Nếu gửi tiền không có lãi, người dân không mặn mà với ngân hàng nữa.
Lỗ vì... gửi tiền ngân hàng
Chị Vân, nhân viên một công ty tài chính, cho biết đầu năm nay chị gửi tiền VND kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất 0,75%/tháng tại một ngân hàng. Tính chung 6 tháng, chị được khoảng 4,5%. Tuy nhiên, lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 5,2%, tính ra chị Vân được nhận lãi suất âm.
Bình luận về khoản lãi suất âm này, một chuyên gia kinh tế cho biết: "Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo lãi suất thực dương thì mới có thể huy động hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân. Bởi nếu đem tiền đến gửi ngân hàng để cuối cùng không nhận được đồng lời nào mà còn mất chi phí cơ hội, tức giá trị tiền tệ theo thời gian, thì người dân sẽ không còn mặn mà với hệ thống ngân hàng nữa".
Cũng theo chuyên gia này, một chuyển biến đáng chú ý trên thị trường lãi suất là giới ngân hàng đang dồn sự quan tâm vào tiền gửi ngoại tệ. Xu hướng tăng lãi suất huy động USD ngày càng rõ nét khi các ngân hàng đang cần vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp đang ngày một tăng mạnh. Lãi suất huy động trung bình tăng khoảng 0,08%/năm (kỳ hạn ngắn) và 0,1%/năm (kỳ hạn dài) so với tháng 3.
Chỉ tính trong tháng 6, có ít nhất bốn ngân hàng cùng công bố tăng lãi suất, bắt đầu là Ngân hàng Vietcombank TP HCM áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 8/6, với kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5%, 9 tháng là 4,75%/năm…
Ngày 20/6, Ngân hàng Đông Á cũng tăng lãi suất tiết kiệm USD cho tất cả các kỳ hạn, với kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,25%/năm, 9 tháng là 5,1%/năm... Năm ngày sau, Sacombank cũng tuyên bố tăng lãi suất 0,05-0,2%/năm cho các kỳ hạn. Và Eximbank cũng vừa nhập cuộc với thông báo ngày 29/6 sẽ tăng lãi suất tiết kiệm USD ở mức 0,05-0,2%.
Theo các ngân hàng, khả năng này khó xảy ra nếu các ngân hàng vẫn giữ lãi suất VND như hiện nay hoặc tăng nhẹ lên đôi chút. Nếu làm phép so sánh thông thường thì lãi suất gửi tiền tiết kiệm bằng VND vẫn đang cao hơn tiền USD. "Không nên nghĩ rằng đổi sang tiền USD để gửi thì ta có thể tránh được tốc độ trượt giá của VND. Cần lưu ý rằng khi cần chi tiêu chúng ta vẫn phải bán USD để đổi ra VND, có nghĩa tài khoản vẫn bị yếu tố trượt giá chi phối" - đại diện một ngân hàng cổ phần phân tích.
Lãi suất thỏa thuận không... thuận
Hiệp hội Ngân hàng VN vừa khuyến cáo các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất đã được thỏa thuận cách nay gần hai tháng bằng cách giảm lãi suất huy động tiền gửi. Theo hiệp hội, trong hơn tháng qua nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất huy động tiền gửi, nhưng các mức lãi suất hiện tại của các ngân hàng vẫn còn cao.
Tại cuộc họp ngày 11/4, các ngân hàng thành viên đã thống nhất điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi do nguồn cung ứng vốn trên thị trường khá dồi dào, vượt nhu cầu sử dụng vốn. Tuy nhiên, sau đó nhiều ngân hàng đã lơ thỏa thuận này.
Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết nguồn vốn khả dụng của ngân hàng ông vừa qua tăng đột biến chủ yếu từ nguồn đóng góp của các công ty cổ phần và các công ty quản lý quĩ. Các đơn vị này huy động vốn nhưng chưa tìm ra được nơi giải ngân nên đều gửi vào ngân hàng. Vị đại diện này cho biết ngân hàng đang cân nhắc việc giảm lãi suất vì "dẫu sao cũng phải ngó qua ngó lại".
Sacombank là ngân hàng mới nhất vừa đưa ra thông báo giảm lãi suất. Từ 26/6, Sacombank đã giảm lãi suất huy động VND cho tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm xuống còn 0,76%/tháng, 9 tháng xuống còn 0,745%/tháng…
Tuy nhiên, trong một động thái ngược lại, ngày 29/6 Ngân hàng Eximbank lại thông báo tăng lãi suất tiền gửi, trong đó tăng mạnh nhất là cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Eximbank tuyên bố: "Điều này tạo thế cạnh tranh huy động vốn cho ngân hàng trong việc mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Eximbank tin tưởng rằng đợt tăng lãi suất lần này sẽ thu hút mạnh các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tham gia giao dịch tại ngân hàng".
Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi giảm lãi suất cũng trùng hợp với việc Ngân hàng Nhà nước vừa tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi. "Hiểu một cách thông thường thì đây là chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm làm giảm nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại và kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng. Chính sách này sẽ gây áp lực buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất đầu vào (huy động) và tăng lãi suất đầu ra (cho vay)" - đại diện một ngân hàng cho biết.
(Theo Tuổi Trẻ)