Các quán chè Lộc Tài không còn chỗ gửi xe. Bia hơi có đá Hải Xồm tràn ra cả vỉa hè. Dãy mía đá nổi tiếng phố Bà Triệu sau đợt mùa Đông vừa làm vừa chơi, nay, bã mía cao như núi.
Anh chủ quán nước gần đó bảo: “Tầm 4h chiều may ra mới mua được một ít”. Anh chỉ tay về phía tấm gỗ nhỏ nơi có một hai cái chăn bông và chăn chiên cáu bẩn kê trên mấy viên gạch, giải thích: “Đá để ở đó. Mỗi cây bán gấp đôi giá gốc, 80.000-100.000 đồng/cây.Ngày nào mát mẻ hơn thì 60.000 đồng/cây. Phải xếp hàng từ 4 đến 7h sáng để mua. Sau giờ đó chỉ còn nước về tay không".
Hà Nội nóng hầm hập. Người ta bán 1.000 đồng/cốc trà đá, gấp đôi giá ngày thường. Mấy cô hàng tào phớ nợ nhau bát đá í ới đòi. Một chủ hàng nước tay quạt, miệng làu bàu: “Bình thường đến 12h đêm vẫn còn đá”. Ông chỉ tay vào một loạt biển “hết đá” bằng bìa carton treo trước cửa các quán cóc.
Cung cấp đá giải khát “chính thống” cho Hà Nội có Công ty Thủy Tạ. Ngoài ra là vài chục cơ sở thủ công rải rác hang cùng ngõ hẻm. Có lẽ chỉ Công ty Thuỷ Tạ với sản phẩm đá viên tinh khiết pha lê có đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Y tế Hà Nội cấp. Tuy nhiên, đá Thủy Tạ như muối bỏ bể. Ông Vũ Quốc Hưng, Giám đốc Công ty Thuỷ Tạ, nói: “Công ty tăng 30% lượng đá nhưng vẫn không xuể dịp đầu hè”.
Đã thế, nhà máy của Thủy Tạ nằm bên kia cầu Chương Dương trong khi xe tải chỉ được vào nội thành sau 22h. “Với công suất tối đa 100 tấn/ngày, công ty có thể đáp ứng được cho toàn TP Hà Nội. Nhưng chúng tôi bị buộc phải thay thế xe tải chuyên dụng bằng xe loại nhỏ, chở không được là bao”, ông Hưng cho biết.
Nhằm thoả cơn khát dân thành phố, cơ sở sản xuất đá thủ công nhanh chóng vào cuộc. Đá cây do họ làm ra vừa để ướp thực phẩm vừa để… uống! Ông Tuấn, một “chủ đá” sát mép đường ray xe lửa, đoạn nối giữa phố Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, nêu giá 20.000 đồng/kg cho một cây đá 5 kg.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Cục VSATTP, Bộ Y tế, chất lượng đá thủ công phụ thuộc chủ yếu vào... lương tâm người kinh doanh. Trước đây, cơ sở sản xuất đá còn bị “kìm kẹp” bởi chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng từ năm 2000, giấy phép con bị bãi bỏ.
“Một năm thanh kiểm tra một hai lần không thể khẳng định cơ sở đó có đảm bảo xử lý nước thường xuyên không”, ông Dũng nói. “Đó là chưa kể có hộ hứng nước máy bỏ vào tủ lạnh, không qua xử lý. Một số cơ sở cũng có xử lý nước bằng chlorine trước khi làm đá. Nhưng liều lượng chlorine thế nào, không thể biết”.
Nhiều người tự bảo vệ mình bằng cách chọn những quán có sử dụng đá viên để uống vì “cứ viên là sạch” như một cô gái tóc vàng tin tưởng. Nhưng hoá ra không phải vậy. Nhiều cơ sở đá cây xoay sang làm đá viên chỉ để chiều khách chứ “công nghệ” không khác gì đá cây.
Ông Vũ Quốc Hưng cho biết, tinh ý một chút, có thể nhận biết cảm quan đâu là đá khuôn hình viên đâu là đá viên tinh khiết pha lê thứ thiệt! Đá viên bình thường khi tan hết để lại cặn, vẩn đục. Đá viên tinh khiết cho vào cốc vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia. Khi tan hết, vẫn trong như nước khoáng. Chỉ khách sạn, một số nhà hàng lớn hay những nơi giải khát là dùng đá viên tinh khiết pha lê của Thủy Tạ. Còn lại, toàn nước đá “trời ơi”!
Chuyên gia Cục ATVSTP khuyến cáo nên sử dụng đá đóng trong bao gói, có nhãn mác, ghi rõ cơ sở sản xuất. Nhưng không lẽ để uống một cốc chanh đá sạch phải tìm đến tận khách sạn hay các quán xịn! Thế là nhiều người tặc lưỡi cho qua, tạo điều kiện cho đá thủ công có thêm “công ăn việc làm”.
Sau một hồi khảo sát mướt mồ hôi, PV Tiền Phong chui vào một quán cóc. San sát các xích lô, xe ôm, thanh niên lắc lắc cốc đá. “Sao bác không dùng đá viên?”, “Bán trà đá lời lãi bao nhiêu mà mua đá viên. Mua một cây đá dùng bét nhè cả ngày, vứt đi cũng đỡ tiếc”, bà chủ quán vừa cho đá vào cái túi vải cáu bẩn, vừa lấy chày đập chan chát.
Sử dụng nước đá không đảm bảo vệ sinh, đá làm từ các nguồn nước nhiễm khuẩn, nước không qua xử lý, có thể bị nhiễm các hoá chất tồn dư trong nước như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…, dẫn đến các bệnh về đường ruột như thương hàn, tả, lỵ, nguy hiểm hơn, có thể dẫn tới ung thư. Theo Bộ Y tế, trung bình một năm mỗi người Việt Nam bị tiêu chảy 1,6 lần do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong đó có nước đá.
Hà Nội có khoảng 11 cơ sở sản xuất đá công bố chất lượng tại Sở Y tế Hà Nội. Các cơ sở này được kiểm tra định kì theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là các cơ sở đá Hoàng Lâm (Cống Vị), Vũ Viết Hùng (Trường Chinh), Công ty TNHH Lâm Sơn (Đường Láng), Tuyết Nhung (Láng Thượng), đá Chợ Mơ (Bạch Mai), nước đá cây Sơn HảI (Lạc Trung), cơ sở đá Nguyễn Công Trứ (Nguyễn Công Trứ), cơ sở đá Kim Cương (Cầu Đất), cơ sở đá An Dương (An Dương), Long Phát (Thụy Khuê), và Cty TNHH nước đá Hà Nội (Lương Thế Vinh). |
