U21 Đan Mạch, Yokohama Nhật Bản, ông Vinh trao lại chiếc ghế HLV trưởng và cả một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng một tay ông rèn rũa cho thầy ngoại Riedl để lùi xuống vị trí HLV phó. Và kết quả như mọi người đã biết, sự hợp tác ăn ý giữa "bộ đôi" Riedl - Thành Vinh đã mang về những "chùm quả ngọt" cho bóng đá Việt Nam như ngôi vô địch LG Cup 2003, tạo nên "cơn địa chấn" khi đánh bại Hàn Quốc ở vòng loại Olympic Athens khu vực châu Á và đặc biệt nhất là tấm Huy chương bạc SEA Games 22 ngay trên quê nhà.
"Luận công, ban thưởng" sau SEA Games 22, giới chuyên môn đều thừa nhận không phải ai khác mà chính Nguyễn Thành Vinh là người đã đặt nền móng cho sự thăng hoa của đội tuyển U23 Việt Nam. Và cùng với thành công ở SEA Games 22, ông Vinh chính thức bước vào hàng ngũ những HLV tên tuổi của làng bóng, bên cạnh những Nguyễn Văn Vinh, Vương Tiến Dũng... Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, ông đã trở thành một tượng đài mới của bóng đá Việt Nam.
Đường xuống vực sâu
Không phải tới khi HLV Nguyễn Thành Vinh thừa nhận việc đưa "lót tay" trọng tài 130 triệu đồng người ta mới biết tới những phần khuất lấp phía sau vầng hào quang của ông thầy xứ Nghệ.
Không ít lần trong những cuộc phỏng vấn báo chí, chính nhà cầm quân này đã "thật thà" kể lại việc ông bị VFF kỷ luật ở mùa bóng 1998 sau vụ xô xát giữa cầu thủ hai đội SLNA và Hải quan trong khuôn khổ Cúp QG như một "kỷ niệm" buồn nhất trong cuộc đời làm bóng đá của mình.
Thế nhưng, cũng như bao nhiêu người của công chúng khác, những "điều tiếng", "tin đồn" về ông còn "kinh khủng" hơn nhiều lần, dẫu rằng tất cả đều chỉ dừng ở mức "bia miệng thế gian", vô bằng, vô cớ.
Hậu trường làng bóng đã từng đồn đại về một cú "lật kèo" của SLNA, khiến Nam Định phải ấm ức ở một giải bóng đá dành cho thiếu niên. Nguyên nhân là do "thỏa ước" chỉ chơi bằng các cầu thủ… đúng tuổi trong trận chung kết của hai đội bị SLNA phá vỡ vào phút cuối với hàng loạt sự thay người. Kết quả đội bóng thành Nam đành chịu thất thủ vì không đối chọi được với các cầu thủ được "cải lão hoàn đồng" của đối phương. Người ta buộc tội tác giả màn "tiểu xảo" này cho ông Vinh, tất nhiên chỉ là bằng miệng.
Hoặc giả khi SLNA bước lên ngôi vô địch V-League 2000-2001, cũng đã có những nghi ngờ. Chuyện là trước lượt trận cuối cùng, đội bóng xứ Nghệ vẫn còn kém Nam Định 1 điểm và không có quyền tự quyết trên đường đua. Ấy vậy mà, không hiểu căn cứ vào đâu Ban tổ chức giải lại mang Cúp vô địch về đặt ở sân Vinh đợi sẵn. Và đúng như "kịch", Nam Định ngã ngựa trước Cảng SG trên sân Thống Nhất 5 bàn trắng, còn ở thành Vinh, đội bóng xứ Nghệ của ông Vinh ung dung đánh bại Công an TP HCM 4-3 để đăng quang. Sau ngôi vô địch "lập trình" đó, đã có dư luận cho rằng, SLNA đã "bơm doping tiền" liều cao cho các cầu thủ CSG để họ đá thắng Nam Định, giúp thầy trò ông Vinh trở thành người đánh đích đầu tiên.
Hay như việc để "lọt người, lọt tội" trong "vụ án" Vũ Như Thành trước SEA Games 22, cũng đã có những cáo buộc trách nhiệm cho ông Vinh trong vai trò trợ lý HLV cho ông Riedl. Người ta bảo một mình Thành không thể bán đứng cả đội tuyển được mà phải có hẳn một dây. Và dây đó được nhận diện là nhóm cầu thủ Nghệ An ở đội tuyển. Thế nhưng, do "tướng" Sông Lam ở tuyển nên quân Sông Lam chỉ bị phê bình và nhắc nhở, và cũng bởi nếu "nhổ cỏ tận gốc" thì lấy ai ra đá SEA Games nên kết cục là chỉ có một mình Thành bị "trảm" không thương tiếc trong nỗi "oan" không có ai chung đường.
Gần đây nhất, trong cuộc "nội chiến" SLNA ở cuối mùa giải 2004, cũng có những lời dị nghị về ông Vinh xung quanh những mâu thuẫn tay ba giữa "chiến thuật gia", "chiến lược gia" và ông Giám đốc Sở. Thực hư thì không ai rõ, nhưng có một sự thật là kết thúc mùa giải, HLV Nguyễn Thành Vinh phải dứt áo rời mảnh đất sỏi đá tình người mà ông đã gắn bó hơn hai chục năm, để về đầu quân cho Đông Á Thép Pomina.
Và ở bến đậu mới này, một sự thật đau lòng như mọi người đều biết: ông Vinh đã ghi tên mình vào "danh sách đen" những người "chung chi" tiền cho trọng tài với số tiền 130 triệu đồng, trong đó có 40 triệu là tiền thưởng riêng của cá nhân ông.
Lý gian, tình liệu có ngay?
Scandal "lót tay" trọng tài bị khui ra đúng vào lúc ông Vinh đang nhâm nhi hương vị ngọt ngào từ suất thăng hạng của Đông Á Thép Pomina, thành công trong năm đầu tiên xa quê hương đi ăn bát cơm thiên hạ của ông. Và cũng đúng vào lúc, ông Vinh vừa "tái ngộ" với "cố nhân" Riedl sau những tháng ngày bị "thất sủng" ở đội tuyển quốc gia dưới "triều đại" Tavares.
Vì sự việc này mà VFF buộc lòng phải "trảm phó tướng" để bảo vệ quan điểm "đội tuyển phải sạch", khiến ông Vinh "nửa đường đứt gánh tình" với đội tuyển U23 chuẩn bị cho SEA Games 23. Hơn thế, ông còn phải đối diện với khả năng nhận một bản án kỷ luật buộc phải giã từ sự nghiệp HLV. Mà tất cả đây mới chỉ là chuyện xử lý của bóng đá.
Nhiều người muốn tin lắm rằng, món "tiền đen" mà ông Vinh đưa cho trọng tài là để "thưởng" cho người và mua sự "an toàn" cho mình ở mùa sau, nơi "chiến trường V-League khốc liệt", chứ không phải là việc "trả công" của đội ông với những việc mà các "vua" đã làm cho họ ở mùa này. Song, nếu quả là vậy thì cũng không đủ để lý giải cho những câu hỏi:
Tại sao một HLV lão làng, lại được "vua biết mặt, chúa biết tên" như ông Vinh phải "sợ" trọng tài để rồi chấp nhận làm "luật"?
Tại sao một HLV luôn tự cho mình là "căm" tiêu cực lại chấp nhận "thỏa hiệp" với những vòi vĩnh của những "vua áo đen"?
Tại sao một HLV luôn khẳng định ước ao làm bóng đá "sạch" và chọn Đông Á.Thép Pomina làm bến đỗ cũng bởi vì chung khát vọng xây thứ bóng đá tử tế đó, lại đồng ý "đi với ma mặc áo giấy", cắt phần tiền thưởng của cả đội và của cả mình cho trọng tài?
Liệu ai có thể tin đó chỉ là hệ quả của những phút giây hồ đồ của một người đã bước vào cái tuổi gần 60 nghĩ rằng ở đời "lộc bất tận hưởng"?
Hay bởi, vốn là "người của giang hồ" nên ông "thân bất vị kỷ", buộc phải tôn trọng "luật giang hồ"? Cái thứ luật bất thành văn mà bấy lâu người làm bóng đá đặt cho mỹ từ "bồi dưỡng" khi cho "tiền tươi" trọng tài để đổi lấy sự "yên ổn", nhưng không có thì không được.
Tiếc lắm chứ và cũng đau lắm chứ cho một HLV tài ba. Bên cạnh đó, là thường trực một nỗi lo cho HLV trưởng đội tuyển U23 Riedl phải "vượt cạn" một mình ở SEA Games 23.
Cánh phóng viên "chiến trường", chuyên săn tin ở Liên đoàn trong những ngày này, phần lớn đều ái ngại, thương tiếc và cảm thấy có điều chi bất nhẫn của số phận dành cho ông. Chính cái sự bất nhẫn đó và ánh mắt lạc thần của ông Vinh trong ngày cùng đội tuyển từ Áo trở về đã khiến cho các phóng viên phải phá bỏ phận sự nghề nghiệp, không quyết tâm "truy đuổi" đến tận cùng ở sân bay Nội Bài.
Nhưng trước pháp luật và các quy phạm xã hội thì không thể khác được! Ông Vinh đã không ít lần từng cảm thán với cái nghiệp cầm quân mà mình mang vào thân rằng: "HLV như một người lính, phải biết chấp nhận sự hy sinh".
(Theo Công An Nhân Dân)