Ca khúc được nhạc sĩ xứ Quảng lấy cảm hứng từ những ngày tháng vào Sài Gòn lập nghiệp, thể hiện sự đồng cảm với những người con xa xứ ngày cuối năm. Câu chuyện của những đứa con ly hương, bôn ba mưu sinh quê người nhiều năm không được về thăm gia đình trong khi mẹ già ngày đêm ngóng trông được khắc họa qua từng lời ca: "Quà xuân con xin dâng mẹ là đêm 30 sum vầy vui đón mùa xuân đoàn viên".
Hà Vân hát 'Quà xuân cho mẹ'
Anh chọn Hà Vân thể hiện Quà xuân cho mẹ vì tin rằng giọng hát tình cảm, sâu lắng và đầy màu sắc của nữ ca sĩ sẽ giúp truyền tải trọn vẹn thông điệp của ca khúc. Bên cạnh đó, việc Hà Vân không bao giờ nhận show dịp Tết cũng khiến anh nghĩ một người con gái hiếu thảo với cha mẹ như vậy sẽ lột tả hết nỗi niềm của những đứa con xa nhà dịp Tết.
Hà Vân cho biết cô đồng cảm sâu sắc với ca khúc do Tuấn Sông Thu sáng tác. Từ khi còn nhỏ, cô luôn quanh quẩn phụ mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, cùng cả nhà đón giao thừa. Với cô, đêm giao thừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thời khắc thiêng liêng để cả gia đình cùng sum họp đón những giây phút đầu tiên của năm mới. Năm mới vào Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống rất khó khăn, cô nhận lời hát cho chương trình truyền hình trực tiếp vào đêm giao thừa ở một tỉnh xa nên không thể về nhà. Một mình trên xe trong đêm giao thừa, cô thấy lẻ loi và cô đơn hơn bao giờ hết trong khi mẹ và cả nhà đều buồn. Giao thừa năm đó của gia đình cô không được trọn vẹn. Đó cũng là lý do cô không bao giờ đi diễn vào đêm giao thừa và luôn sắp xếp về bên mẹ, sum họp gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.

Ca sĩ Hà Vân.
Hà Vân được biết đến từ khi tham gia Nhân tố bí ẩn mùa đầu tiên, là học trò của Đàm Vĩnh Hưng. Từ đó, cô gắn bó với dòng nhạc Bolero và các ca khúc: Mưa rừng, Người tình, Đôi ngã chia ly, Trang nhật ký, Về đâu mái tóc người thương, Kiếp nghèo...