Chị em Diễm, Tuấn với cô giáo dạy tiếng Bồ Đào Nha. |
Riêng cháu Diễm viết được mỗi thứ tiếng một bức thư ngắn, còn cháu Tuấn mới viết được chữ của dăm thứ tiếng.
Hai cháu là con của anh Võ Minh Oai, quê gốc Cái Răng, Cần Thơ, định cư ở Mỹ từ năm 1990. Ông bà nội của các cháu đang sống ở nhà số 153/5 khóm 9 phường Lê Bình, Cái Răng.
Bà nội cháu lấy những bức thư cháu Diễm gửi cho bà năm 2004, lúc mới 5 tuổi, đều viết bằng thứ chữ lạ. “Không hiểu cháu viết gì?”, bà giáo mỉm cười nói. Về sau đem hỏi mới biết đó là chữ Ả Rập, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Trao đổi với anh Võ Minh Oai qua e-mail, anh cho biết rằng hiện cháu Diễm nói lưu loát, đọc và viết được cả 11 thứ tiếng. Những tiếng khó đọc, khó viết như Trung Quốc, Ấn Độ cháu đọc, viết chậm hơn so với các tiếng có mẫu tự Latin. Cháu yêu thích tất cả 11 thứ tiếng nhưng nói tiếng Việt và tiếng Anh nhiều nhất.
Cháu Diễm biết nói rất sớm. Năm cháu lên một, anh Oai đã phát hiện năng khiếu ngôn ngữ của con. Anh là bác sĩ nha khoa hành nghề tại North Carolina. Khi cháu Diễm biết nói, nhân viên của anh Oai vui đùa với cháu bằng ngôn ngữ của họ, chỉ thời gian ngắn, cháu đã biết trò chuyện.
Từ đó, anh thuê cô giáo đến nhà dạy theo giờ, các thứ tiếng xen kẽ nhau liên tục ngày này qua ngày khác. Cứ khoảng 3 tháng, cháu nói được một thứ tiếng.
Năm 2 tuổi, cháu đã nói được 4 thứ tiếng, sau đó anh Oai cho cháu học 8 thứ tiếng rồi 11 thứ tiếng. Theo anh Oai, cháu còn thích học thêm các thứ tiếng mới nữa nhưng anh không cho.
Anh Oai cho biết thêm, em của Diễm, Võ Minh Tuấn cũng biết nói 11 thứ tiếng, tuy nhiên năng khiếu ngôn ngữ không bằng chị Diễm. Anh có quay một cuộn phim giới thiệu việc học tiếng của cháu Diễm lúc mới 5 tuổi, gửi về quê. Cuộn phim dài khoảng 60 phút, trong đó 10 thứ tiếng học với cô giáo, riêng tiếng Việt học với mẹ.
Trong băng cho thấy Diễm học hết sức thoải mái. Cháu ngồi bất cứ nơi nào, trên ghế, trên giường, dưới sàn nhà, vừa chơi vừa học. Cháu Diễm học nói vài tiếng, viết vài chữ lại đứng lên ghế hoặc lăn ra đất ngọ nguậy tay chân, có khi chui vào gầm bàn tìm thứ nọ thứ kia.
Một đoạn, cháu Diễm chơi hơi lâu, anh Oai nhắc: “Con phải nghe lời cô giáo”. Cháu đứng lên phụng phịu: “Cô giáo cũng phải nghe lời con mới công bằng”. Đoạn khác cô giáo ngồi đọc cho cháu viết một bức thư bằng tiếng Nhật gửi bà nội. Cô đọc từng tiếng, cháu Diễm vừa chơi vừa viết. Khi đọc lại, anh Oai bảo cháu đọc bằng tiếng Việt. Cháu lẩm nhẩm tiếng Nhật, dịch ra tiếng Việt nhưng đến một đoạn có vẻ khó khăn, cháu nói: “Bà nội, bà nội, how are you”, rồi nằm lăn ra ghế đọc lại: “Bà nội có khỏe không”.
Học tiếng Việt thì đánh vần cuốn sách in ở Việt Nam với những câu: “Đi đến nơi nào, lời chào đi trước, lời chào dẫn bước, chẳng sợ lạc nhà, lời chào kết bạn, con đường bớt xa”. Hoặc hát “ông trăng tròn, tròn như trái banh con con”.
Hôm đến nhà ông bà nội cháu Diễm, PV được nghe một bản nhạc do cháu Diễm sáng tác đã đoạt giải cuộc thi những người sáng tác nhạc nhỏ tuổi ở Mỹ, giải trao ngày 28/4.
Anh Võ Minh Oai cho biết thêm Diễm đoạt giải Pike Peak của bang Colorado được mở rộng cho các thí sinh của cả nước Mỹ. Cháu Diễm là thí sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải ấy.
Cháu học nhạc lúc 4 tuổi rồi bắt đầu tự sáng tác nhạc lúc 5 tuổi và đã ghi được một CD gồm 14 bản nhạc sáng tác năm 6 và 7 tuổi.
(Theo Tiền Phong)