Ngày 10/6, cơ quan điều tra đang phân tích mẫu khí và các kết quả khám nghiệm hiện trường nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Lê Văn Nghiên (50 tuổi, ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) và con trai 17 tuổi.
"Bước đầu nhận định các nạn nhân có thể đã chết vì ngạt khí. Chưa phát hiện dấu hiệu án mạng hay mâu thuẫn gì khác phát sinh...", thượng tá Đặng Đình Tại, Trưởng công an huyện Hậu Lộc, cho hay.

Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Thanh Hoá dùng bình dưỡng khí và mặt nạ phòng độc mới tiếp cận được đáy giếng hôm 8/6.
Theo công an địa phương, ông Nghiên và gia đình có cuộc sống hạnh phúc, không mâu thuẫn với họ hàng hay láng giềng thời gian gần đây. Con trai ông cũng được đánh giá hiền lành, chăm học.
Khoảng 13h30 ngày 8/6, hàng xóm nghe tiếng ông Nghiên la hét thất thanh, vội chạy sang thì phát hiện ông và con trai Lê Văn Quý (17 tuổi, đang học lớp 11) đã chết dưới giếng nước của gia đình.
Giếng sâu khoảng 6 m, rộng 80 cm, vốn được dùng lấy nước sinh hoạt của gia đình nhưng đã lâu ngày không sử dụng. Đáy giếng có nhiều vật dụng và chất bẩn, được đậy nắp gần kín miệng.
Theo chính quyền địa phương, gia đình ông Nghiên có 5 người, lúc xảy ra vụ việc, người vợ và con gái vắng nhà, chỉ có mẹ ông, song bà không biết chuyện.
Nhân chứng kể trưa hôm trước khi xảy ra vụ việc, người con là Lê Văn Quý đi tắm trước khi đến trường đã sơ ý đánh rơi chiếc điện thoại nên bám thành giếng xuống mò nhưng bị ngạt. Người cha không thấy con trai lên liền ra kiểm tra, định xuống cứu con song cũng gặp nạn.
Nghe tiếng tri hô, hai thanh niên hàng xóm chạy sang, lần lượt trèo xuống định cứu các nạn nhân song cũng bị ngất. Họ sau đó được dân làng đưa lên bờ kịp thời nên thoát nạn. "Nếu hôm qua không xử lý nhanh, có thể còn nhiều người mất mạng nữa", thượng tá Tại cho biết thêm.
Nhận định giếng có nhiều ém khí, cảnh sát cứu hộ sau đó được điều động dùng bình dưỡng khí và mặt nạn phòng độc xuống đưa các thi thể nạn nhân lên bờ.
Gia đình nạn nhân từ chối giải phẫu tử thi và được chấp thuận của nhà chức trách. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ thân nhân an táng những người xấu số.
Theo nhà chức trách, những chiếc giếng đào dân sinh lâu ngày không sử dụng, có nhiều lá cây hoặc tạp chất bên dưới qua thời gian sẽ sinh ra khí mê tan (CH4) tích tụ. Nếu đường đột mở nắp và tiếp cận đáy giếng, con người có thể trúng độc, tử vong. Do vậy, để tránh bị ngộp thở trước khi xuống giếng, người dân cần dùng quạt đẩy gió xuống hoặc dùng cành cây, que sào khuấy động mạnh để khí đối lưu.