![]() |
Phạm Anh Vũ và Nguyễn Gia Thiều. |
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 1999, Nguyễn Gia Thiều đã bàn bạc với Phạm Anh Vũ (giám đốc Công ty TNHH Thiên Anh) nhập lậu điện thoại di động từ Công ty Đông Nam Hong Kong về Việt Nam bằng cách gửi theo đường phi mậu dịch dưới dạng quà biếu. Mỗi chiếc được Thiều trả phí vận chuyển từ 22 USD đến 35 USD.
Để thực hiện thỏa thuận trên, Vũ trao đổi với Nguyễn Quang Hoan (nhân viên Công ty TDC Hà Nội) và Đào Lê Anh (nguyên nhân viên Trung tâm kiểm soát và khai thác sân bay Nội Bài). Hoan và Anh đã móc nối với một số nhân viên Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Nội là Lê Văn Nhân, Nguyễn Đăng Chiểu, Nguyễn Đình Hiếu, Vũ Hữu Thiều, Đặng Mạnh Quyền… để "làm ăn". Theo đó, Vũ sẽ trả cho Hoan 12 USD/chiếc điện thoại, Lê Anh 17-18 USD/chiếc gọi là chi phí vận chuyển.
Ngay sau đó, Hoan đã hợp tác với Lê Văn Nhân (nhân viên Chi cục hải quan Nội Bài) để Nhân móc nối với hải quan kiểm hóa không kiểm các lô hàng có điện thoại nhập lậu. Nhân đồng ý với phí là 10 USD/chiếc, 2 USD còn lại Hoan hưởng. Và Nhân lại tiếp tục liên hệ với Nguyễn Đăng Chiểu (nhân viên hải quan ga đường sắt quốc tế Yên Viên, Hà Nội) và Nguyễn Đình Hiếu (nhân viên chi cục hải quan bưu điện Hà Nội), chi phí Nhân trả là 8 USD/chiếc, 2 USD còn lại Nhân chiếm giữ và dùng vào chi phí vận chuyển giao hàng cho Vũ.
Trong khi Hoan nhanh chóng khai nhận hành vi thì Lê Văn Nhân một mực phủ nhận. Nhân khai "vì quen biết Hoan nên nhận hàng giúp, không lấy công, không thu lợi bất chính 21 triệu" và "khoản tiền 10 USD/chiếc đều giao cả cho Chiểu và Hiếu". Bên cạnh đó, Nhân cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng Nhân giúp sức cho Hoan nhập lậu 2.800 chiếc điện thoại. Theo Nhân thì "lúc làm việc tại cơ quan điều tra, các cán bộ nói khai con số trên, hợp tác tốt thì sớm được về nên bị cáo khai đại".
Nguyễn Đình Hiếu cũng một mực phủ nhận những quy kết của VKS và khẳng định "không làm gì hết". Khi tòa công bố lời khai của Hiếu tại cơ quan điều tra, bản tự khai do Hiếu viết cho thấy, Hiếu nhiều lần nhận hàng gửi từ Hong Kong về rồi giao lại cho Nhân và sau đó được Nhân "cho tiền ăn trưa"... thì Hiếu chống chế là "không nhớ". Nguyễn Đình Chiểu cũng quanh co chối tội, khiến HĐXX phải nhắc: "Các bị cáo khai như thế nào là quyền của các bị cáo. HĐXX sẽ xem xét trên những chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các nhân chứng khác".
![]() |
Đào Lê Anh. |
Đối với "nhánh" của Đào Lê Anh, để nhập hàng lậu về, Anh cũng thông qua Vũ Hữu Thiều (nhân viên kho hàng xí nghiệp thương mại mặt đất sân bay Nội Bài) để Thiều móc nối với Đặng Mạnh Quyền (nhân viên chi cục hải quan Nội Bài) tuồn hàng lậu vào nước.
Theo Lê Anh khai nhận, vì "nể anh Vũ nên mới nhờ bạn" và "bị cáo thấy rất bức xúc vì giúp bạn mà sự nghiệp tiêu tan". Bị cáo này thừa nhận sai phạm nhưng bác bỏ cáo trạng của VKS là hoàn toàn không chính xác: "Bị cáo nghĩ nếu truy tố bị cáo tội buôn lậu thì phải cho thấy bị cáo có bàn bạc từ trước, có chia lợi nhuận thu lợi bất chính và số liệu phải chính xác. Quy kết bị cáo 25 lần nhận hàng từ Thiều với số lượng 2.000 chiếc là không chính xác". Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi "vậy những hành vi của bị cáo mà VKS truy tố tội buôn lậu có được không?" thì Lê Anh nhỏ nhẹ "bị cáo không biết".
Theo khai nhận của Phạm Anh Vũ, những chiếc điện thoại này khi về đến Việt Nam, được chuyển qua vài "địa chỉ" đến tay Vũ. Từ đây, Vũ lại chuyển nó về cho Nguyễn Gia Thiều. Như vậy, Thiều đã dùng tiền thiết lập nên đường dây nhập lậu điện thoại khép kín từ Hong Kong về Việt Nam. Thông qua một số kẻ móc nối nữa, các cán bộ hải quan đã giúp Phạm Anh Vũ rất "nhiệt tình" để Vũ giúp Thiều nhập lậu 48.000 chiếc điện thoại trị giá 18,057 tỷ đồng.
(Theo VnExpress)