"Ở trọ" gồm 7 ca khúc; ba trong số đó đã ra mắt từ trước dưới hình thức MV, gồm "Diễm xưa", "Mưa hồng" và "Biển nhớ". Những sản phẩm âm nhạc này từng chinh phục công chúng yêu nhạc, trong đó có cả những người hiếm khi chấp nhận một sự "làm lại" nhạc Trịnh. "Diễm xưa" và "Biển nhớ" là những bản nhạc với một chút dubstep (thể loại nhạc điện tử có nguồn gốc từ nước Anh) để tạo nên những dữ dội của sự cô đơn, rộng lớn đến mênh mang trong tâm hồn con người, tìm được đến với một thế hệ trẻ đồng điệu về cảm xúc; còn "Mưa hồng" với một MV đầy ấn tượng và giọng ca mộng mị, sâu lắng của Bùi Lan Hương đã nhận được nhiều lời nhận xét tích cực.
Ba ca khúc "Diễm xưa", "Mưa hồng" và "Biển nhớ" là bước đệm để Hà Lê tự tin sáng tạo, tìm ra những thanh âm, nhịp điệu, cấu trúc, cách thể hiện và cả những người bạn mới để làm nên một album hoàn chỉnh, tạo một sản phẩm nhiều dấu ấn trong dự án "Trịnh Contemporary". Đây là album đầu tiên trong sự nghiệp solo của Hà Lê mở đầu bằng những lời tâm sự chân thật, giản dị của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những tâm sự của cố nhạc sĩ tài hoa, người đã viết nên những tuyệt phẩm đẹp cả về nhạc và lời như "Ở trọ", "Hạ trắng", "Diễm xưa",... chính là nói lên quan điểm của ông về cuộc đời, về thế giới, cũng như về âm nhạc. Qua đôi mắt của ông, "người này có thể là bụi tre, người kia là khóm trúc...". Và nhiệm vụ của mỗi con người, là phải sống đẹp, sống có ích, để không phí phạm cuộc đời mà tạo hóa đã ban cho.
Là một trong những ca khúc được lựa chọn ở nửa sau của cuộc hành trình làm mới nhạc Trịnh, nhưng việc chọn "Ở trọ" làm ca khúc mở đầu - ca khúc chủ đề cho thấy sự tôn kính, đồng điệu của Hà Lê đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Sự sáng tạo của Hà Lê và Tùng Acoustic - giám đốc âm nhạc của album - đã mang lại những âm thanh vui nhộn, đầy rung động của nhạc điện tử, tô vẽ một gam màu tích cực cho những đôi tai đang tìm kiếm sự tươi mới ở một kho tàng nhạc từng được nhiều thế hệ thể hiện theo nhiều cách khác nhau.
Ở "Nhớ mùa thu Hà Nội", những âm thanh hiphop tưởng chừng lạ lẫm lại có khả năng kết nối người nghe với Hà Nội của ngày hôm nay, nơi những gì thật sự thân thuộc hiện ra trong tâm trí trước khi nhắc họ về một quá khứ huy hoàng trong đoạn cuối của bài hát.
Là ca khúc được hoàn thiện nhanh nhất, "Tuổi đá buồn" với những câu ca trữ tình của thời xưa được chuyển thể thành một ca khúc mang hơi hướm thần bí, thích hợp để nghe vào những buổi đêm nhiều suy tư.
Để rồi sau đó, "Huế, Sài Gòn, Hà Nội" – ca khúc khép lại album, Hà Lê và Tùng Acoustic cho thấy họ là "cặp bài trùng" khi mang đến cho người nghe sự bất ngờ cần thiết với cách chọn thể loại tưởng "lạc quẻ" mà vô cùng thời đại của êkíp sản xuất. Qua đó cảm thấy một sự hứng khởi, rộn rã mà phiên bản cũ, thậm chí những ca khúc mới của ngày hôm nay không làm được.
Những nỗ lực cách tân của Hà Lê và các cộng sự đã nhận được sự tán thành của chính gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Danh ca Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ: "Ở góc độ là ca sĩ, Hà Lê đã hát rất tinh tế. Ở góc độ là người sáng tạo, Hà Lê đã làm rất mới, quái nhưng rất hay. Phá như Hà Lê thì gia đình cho phép bởi vẫn giữ nguyên vẹn tinh thần của nhạc Trịnh Công Sơn. Nếu còn sống, chắc chắn anh Sơn sẽ rất thích".
Vân Anh