Hành trình tập ăn dặm của bé Myla, 8 tháng tuổi, được bắt đầu bằng việc nếm chút đồ ăn của người lớn như sữa chua, hoa quả mềm. Thấy con nhìn bố mẹ ăn, miệng nhai tóp tép, Hà Anh theo dõi trong vài tuần rồi mới cho con ăn thử. Siêu mẫu cho biết cô kiên quyết chờ con đủ 6 tháng tuổi, dạ dày và hệ thống tiêu hóa phát triển đủ, mới cho bé ăn dặm. Quãng thời gian chờ đợi này cũng có tác dụng kích thích sự tò mò của bé với chuyện ăn uống.
Myla được tập ăn dặm với bột hoa quả, bột sữa. Mỗi bữa Hà Anh cho con ăn khoảng hai thìa cơm của người lớn; vừa bón cho bé, vừa quan sát biểu hiện. Người đẹp chia sẻ toàn bộ quá trình tập ăn diễn ra chậm dãi để Myla có thời gian nếm và thưởng thức. Cô không bón quá nhanh, không ép bé ăn nhiều và ngừng ngay khi con có thái độ từ chối.
Với một số hương vị bột mà Myla tỏ ra không thích thú trong lần thử đầu tiên, Hà Anh để con thử lại thêm 1-2 lần. Cô cho biết tôn trọng sở thích cá nhân của bé, nhưng hiểu rằng bé cần sự thuyết phục của bố mẹ để làm quen với các mùi vị thức ăn khác nhau.
"Không nên hình thành thói quen kén ăn của bé bằng việc: bé không chịu ăn gì là ngừng, bé thích ăn gì sẽ cho ăn nhiều", bà mẹ người mẫu nói.
Cô nhấn mạnh điều này sẽ khiến bé thiệt thòi khi ra ngoài đời và trước mắt là khó khăn trong chuyện ăn uống khi đi chơi cùng bố mẹ.
Hiện tại, Myla chủ yếu ăn các loại bột ngọt vị trái cây như dâu, chuối, việt quất, bơ... thỉnh thoảng thêm cà rốt. Hà Anh được khuyên cho con ăn bột mặn luôn, nhưng cô không vội vàng. Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của con gái Hà Anh lúc này, khi bé đã 8 tháng tuổi, là sữa công thức; mỗi ngày hai cữ bột, một bữa trái cây và bú mẹ vào ban đêm. Thỉnh thoảng, cô cho con nếm chút tôm, gà, vịt... hay bánh mì, bánh bao, các loại khoai và bún...
Theo Hà Anh, bước này để bé có thời gian làm quen với các vị mới và tập nhai các miếng to; mặt khác chuẩn bị cho hệ tiêu hóa của bé không bị sốc với các món có đạm.
Khi được hỏi vì sao không áp dụng các phương pháp tập ăn dặm phổ biến như "Baby Led Weaning" hay "ăn dặm kiểu Nhật" cho con, Hà Anh trả lời:
- Baby Led Weaning là phương pháp tập cho trẻ làm quen với thức ăn người lớn; bỏ qua bước ăn cháo nhuyễn, cháo lợn cợn, mà cho bé tự bốc đồ ăn. Phương pháp này đề cao tính tự lập, cho trẻ tự luyện ăn để không tốn thời gian bón, cho bé có cảm nhận về tinh thần cá nhân; bé thích ăn gì sẽ tự bốc. Tuy nhiên, trẻ con chưa đủ nhận thức về việc món gì sẽ tốt cho chúng. Khả năng sẽ ăn món gì chúng thích hoặc không ăn, ăn ít, dẫn tới không đủ dinh dưỡng theo yêu cầu. Trẻ con - là con người, không như con vật bị luyện đi kiếm mồi tự ăn, mà phải dựa vào bố mẹ nhiều hơn. Và theo một số nguồn tin, phải 18 tuổi mới hình thành tâm sinh lý hoàn chỉnh. Vậy, luyện bắt con phải tự lập, đề cao tính cá nhân, sở thích từ lúc con bé vài tháng là không cần thiết.
- Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp cần chuẩn bị rất cầu kỳ, mỗi món với hàm lượng nhất định, được xay nhuyễn riêng, không lẫn vị với nhau. Người ta kháo nhau phương pháp này sẽ khiến khẩu vị của bé được phát triển, sẽ phân loại được các vị, mùi món ăn từ bé. Điểm bất lợi của phương pháp này là rất tốn thời gian, mẹ phải chuẩn bị tỉ mẩn.
Hà Anh không hoàn toàn phản đối phương pháp "Baby Led Weaning" mà thỉnh thoảng thay đổi nhiều vị bột để bé thích thú, xen kẽ với việc thỉnh thoảng luộc rau quả, cắt trái cây cho bé ngồi nghịch cầm ăn, chuẩn bị cho giai đoạn sau khi bé tự xúc. Với "Ăn dặm kiểu Nhật", cô nhấn mạnh các mẹ thích cầu kỳ, bày biện có thể áp dụng nhưng nếu không, trẻ vẫn phát triển bình thường về vị giác, khứu giác mà chẳng thua kém những bé được ăn dặm kiểu này.
Lam Trà