- Anh thường gặp khó khăn ở những cảnh quay nào trong 'Ngược chiều nước mắt'?
- Tôi thường thấy khó ở những cảnh tát. Nếu tát giả quá thì sẽ gây hiệu ứng không tốt nhưng nếu tát thật thì tôi thấy tội cho bạn diễn. Trong phim này, tôi có nhiều cảnh phải tát Phương Oanh và Trang Cherry. Với những phân đoạn ấy, tôi sẽ diễn thật và tát mạnh đến mức bạn diễn sái hàm ngay từ lần diễn đầu tiên. Nếu tôi làm không tốt và phải diễn đi diễn lại nhiều lần thì sẽ càng khổ cho người ta thôi. Sau phân đoạn đó, tôi phải chạy lại hỏi bạn diễn "em có sao không?", "anh có làm em đau không?" và xin lỗi dù đó không phải là do tôi cố tình làm như vậy.
- Anh làm thế nào để có được sự ăn ý khi thực hiện cảnh tình cảm cùng Phương Oanh?
- Phương Oanh hay trách tôi "anh đóng phim gì mà hôn bạo lực thế!". Thực ra Oanh làm phim ở Hà Nội nên không thường xuyên thực hiện các cảnh hôn, cảnh nóng như tôi. Tôi từng đóng phim điện ảnh nhiều và những cảnh nóng đối với tôi là quá bình thường. Đối với phim điện ảnh, tất cả các nụ hôn đều phải thật, phải nồng nên không thể làm giả được. Tôi quen với điều đó nên khi vào phim này, Phương Oanh thường nói tôi: "Anh phải hôn nghệ thuật một chút, môi chạm môi thôi chứ...". Những lúc như vậy, tôi chỉ biết nói xin lỗi, rút kinh nghiệm và hứa những cảnh sau sẽ hôn cô ấy thật đẹp, thật ngôn tình. Gần cuối phim, tôi và Phương Oanh sẽ có một cảnh hôn lãng mạn trong một khung cảnh rất đẹp.
|
Hà Việt Dũng và Phương Oanh trong 'Ngược chiều nước mắt' |
- Bạn gái phản ứng ra sao khi anh thường xuyên đóng cảnh nóng trên màn ảnh?
- Bạn gái tôi hiểu đó là công việc nên không ghen tuông. Khi đến đoạn có cảnh nóng, tôi cố gắng đánh lạc hướng để người ta đừng nhìn lên màn hình vì biết nếu không làm thế, thể nào mình cũng bị nhéo (cười). Tôi không cần chuẩn bị tinh thần hay xin phép bạn gái trước khi thực hiện cảnh nóng vì cô ấy đã quá quen với việc tôi vào những vai như thế rồi. Khi các phim của tôi lên sóng, bạn gái tôi tỏ thái độ bình thường rồi đổi tên tôi trong điện thoại là "trùm cảnh nóng".
- Người thân của anh ở quê có ý kiến gì khi thấy anh thường vào những vai phản diện trên truyền hình?
- Tôi là người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Ở quê tôi, mọi người không có nhiều kênh truyền hình để xem nên mỗi khi phim của tôi được lên VTV, cả nhà đều cùng xem và thấy vui lắm. Mẹ tôi bán rau ở chợ nên ai gặp mẹ cũng nhắc và hỏi thăm tôi.
Mọi người ở quê vẫn nghĩ phim là thật. Hồi phim Đồng tiền quỷ ám lên sóng, các bà và các bác tôi ở quê cứ bảo "Tưởng thằng Dũng đóng phim như thế nào, hóa ra toàn đi ngủ với gái" (cười). Bạn bè thì bảo "sướng thế, yêu hết cô này đến cô khác". Sau khi một số cảnh tôi bị bắt cóc, tra tấn được lên sóng, ai cũng gọi hỏi thăm tôi hoặc nói với mẹ tôi là: "Thằng Dũng đi đóng phim khổ thật, chắc nó đau lắm". Xem Ngược chiều nước mắt, mọi người cũng nhận xét: "Nhìn thằng này sáng sủa mà sao nó vào vai đểu thế". Tôi chẳng biết làm thế nào nên đành chấp nhận còn mẹ tôi thì cứ phải đi giải thích với mọi người đó chỉ là phim chứ không phải là thật.
- Vai Sơn trong 'Ngược chiều nước mắt' giống và khác với anh như thế nào?
- Khi đóng phim, tôi cũng nghĩ 'sao mà thằng ấy nó tệ thế!'. Tôi ở ngoài không đến mức quá tệ như thế (cười). Ở ngoài đời, tôi không đa tình lắm đâu. Tôi thường quen người này xong mới quen người khác chứ không 'đánh bắt nhiều bờ' giống như Sơn (cười).
Sau khi phim lên sóng, tôi lên fanpage của bộ phim và thấy ai cũng chửi mình. Tôi không sốc vì điều đấy nhưng cũng hơi buồn. Tôi từng đóng nhiều vai cả chính diện lẫn phản diện rồi nên hiểu rằng việc diễn sao để người ta ghét mình không phải là điều dễ dàng. Nếu được đóng vai chính diện và được khen thì có lẽ tôi sẽ thấy thích hơn.