Người bị xâm hại họ Thái (38 tuổi), đã có 16 năm làm cảnh sát, vài năm nay bị trúng gió và nằm liệt giường. Bị hại không có ý thức và không thể tự cử động. Người giúp việc được thuê chăm sóc người bệnh, nhân lúc bà chủ đi vắng, đã có nhiều hành vi xâm hại tình dục ông chủ.
Lao động nữ giúp việc này đã có gia đình, sang Đài Loan làm việc nhiều năm, và tới nhà họ Thái từ năm 2003. Gần đây, chủ nhà nhận thấy trên người chồng mình có một vài vết bầm tím. Nghi ông chủ bị người giúp việc đánh, người chủ đã lắp camera theo dõi trong nhà và kết quả, phát hiện hành vi cưỡng ép tình dục đã diễn ra liên tục và nhiều lần.
Qua bằng chứng là nội dung camera nội bộ gắn ở một góc khuất trong nhà, bà chủ nhà đã tố cáo sự việc. Cảnh sát cũng đã mời các bác sĩ địa phương đến xem xét trường hợp này, kết luận tuy người bị hại nằm liệt, mất cảm giác, song hệ thống thần kinh và các phản xạ cơ bản vẫn được thực hiện tốt.
Tuy vậy, việc lao động cưỡng bức tình dục ông chủ như trên là vụ án lần đầu tiên bị phát hiện, gây chấn động và hiện đang gây ra các làn sóng tranh cãi sâu sắc trong các tầng lớp người dân ở Đài Loan. Đây là lần đầu tiên, Đài Loan khởi tố vụ án người giúp việc xâm hại tình dục chủ nhà.
Theo thống kê đưa ra tháng 12/2005 của thời báo Hoàn Cầu, các công việc người lao động nước ngoài đảm nhận đều thuộc 3D: Nguy hiểm (Dangarous), Bẩn thỉu (Dirty) và Nặng nhọc (Difficult). Người lao động lại sống trong một môi trường cô lập, bị quản lý hà khắc.
Vụ án trên tuy là một vụ án hy hữu nhưng nó cũng phản ánh hoàn cảnh của hàng vạn lao động đang gặp phải: Người giúp việc nhà nước ngoài tại các gia đình Đài Loan đã bị hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi giải trí, không có không gian tự do cũng như thời gian nghỉ ngơi tối thiểu.
Hiện, tình cảnh người lao động giúp việc nhà ở Đài Loan rất khó khăn. Địa điểm làm việc cũng chính là nơi ở của người lao động, nên họ không hề có không gian riêng tư.
Suốt ngày phục vụ chủ nhà, người lao động Việt Nam 24/24 giờ đều sống trong không gian làm việc, tại địa điểm làm việc. Vì vậy, giúp việc nhà không hề có khái niệm được nghỉ ngơi thực sự.
Người lao động thường bị chủ cắt đứt mọi liên hệ với bên ngoài vì sợ lao động bỏ trốn. Đặc biệt, có trường hợp lao động nữ Việt Nam tên Nhung ở Đài Trung, đã sang Đài Loan làm hai lần, ở đây đến năm thứ tư nhưng chỉ được bước ra đường khi cô... lên máy bay về nước.
Việc quản lý quá nghiêm khắc của chủ thuê và môi giới đã góp phần biến người lao động thành tù nhân trong nhà chủ, bị bóc lột tất cả những quyền lợi về vui chơi, giải trí, góc riêng tư, nghỉ ngơi, xin nghỉ phép... mà bất kỳ người nào trên đời này đều có quyền hưởng.
Đài Loan hiện chỉ có Luật Lao động cơ bản áp dụng với lao động bản địa. Một “Luật Phục vụ công việc gia đình” để đảm bảo quyền lợi tối thiểu cho lao động nữ qua bao năm được các tổ chức xã hội Đài Loan thúc đẩy, nhưng nay vẫn chưa hề có.
Hiện tại, lao động giúp việc nhà, trong đó có hơn bảy vạn rưỡi người Việt, chỉ chịu các quy định quản lý, được hưởng tiền lương tối thiểu, được trả thêm bồi dưỡng nếu làm việc vào chủ nhật. Ngoài ra, không hề có bất kỳ quy định nào bảo vệ quyền lợi vui chơi, văn hoá tinh thần, đời sống cá nhân của lao động.
Không có hoạt động giải trí, gặp gỡ tâm sự, suốt năm suốt tháng chịu áp lực của công việc, nữ giúp việc nhà trong vụ án trên là một ví dụ đau đớn và tiêu biểu cho những bi kịch của người lao động nước ngoài tại Đài Loan.
Các tổ chức nhân đạo, các văn phòng hoạt động phi chính phủ tại Đài Loan đều quan tâm đến vụ án này. Song chưa ai lên tiếng về việc chăm lo đời sống tinh thần, các nhu cầu tối thiểu của bản thân người lao động nước ngoài ở Đài Loan dường như đã bị “quên” suốt nhiều năm qua.
Đài Loan hiện đang có 36 vạn lao động hợp pháp người nước ngoài làm việc trong lãnh thổ, trong đó, lao động Việt Nam chiếm gần mười vạn người.
(Theo Tiền Phong)