Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ trở thành huyết mạch giao thông quan trọng nối liền các khu vực trọng điểm của vùng kinh tế phía Bắc.
Báo cáo cuối kỳ giai đoạn lập dự án đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vừa được cơ quan Tư vấn: Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, hoàn tất. Tổng mức đầu tư cho Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, theo tính toán của cơ quan Tư vấn là 9.529 tỷ đồng cho giai đoạn 1 và 13.474 tỷ đồng cho giai đoạn 2.
Trong bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tư vấn đã nghiên cứu các phương án tuyến chính và hướng tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phương án đi theo phía Nam quốc lộ 5.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm đồ án cho biết, phương án đi tránh hẳn về phía Nam Quốc lộ 5 là phương án tuyến đi mới hoàn toàn, cách Quốc lộ 5 đang khai thác hiện nay 3-15 km. Với phương án này sẽ xây dựng được một con đường cao tốc hoàn chỉnh: đi tránh các khu công nghiệp, khu dân cư, tạo khoảng cách hợp lý giữa 2 con đường lớn chạy song song, phù hợp với quy hoạch phát triển của các địa phương. Hướng tuyến này đến nay đã nhận được sự đồng ý thống nhất của các địa phương đi qua: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Như vậy, toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dài 102,5 km. Tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội khoảng 6 km, tỉnh Hưng Yên khoảng 26,5 km, Hải Dương khoảng 40 km và qua địa phận Hải Phòng khoảng 30 km.
Điểm bắt đầu đường cao tốc nằm trên Vành đai III của Thành phố Hà Nội, cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1.025 mét, cách đê sông Hồng 1.420 mét về phía Bắc Ninh, thuộc địa phận thôn Thượng Hội-xã Thạch Bàn-quận Long Biên-TP Hà Nội. Điểm đầu nối trực tiếp vào đường Long Biên - Thạch Bàn (TP Hà Nội đã công bố chi tiết quy hoạch quận Long Biên). Điểm cuối tuyến đi theo quy hoạch tuyến đường Vành đai III của Hải Phòng, vượt sông Lạch Tray và kết thúc tại đập Đình Vũ - huyện Hải An - Hải Phòng.
Tuyến đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A - cấp vận tốc 120km/h theo TCVN 5729-97. Mặt đường 6 làn xe, rộng 35 mét. Có giải phân cách giữa và làn dừng khẩn cấp 2 bên. Các giao cắt trên tuyến sử dụng hoàn toàn giao cắt khác mức. Đường quốc lộ và tỉnh lộ sẽ đi vượt phía trên đường cao tốc. Các đường dân sinh và huyện lộ vượt đường cao tốc bằng cống chui dân sinh kết hợp với cầu vượt (tại những vị trí có thể). Trên toàn tuyến có tổng cộng 13 nút giao liên thông (giao cắt khác mức có cho phép phương tiện đi và vào đường cao tốc) và 6 giao cắt trực thông (giao cắt không cho phép phương tiện tách và nhập vào đường cao tốc).
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được đầu tư xây dựng hoàn thiện giai đoạn I vào năm 2009-2010. Giai đoạn này quy mô đường cao tốc có nền đường 6 làn xe, mặt đường 4 làn xe (2 làn xe dự trữ trong cùng). Giai đoạn 2 - đến năm 2019-2020-xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc với mặt đường 6 làn xe và các công trình phụ trợ khác.
Nằm trong quy hoạch chung của mạng đường cao tốc Việt Nam, tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cùng QL5, QL10, QL18, QL38, QL39, QL21 sẽ trở thành mạng lưới giao thông xương sống nối liền các khu vực trọng điểm vùng kinh tế phía Bắc, thúc đẩy khu vực nhiều tiềm năng này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
(Theo Hà Nội Mới)