Theo các email và tài liệu nội bộ của Google mà Guardian có được, mức lương của nhân viên thời vụ và nhân viên chính thức có khoảng cách rõ rệt. Sự việc được một nhóm chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên thời vụ Google phát hiện vào tháng 12 năm ngoái.
Theo Guardian, các giám đốc điều hành của Google đã biết về vụ việc ít nhất từ tháng 5/2019. Số lao động thời vụ bị trả lương thấp so với công sức bỏ ra khi làm khối lượng công việc bằng nhân viên chính thức lên tới hàng ngàn người ở khoảng 30 quốc gia, từ châu Âu sang châu Á. Nhưng thay vì điều chỉnh lại mức lương cho nhân viên thời vụ, Google đã kéo dài hơn hai năm với lý do lo ngại việc đột ngột tăng mức lương cho nhóm này sẽ khiến báo chí chú ý và các vấn đề pháp lý khác.
"Mặc dù mức lương cơ bản của nhóm nhân viên thời vụ không tăng trong một số năm, nhưng tỷ lệ trả lương thực tế cho nhân viên thời vụ đã tăng lên nhiều lần trong thời kỳ đó", Spyro Karetsos, đại diện Google, cho biết. "Hầu hết các nhân viên thời vụ được trả lương cao hơn đáng kể".
Google thừa nhận đã không xử lý vụ việc một cách kịp thời và cam kết giải quyết mọi chênh lệch về lương mà nhóm nhân viên thời vụ đã chịu thiệt thòi.
Hồi tháng 6, một khiếu nại được gửi lên Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), cáo buộc Google có thể nợ hơn 100 triệu USD tiền lương sau 9 năm không tuân thủ luật trả lương. Mặc dù luật lao động quốc tế không thuộc thẩm quyền của SEC, đơn kiện cáo buộc Google không tiết lộ các khoản nợ phải trả, mà họ ước tính có thể lên tới 100 triệu USD, tạo thành sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính hàng quý của công ty này, vi phạm luật chứng khoán Hoa Kỳ.
Hơn 30 quốc gia, bao gồm Anh và các quốc gia thành viên EU, Ấn Độ, Đài Loan, đã ban hành luật "trả lương ngang giá" hoặc "đối xử bình đẳng" giữa nhân viên thời vụ và nhân viên chính thức. Ở các quốc gia có luật "trả lương ngang giá", Google thường thực hiện tránh rắc rối pháp lý bằng việc trả thưởng cho nhân viên thời vụ. Tỉ lệ này là 15% mức lương được nhận, là mức thưởng thấp nhất của nhân viên chính thức. Với những nước không yêu cầu trả lương ngang nhau, Google thường phớt lờ luôn số tiền thưởng cho nhân viên thời vụ.
Các bộ phận phụ thuộc nhiều nhất vào lao động thời vụ bao gồm tuyển dụng, tiếp thị và Waymo, công ty con về xe tự hành của Google. Trên toàn cầu, Google chi khoảng 800 triệu USD mỗi năm để trả lương cho nhân viên thời vụ.
Sử dụng lao động tạm rất thời phổ biến trong ngành công nghệ, nhưng việc Google dựa vào "lực lượng lao động bóng tối" đông hơn nhân sự chính thức từ lâu đã thu hút sự chỉ trích từ chính nhân viên của công ty, cũng như các chính trị gia và liên đoàn lao động. Mức lương chênh lệch giữa hai nhóm nhân viên thời vụ và chính thức cũng khiến tập đoàn công nghệ Mỹ bị lên án.
Sơn Nam (Theo Guardian)