Tina Trần
Mấy chị em tôi có thói quen đọc sách ngay từ khi còn bé xíu, có lẽ do ảnh hưởng môi trường từ ba. Ba tôi là người ham đọc sách. Ông đọc rất nhiều và đa chủng loại, từ Phật giáo, thiền, luật, cho tới các sách chuyên đề về thuế má, công văn, nghị định... những gì liên quan tới công việc và ba cũng thích đọc tiểu thuyết. Ba kể hồi nhỏ, ba rất ham đọc truyện nhưng cô ba (chị của ba) lúc đó mới sinh em bé, rất khó tính, đọc sách cũng không cho đọc. Ba chui vào chăn, mang theo cây đèn pin bật lên đọc truyện nhưng đến đoạn hay quá quên mất là đang đọc lén, vậy là cười rúc rích, bị cô lôi ra, mắng cho một trận.
Ba nói: "Hồi đó không nhiều sách như bây giờ và cũng không đa dạng, chủ yếu là truyện kiếm hiệp Kim Dung, mỗi lần đọc có khi phải tranh thủ thời gian mang vào nhà vệ sinh ngồi. Bây giờ điều kiện đầy đủ hơn, kiến thức ngày càng nhiều nên hàng ngày phải trau dồi kiến thức bằng sách, mỗi tối phải ráng đọc vài chương trước khi đi ngủ".
Thói quen đọc sách của ba vẫn tồn tại mãi cho tới bây giờ. Mỗi lần đi công tác, ba lại mua mấy quyển sách để ngồi đọc trong lúc chờ đợi thủ tục bay. Và chị em tôi, mặc dù đã lớn nhưng mỗi khi ba về, vẫn thích mở vali của ba để xem ba có mua quyển sách nào hay hay không? Tôi - thế hệ 8x đời đầu, lúc nhỏ, để bỏ tiền ra mua cho con một quyển sách là điều xa xỉ nên tôi khá tự hào vì từ nhỏ, tôi đã có những quyển sách có hình rất đẹp như: Chuyến phiêu lưu của thuyền trưởng Cook, Truyện cổ Anderxen, Truyện cổ Grim hay Tâm hồn cao thượng…
Lớn lên một chút, hai chị em tôi không thiếu quyển truyện nào nổi tiếng thời bấy giờ, từ truyện Nguyễn Nhật Ánh, Đôrêmon, Tứ quái, Tiểu thư nhu đạo, Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Nữ hoàng Ai Cập... Tất cả đều là tiền hai chị em dành dụm đến ngày truyện "ra lò" là đi mua. Thích sách nên chị em tôi không thích mượn đọc mà phải mua để giữ gìn trọn bộ.
Tủ sách của ba nhiều sách hay như: Cuốn theo chiều gió, Trà hoa nữ, Tiếng chim hót trong bụi mận gai… Nhiều sách "best seller" hay có cả những quyển tiểu thuyết nước ngoài có tình tiết sâu sắc như: Tình viễn sứ nên ba không cho đọc hoặc mấy chương đó, mẹ sẽ cắt đi, sợ chị em tôi lén đọc nên chị em tôi thường đợi mau mau lớn để được đọc hết tủ sách của ba.
Khi lớn lên, có những thói quen sẽ thay đổi nhưng cũng có thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, đó là thói quen đọc sách. Hai chị em tôi hàng tháng vẫn để dành một số tiền mua sách online. Và tự hào một năm hai chị em có thêm trên 50 quyển sách và tiểu thuyết vẫn chiếm số đông. Em gái đọc nhanh hơn chị nên ưu tiên đọc trước. Có những quyển sách hay, đọc xong đưa ba đọc như Ông trùm, Bố già, Ô sin nhà bộ trưởng… nhưng có những chuyện tình yêu thì chỉ để dành hai chị em đọc thôi.
Mê sách nên chúng tôi cũng có có những thói quen khá xấu! Đó là một khi có quyển sách mới, tối đó chỉ muốn đọc ngay lập tức, có khi tới hai ba giờ sáng vẫn chưa muốn dừng. Phải tự nhủ mai còn đi làm mới gấp quyển sách lại được. Thói xấu nữa là tôi không muốn người khác mượn sách của mình, vì sau nhiều lần cho mượn, sách một đi không trở lại hoặc trở lại nhưng không còn như "hình hài" ban đầu. Mê sách nên tôi thích tối tối trước khi đi ngủ, nằm ôm quyển sách hơn đọc trên mạng.
Tôi đọc trên mạng thấy: "Hiện nay trung bình một người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm - trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/một người/một năm" nên mới thấy sự thiệt thòi của một nền dân trí thấp. Nếu như nền dân trí đủ lớn, 10.000 người mua sách thay vì 1.000 người như hiện nay, giá sách sẽ rẻ hơn rất nhiều lần.
Tại sao người Việt ít đọc sách? Tôi nghĩ đó là do thói quen không được hình thành từ nhỏ. Trẻ con bây giờ chỉ đọc truyện tranh, ít đọc truyện chữ. Người lớn cũng không thích đọc truyện nhiều chữ, có nhiều người nói: "Cầm quyển sách nào có nhiều chữ lên đã thấy buồn ngủ. Đọc xong một quyển có khi mất cả tháng! Mất cả hứng đọc".
Thói quen đọc sách không phải tự nhiên có được, mà nó phải có từ nền tảng gia đình, được rèn luyện đọc từ nhỏ. Không hẳn con nhà nề nếp là đã thích đọc sách, tôi không nghĩ vậy, mà đọc sách đã ăn sâu vào trong tiềm thức trẻ thơ cho tới lớn lên. Do đó, môi trường sống rất quan trọng, nó ảnh hưởng để hình thành thói quen một con người.
Ngay từ bé, chị em tôi đã có thói quen đọc sách và điều đó được duy trì cho tới bây giờ. Và con tôi sau này chắc chắn cũng sẽ thích đọc sách vì tủ sách của mẹ sẽ gợi cho nó tò mò, phải lớn nhanh lên để đọc cho hết tủ sách của mẹ.