Hầu hết các máy bay dân dụng và quân sự đều sử dụng cửa sổ hình bầu dục (hoặc hình tròn) mà không phải là hình vuông hay chữ nhật như cửa sổ nhà ở thông thường. Những người trong ngành đã đưa ra một số giải thích.
Trên thực tế, khi ngành hàng không bắt đầu hình thành, người ta đã sử dụng hình dáng cửa sổ vuông và không có chuyện gì xảy ra bởi máy bay thời kỳ này vẫn khá sơ khai, thường là máy bay phục vụ nông nghiệp. Đến những năm 1950 khi hàng không thương mại phát triển, máy bay được nâng cấp với tốc độ và độ cao hơn trước đây thì đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Nguyên nhân được tìm ra chính là vì những ô cửa sổ tưởng như vô hại. Khi máy bay lên cao, áp suất không khí lớn, những góc vuông này chịu lực tác động rất lớn, cao gấp 3-4 lần những vị trí khác của ô cửa nên rất dễ bị vỡ, nổ tung, dù cho làm từ loại chất liệu chịu lực nào. Kể từ đó, người ta bắt đầu sử dụng các loại cửa có hình dáng tròn trịa hơn, không có điểm tập trung khiến áp lực dàn đều các điểm trên cửa, giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn. Ngoài ra, ô cửa dạng này không dễ bị biến dạng, có thể chịu được chênh lệch áp suất giữa bên trong khoang và bên ngoài khí quyển.
Còn về lý do các hãng hàng không chọn thiết kế cửa bầu dục thay vì hình tròn là bởi hình bầu dục tận dụng được diện tích trống, khiến du khách có thể ngắm không gian mây trời được nhiều hơn so với hình tròn.
Với những hành khách thích ngồi gần cửa sổ, không ít người từng phát hiện ra và thắc mắc về một lỗ tròn trên cửa sổ. Thậm chí, nhiều người còn lo lắng và báo với tiếp viên hàng không vì sợ rằng đây là một lỗi kỹ thuật sẽ gây nguy hiểm cho chuyến bay. Trên thực tế, lỗ nhỏ này nằm trong thiết kế sẵn có của máy bay.
Theo Business Insider, khi máy bay càng lên cao, áp suất không khí càng giảm. Áp suất không khí bên ngoài thấp hơn rất nhiều so với bên trong máy bay, gây nhiều tác động vật lý có hại đến cửa sổ máy bay.
Cửa sổ máy bay bao gồm ba tấm kính riêng biệt (bên ngoài, ở giữa, bên trong). Lỗ nhỏ xíu ở tấm kính giữa còn được gọi là "lỗ thở", giúp cân bằng áp suất không khí trong khoang hành khách và khoảng trống nhỏ, nằm giữa tấm kính ở giữa và tấm kính bên ngoài. Điều này có nghĩa, tấm kính ngoài cùng chịu hết áp lực, trong khi tấm kính giữa đóng vai trò dự phòng an toàn.
Tấm kính trong cùng không chịu lực, nhưng nó giúp bảo vệ tấm kính giữa và tấm kính ngoài cùng khỏi những hư hại có thể gây ra bởi hành khách. "Lỗ thở" cũng giải phóng hơi ẩm, giúp cửa sổ không bị mờ đi.
SuZi Nguyễn tổng hợp