Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM cho biết, đây là hai trường hợp đầu tiên thành công trong việc nhờ người mang thai hộ.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân 28 tuổi ở Khánh Hòa, kết hôn 4 năm nhưng không có con do khiếm khuyết hệ sinh dục, tử cung nhi hóa, không có cổ tử cung. Người nhận mang thai giúp là chị họ 33 tuổi.
"Sau khi thực hiện các quy trình, đến nay, chúng tôi chính thức thông báo với gia đình việc mang thai hộ đã thành công. Hiện thai đã được 7 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy đã có tim thai và đây là trường hợp song thai", bác sĩ Hải nói.
Trường hợp thứ hai cũng nhận tin vui là đôi vợ chồng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết hôn 7 năm, người vợ sinh năm 1984 vẫn không thể mang thai do mắc chứng tử cung nhi hóa. Trước khi luật mang thai hộ ra đời, chị này từng điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ 6 lần nhưng không thành công.
Người mang thai hộ cho bệnh nhân là em họ sinh 27 tuổi. Hiện thai đã được khoảng 5 tuần tuổi, trường hợp này sẽ được siêu âm kiểm tra tim thai trong cuối tháng 9.
Tại Việt Nam, từ giữa tháng 3, pháp luật chính thức cho phép thực hiện việc mang thai hộ cho các trường hợp hiếm muộn. Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phụ sản Trung ương Huế và Phụ sản Từ Dũ là 3 cơ sở y tế tiếp nhận thực hiện việc mang thai hộ.
Mang thai hộ chính danh tức là con sinh học của một cặp vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.
Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.
Người mang thai hộ phải là họ hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Để thực hiện việc nhờ mang thai hộ, vợ chồng có nhu cầu cần gửi hồ sơ đề nghị đến các bệnh viện mà Bộ Y tế chỉ định. Hồ sơ sẽ được xem xét và cả người muốn có con lẫn người mang thai hộ sẽ được tư vấn các kiến thức cần thiết.
Chi phí và kỹ thuật mang thai hộ giống với thực hiện một ca thụ tinh ống nghiệm. Tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ khá cao, trên 45%. Bệnh viện Từ Dũ đã nhận 18 trường hợp đăng ký đủ điều kiện để được xét mang thai hộ và đã thực hiện chuyển phôi cho 4 ca. Ngoài 2 trường hợp thành công, 2 ca còn đang tiếp tục nuôi cấy bằng số phôi dự trữ.
Thiên Chương