Vũ Nguyễn Hà Anh
Có lẽ khi công việc bận rộn mình đã không cho phép bản thân ốm, để rồi hơi thư thả một chút là bị "quật ngã" ngay! Đêm hôm kia nằm một mình ở khách sạn Inter Continental, khung cảnh quanh hồ lãng mạn mà mình lại thấy tủi thân. Làm việc vất vả, sức khỏe giảm sút, mình đang phấn đấu vì cái gì đây?
Mình gọi mẹ, mẹ mang thuốc và cháo đến cho mình. Hai mẹ con vui vẻ "buôn chuyện". Sau khi cho mình uống vài loại thuốc lớn nhỏ mẹ kiên quyết ra về mặc mình kèo nèo mẹ ở lại cho vui! Đúng là gia đình đã coi mình là người lớn và độc lập thật rồi!
Hôm qua khi phỏng vấn truyền hình - "tự sự của nhân vật nổi tiếng", thực ra lúc make-up xong để quay mình mệt lắm, nên khi trò chuyện tinh thần và sức khỏe trầm xuống hẳn. Khác hẳn với một Hà Anh hăng say và nhiệt huyết mọi ngày! Mình ngày hôm qua trầm ngâm dù vẫn một niềm đam mê tha thiết với nghề. Mình tâm sự đến công việc, có những lúc suýt nữa thì ứa nước mắt, lúc mình nói: "Tôi là một cô gái trẻ như bao các cô gái trẻ khác, tôi làm việc nỗ lực và cần cù đúng với thành quả lao động của mình. Tôi cũng muốn đôi khi được yếu đuối và đôi khi được mắc sai lầm. Vì đó là trải nghiệm không thể thiếu để con người hoàn thiện hơn.
Hà Anh và bố, họa sĩ Vũ Huy. |
Nghề cho tôi rất nhiều thứ, kinh nghiệm, trải nghiệm, học hỏi, đi đến nhiều thành phố trên thế giới... Nghề lấy đi của tôi gì ư? Đó là sự cô đơn khi bước đi độc lập trên mọi nẻo đường... nhớ bạn bè, nhớ người yêu, nhớ gia đình. Và tôi ngồi ngay đây, nhỏ bé và bình thường dù các bạn có thể coi tôi là một người nổi tiếng. Tôi không ngừng làm việc và cống hiến. Chỉ có vậy thôi!" - nhưng cũng may cứ lúc sắp sửa chực trào nước mắt mình lại cố nhìn đi chỗ khác. Đúng là suýt... thì sẽ lại gây scandal: "Hà Anh bật khóc trên truyền hình!" hì hì.
Sau phỏng vấn, mình đi làm việc, sau đó gặp đại diện của UNICEF, United Nation và World Bank, đi nghe nhạc ở Nhà hát lớn! Hồi còn bé xíu, đứng trên sân khấu Nhà hát lớn sao cảm thấy rộng lớn thế, bây giờ quay lại thấy nhỏ bé mà thân thương.
Buổi sáng nay, mình vào mạng cập nhật thông tin trước khi lên nhà ông bà nội ăn trưa. Mình đọc được một bài báo về mình, thấy hơi buồn cười nên lôi ra "luận thảo" chút cho có không khí!
Bài báo này, phóng viên không chỉ viết về riêng mình, nó có tên: Ồn ào như "sao" Việt. Dĩ nhiên, khi đề cập "nhạy cảm" tới nhân vật thì người viết ấy (mình sẽ gọi là người viết ấy) không nói rõ tên, họ viết là H.A. Trong phần về mình, họ giật tít: "Chỉ có tôi là đẳng cấp!" - ôi ôi, người viết thật là hồ đồ! Mình chẳng biết người này viết về ai chứ với cá nhân mình, chưa bao giờ có một phát ngôn nào là "Chỉ có tôi là đẳng cấp!".
Thứ nhất, mình biết chỗ đứng của mình ở đâu, mình có gì, và thứ hai không bao giờ phân biệt cấp độ trong nghề nghiệp! "Đẳng cấp" là một từ quá xa xỉ, nói đúng hơn nó đi ngược lại với tư duy của Hà Anh. Mình phản đối từ này mới phải. Mình là người nhiều lần có ý kiến rằng, không nên có sự phân biệt giữa người mẫu mới vào nghề và vedette, nếu đã diễn một show thì ai cũng phải đến tập như ai, cũng phải thử quần áo, chứ không phải người mới thì đến tập, người cũ thì phút chót mới tới rồi yêu cầu vị trí để đảo lộn hết thứ tự tập luyện của tuyến đi mà tất cả các người mẫu đã bỏ công và thời gian ra tập.
Hà Anh và các học sinh nhí của trường Hà Nội - Amsterdam chụp ảnh kỷ niệm trên phố. |
Người ta trích lời mình rằng "H.A, cô người mẫu thường xuyên có những phát ngôn mạnh mẽ về nghề của mình như một người có kinh nghiệm lâu năm, giảng giải cho người khác. Cô luôn mở đầu rằng, ở Việt Nam mình lạ lắm, ở nước ngoài khác cơ. Và cô nói, không đâu như ở Việt Nam".
Thứ nhất, mình không hiểu người viết định nghĩa thế nào là "phát ngôn mạnh mẽ", thế nào là "kinh nghiệm lâu năm". Kinh nghiệm lâu năm là tốt hay kinh nghiệm đúng đắn là tốt? Và thứ hai, ở đâu mình đã nói rằng "ở Việt Nam mình lạ lắm, ở nước ngoài khác cơ?" Và thế nào là "luôn".
Các nhà báo hay hỏi mình những câu liên quan tới sự khác nhau về nghề ở Việt Nam cũng như nước ngoài, bởi lẽ mình may mắn được trải nghiệm cả hai. Tất nhiên khi trả lời mình sẽ phải trả lời đủ cả hai vế và có những phân tích riêng. Nhưng đó luôn là nhận định được đặt trên nền tảng tổng quan Việt Nam là đất nước đang phát triển về mọi mặt, khi mọi người mong muốn học hỏi, bắt kịp với thế giới. Việt Nam mang nền văn hóa khác, sự phát triển khác. Rõ ràng mọi so sánh sẽ mang nhiều tính chất khác nhau và thú vị.
Mình muốn biết ở bài báo nào mình đã nói: Ở Việt Nam "lạ lắm", ở "nước ngoài "khác" cơ. Mình nghĩ đã là nhà báo khi viết phải có nghiên cứu, có dẫn chứng! Nếu người viết dẫn được y nguyên phát ngôn kỳ cục này, mà họ cho là của mình thì mình xin... đi đầu xuống đất!
Còn đối với câu mình từng viết, cũng là một bài viết tếu táo về nghề trên trang cá nhân: "Không đâu như ở Việt Nam mình, siêu mẫu nhiều hơn cả người mẫu!" thì đó là cách viết hóm hỉnh, tự truyện, mang tính hơi phê phán hài hước với chủ ý nhắc nhở rằng, nhiều khi các phương tiện truyền thông ưu ái và sử dụng những mỹ từ cho chúng tôi hơi nhiều! Nhưng mình nghĩ, người viết cũng chẳng đọc kỹ, chẳng hiểu ý mình. Và do đã muốn viết thật "ác" nên cứ vơ vào luôn nghe cho nó giật gân!
Những nhân tố hợp lý thì rõ là sẽ không được nêu rồi, đang viết "ác" cơ mà. Và các thành quả mình đạt được cứ dẹp đó, để "nhận xét một cách nghiêm túc" cái đã. Đọc thế này, như thể người viết đang "hóm" đấy, chọc vui vui tí xong lại đằng hắng giọng như ông già bà cả để phán một cái nghiêm túc! Người viết bảo mình chưa đủ bề dày (bề dày ở đây không biết họ định nghĩa thế nào) hay thành tích (thành tích gì, danh hiệu hoa hậu à? Hay bề dày về kinh nghiệm trong thời trang - mà thực sự mình không chắc người viết có hiểu về thời trang không nữa).
Người viết cho rằng mình quá non nớt (ôi thật khổ thân mình) - nếu vì cái tội trẻ tuổi mà mình không được nói ra suy nghĩ của mình thì không lẽ hàng triệu người Việt Nam với dân số trẻ - không được quyền suy nghĩ, nói ra nhận định riêng? Tôi cứ trẻ thì tôi dại à? Tôi thiếu "bề dày" thì tôi "mỏng" à? Thiếu thành tích thì tôi không được nói ư?
Xong họ kết: Lúc nào cũng mở miệng ra là nói mình làm việc ở nước ngoài! Làm việc ở nước ngoài là xấu ư? Chúng tôi có cơ hội đi đây đó để mở mang tầm mắt! Chẳng lẽ người viết quên rằng chủ tịch vĩ đại của chúng ta cũng từng bôn ba bốn bể năm bề để trải nghiệm, học hỏi và tìm đường cứu nước. Bác nói được biết bao thứ tiếng. Chẳng phải các cụ nói: "đi một ngày đàng học một sàng khôn sao?" - Hóa ra, từng làm việc ở nước ngoài, đối với tôi lại là một cái "tội"!
Chưa hết, người viết tung thêm một "chưởng". Một người như cô thì nếu có những thành tích ở nước ngoài thì phải khoe khoang đến... "váng đầu" trên báo chí trong nước, chứ sức mấy mà lại khiêm tốn vài tấm hình loe hoe trên tạp chí như vậy! Và nếu như có cơ hội làm người mẫu ở nước ngoài, thì có lẽ cô cũng không cần phải về Việt Nam, ganh đua với những người mà cô hằng ngày chê bai họ.
Tức là ý người này chê trách tôi đã ở nước ngoài mà không khoe khoang "váng đầu". Hay nếu không khoe khoang váng đầu thì chứng tỏ tôi chưa từng có "thành tích" ở nước ngoài? Tôi thực sự không hiểu vì đoạn này viết quá tối nghĩa! Tóm lại, tôi là người làm việc chân chất, tôi cũng chẳng thích khoe khoang. Việc gì tôi phải kể lể thành tích?
Xong, để tỏ vẻ am hiểu thời trang, người viết nói tôi khiêm tốn với vài tấm hình loe hoe trên tạp chí. Thực sự nếu trong ngữ cảnh khác thì khá là hài hước! Loe hoe cơ mà, là một từ tôi rất thích! Nghe nó đầy hình tượng, lơ thơ, ngoi ngóp, quạnh hiu, đến là tội! Nhưng căn bản, tội của người viết là không hiểu lắm về công việc của tôi cũng như nghề người mẫu. Mẹ tôi có ba chồng tạp chí cao ngất chứa nhiều hình ảnh và bài báo về tôi mà bà đã dày công thu thập được trong suốt 1 năm rưỡi qua từ khi tôi làm việc ở nước nhà! Tôi chẳng khoe khoang gì, chỉ nhận thấy cái từ "loe hoe" này nó được dùng chưa đúng ngữ cảnh cho lắm.
Rồi, (vẫn còn tiếp) người viết nói, lẽ ra tôi làm việc ở nước ngoài rồi thì chẳng cần làm việc ở Việt Nam làm gì.... Hóa ra Việt Nam mình kém cỏi trong tâm thế người viết thế ư? Hóa ra lời động viên của chính phủ rằng thế hệ trẻ chúng tôi - những người đã được học tập ở nước ngoài hãy về nhà để cống hiến và làm giàu cho đất nước là sai? Hay nếu chúng tôi về quê hương làm việc là thua thiệt ư?
Người viết bảo tôi "phải làm việc với những đồng nghiệp mà tôi hằng chê bai". À điểm này phải làm rõ, tôi chưa bao giờ chê bai đồng nghiệp nào cũng chẳng bao giờ "hằng ngày chê bai" (cách nói này có vẻ chụp mũ không giống cách làm việc bài bản của báo chí). Tôi rất trân trọng những đồng nghiệp của mình và chẳng bao giờ hiềm khích với ai. Tôi đến làm việc, nghiêm túc và không ồn ào, điều này ai trong nghề cũng biết.
Xong, khổ thân tôi, người viết tiếp: Cô luôn khẳng định mình là người có đẳng cấp và không hề biết những người từng đứng chung sàn diễn với mình. Sự ngạo mạn đó có vẻ như là một cách đứng trên vai người khác. Ít ai biết, cô rất hiếm khi có show diễn. Lịch chụp hình cũng không nhiều. Và nếu như các vedette đi dự party có tiền cát-xê thì cô thường xuyên xuất hiện miễn phí. Một người mẫu mà sự xuất hiện nghèo nàn như vậy, thì đẳng cấp của cô ta ở đâu?"
Hỡi ôi, ở đâu, lúc nào, tình cảnh nào tôi "luôn khẳng định" mình là người có "đẳng cấp"? Cái "không biết người đứng chung sàn diễn" chắc ám chỉ câu trả lời "Trang Nhung là ai?" của tôi mà người viết không hiểu rằng đó là phản ứng tự nhiên khi phóng viên dùng những từ ngữ là "siêu mẫu" và "siêu mẫu quốc tế" - trong khi tôi nhìn nhận Trang Nhung là một Á hậu, một diễn viên điện ảnh triển vọng chứ không đơn thuần là người mẫu!
Vì thế với những từ "siêu mẫu" và "siêu mẫu quốc tế" rất xa lạ mà chính Trang Nhung cũng nói mình không bao giờ tự nhận như vậy - thì tôi băn khoăn với bản thân mình, siêu mẫu quốc tế này là ai? Chứ đâu phải tôi coi thường đồng nghiệp hay chỉ trích gì cô ấy! Mà tóm lại những "vạ lây" này khó tránh khỏi nếu người đọc đã thiếu thiện chí với mình! Nên thôi tôi bỏ qua chuyện này! Vậy mà câu chuyện vẫn chưa dừng ở đây. Người viết nói: Sự ngạo mạn đó có vẻ như là một cách đứng trên vai người khác. Một cách ví von thiên lệch và ngây ngô đến... ngộ nghĩnh.
Cái kết luận: Cô này rất hiếm show diễn, lịch chụp hình cũng không nhiều! - điều này động đến chuyên môn của tôi cho nên tôi "nhảy" lên cũng không quá đáng đâu nhé! Nhưng để tôi nói tiếp vế sau rồi kết luận luôn thể. Và nếu như các vedette đi dự party có tiền cát-xê thì cô thường xuyên xuất hiện miễn phí.
Thứ nhất, người viết là ai, hiểu biết gì về nghề người mẫu cũng như show biz? Họ có biết có bao nhiêu loại show diễn? (sơ sơ như show diễn hội nghị khách hàng, show diễn khai trương tại các tiệm thời trang, show diễn tại các quán bar để giải trí, show diễn thời trang lớn như Đẹp Fashion show, Fashion week, Phong cách show, show diễn nước ngoài giao lưu văn hóa). Lựa chọn của tôi là diễn trên các sân khấu lớn bởi tôi thích không khí nghệ thuật, âm nhạc, không gian, kịch bản, ý tưởng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Có sân khấu lớn nào thiếu vắng tên tôi, tôi suy ngẫm! Không lẽ tôi không diễn ở bar, hay khai trương gian hàng, một đêm tôi không "chạy 3, 4 show là tôi không có "đẳng cấp" ư"? Tôi lựa chọn hình ảnh cho mình không xuất hiện ồ ạt và đại trà trên tất cả các báo mà ở những tạp chí chuyên về thời trang là sự lựa chọn về chiến lược nghề nghiệp "thảm hại" đến thế sao?
Chúng ta quay lại câu chuyện về ba chồng tạp chí ngất ngưởng và lịch làm việc của tôi (mà tôi nghĩ với một người biết tuốt như người viết phải rành lắm) thì hoặc là người này hồ đồ, hoặc là giận tôi quá! Vì lập tức anh ta/cô ta khẳng định với sự thương cảm lẫn tiếc nuối cho tôi "thường xuyên xuất hiện miễn phí, nghèo nàn!" - tôi hơi giật mình. Sự hồ đồ này làm tôi choáng váng! Tôi xin hỏi một câu rất đơn giản. Hoặc là người viết cao siêu tới mức phá được tính bảo mật ngân hàng tôi sử dụng, biết rõ thu nhập của tôi, hoặc người này đã làm cuộc điều tra hoành tráng tất các đơn vị tổ chức event và khách hàng ở Việt Nam về cát-xê của tôi!
Tôi mạo muội xin có các bằng chứng cho nhận định này cùng thống kê số lần tôi đi dự miễn phí trong tổng số sự kiện hàng năm. Những sự kiện này được phân loại thế nào - văn hóa - từ thiện - thương mại? Chưa kể, tôi cứ phải hét cát-xê cao, phải trông chờ sự nghiệp của mình trong việc dự tiệc lấy tiền thì tôi mới đẳng cấp sao?
Có nhiều bạn bè, nhà thiết kế trẻ, thương hiệu trẻ Việt Nam tôi sẵn sàng đến chia vui mà chẳng cần tiền bạc nề hà! Thế là xấu ư? Họ trẻ cơ mà, tiền tôi có thể kiếm từ những thương hiệu lớn, từ những công việc lớn, sao tôi lúc nào cũng phải mở mồm là sặc mùi tiền?
Nói chung kết luận của tôi là gì ư? Đúng là nếu đẳng cấp được tính bằng "bề dày", "thành tích" hay "tiền bạc" theo suy luận trời ơi đất hỡi của người viết bài này, thì tốt nhất tôi nên xấu hổ mà giải nghệ!
Hì hì đợi đấy nhé! Cứ ngồi đấy mà chụp lên đầu tôi những cái mũ ảo! Trời Hà Nội đang lạnh lắm, tôi có mũ len rồi!
Vài nét về blogger:
Vũ Nguyễn Hà Anh sinh năm 1982, cựu học sinh trường Amsterdam, Hà Nội. Cô từng đoạt giải nhì trong đêm chung kết Hoa hậu Tài năng của cuộc thi Hoa hậu Trái Đất năm 2006 với ca khúc Color of Wind (Vanessa Williams). Cô từng làm việc ở Anh với tư cách người mẫu của công ty người mẫu danh tiếng MOT Model, điểm hội tụ hàng đầu của các chân dài xứ sương mù. Cô hiện sống và làm việc tại Việt Nam. Hà Anh đang là người dẫn của show truyền hình Vietnam's Next Top Model.
Bài đã đăng: Hà Anh và Vietnam's Next Top Model, Hà Anh với nỗi niềm nghề mẫu, Yêu vì những điều giản đơn, Vẻ đẹp đời thường của Hà Anh, Nhật ký Hoa hậu Trái đất (2), Nhật ký Hoa hậu Trái Đất (p1).