Mới đây, hình ảnh đoạn cầu thang chợ Đà Lạt "khoác áo mới" gây chú ý trên các diễn đàn du lịch trong nước. Hai bên lan can cầu trang trí những chậu cây, hoa xanh. Trong đó, đoạn gần phía chợ Đà Lạt, nơi nhiều du khách check in và gọi là "góc Hong Kong bên hông Đà Lạt", kèm khung sắt cách lan can khoảng 30 cm. Du khách không thể đứng sát thành lan can như trước kia nữa. Nhiều người cho rằng thanh sắt trông thô, làm mất mỹ quan, khiến giới trẻ khó chụp ảnh "phong cách Hong Kong". Ngược lại, không ít ý kiến nói việc này sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Những chậu cây, bồn hoa này phần lớn là hoa ngũ sắc và cây tùng cảnh, vốn là công trình hành lang hoa và cây xanh được chợ Đà Lạt đăng ký với thành phố, thực hiện nhân chào mừng "Kỷ niệm Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển". Công trình hoàn thành hôm 13/4.
Cây cầu cách mặt đất khoảng 15 m, nối từ chợ Đà Lạt ra khu Hòa Bình. Lối tắt này khá tiện khi người dân muốn đi chợ lầu (tầng 3 chợ Đà Lạt). Tuy nhiên, sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội, mỗi ngày hàng trăm người đến chụp ảnh, giẫm đạp lên đường ống dẫn nước và đường điện dưới lan can cầu. Hành động đó có thể gây hư hỏng, mất an toàn. Vì thế, những chậu cây, ống nước không chỉ tạo không gian xanh mà còn giúp bảo quản hệ thống ống nước, dây điện của chợ.
Tuyết Nhi (TP HCM) cho biết cảm thấy nuối tiếc trước hình ảnh mới của phần lan can này vì vẫn chưa có dịp "chụp ảnh Hong Kong" ở đây. Một số người để lại bình luận "góc Hong Kong đã không còn Hong Kong" ngay dưới các bức ảnh.
Vinh Trần (Đà Nẵng) từng ghé nơi này hồi tháng 11 năm ngoái, theo các giới thiệu trên mạng. Anh phải đi hai lần vì lần đầu quá đông. "Từng tốp người đứng chờ chụp ảnh tại khúc cầu ngắn vì chỉ chỗ đó mới nhìn được khu chợ phía dưới", anh kể. Do đó, hôm sau anh quay lại vào sáng sớm, vắng du khách thì không phải chờ. "Về việc lắp thêm khung sắt, tôi nghĩ sẽ có nhiều bạn trẻ không thích nhưng với một cây cầu đã cũ, bảo vệ nó là điều cần thiết", anh Vinh nói.
Tọa độ chính xác của cây cầu là gần ngã ba khu Hòa Bình, đoạn giao với đường Phan Bội Châu. Vị trí cầu hơi khuất. Du khách bước xuống vài bậc thang mới thấy. Nó là cổng phụ bên hông chợ, lối dẫn từ khu A chợ Đà Lạt tới chợ đồ cũ hay còn gọi là chợ đồ si, đồ xôn - nơi chuyên bán các mặt hàng cũ, second-hand có tiếng ở thành phố sương mù. Từ trên cầu, du khách nhìn xuống đoạn đường dẫn đến khu chợ mới Đà Lạt với dãy lều bạt của hàng quán hai bên, các tòa nhà cũ kỹ khiến nhiều người liên tưởng đến những con phố nhuốm màu cổ điển ở Hong Kong - xuất xứ của tên gọi "góc Hong Kong" của cây cầu.
Diệp Tử