Động viên kịp thời...
Bỏ nghề giáo, chị Phương xin vào Công ty Xuân Trang, làm nhân viên quản lý bộ phận marketing. Chị được ban giám đốc cấp chi phí đưa đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, kỹ năng giao tiếp... Công việc đầu tiên mà chị làm là tiếp thị sản phẩm mới và đó cũng là lần đầu chị gặp ngay thất bại do không thuyết phục được khách hàng...
Chị Phương nhớ lại: “Tôi mất hẳn tự tin và chán nản với công việc. Nhưng giám đốc không la mắng, còn đưa tôi 100.000 đồng cùng một tờ giấy và quyển sách, bảo ra quán cà phê ngồi thư giãn, suy nghĩ, ghi ra các phương án khắc phục thất bại”. Cách xử sự của giám đốc đã giúp chị Phương thêm tự tin để bắt đầu lại công việc... Hiện chị là giám đốc marketing của công ty và sau nhiều năm làm việc, chị không hề có ý định thay đổi công việc dù có nhiều nơi mời gọi.
Hơn 11 năm làm trợ lý nhân sự cho tập đoàn kinh doanh nước giải khát của Mỹ, chị Vũ Anh nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí giám đốc nhân sự Công ty Vinagame. Sau nhiều vòng phỏng vấn cam go, chị được tuyển dụng. Chị kể: “Ngày đầu tiên đi làm, tôi được giám đốc đưa một tờ giấy màu vàng, trong đó có ghi dòng chữ “chúng tôi tuyển cô vì cô là người loại A. Hy vọng cô sẽ tuyển cho công ty những người loại A tương tự”. Tờ giấy ấy khiến tôi thấy mình... có giá hơn”.
Cũng vì lý do ấy mà 2 năm qua, Vũ Anh không ngại khó khăn, xây dựng đội ngũ nhân viên từ hơn 100 lên đến 500 người. Điều đặc biệt, hầu hết trong số này tuổi đời trung bình chỉ khoảng 25, đầy nhiệt huyết. Vũ Anh nói: “Chỉ một tờ giấy để trên bàn với dòng chữ “hãy cố gắng” của sếp cũng đủ giúp tôi có thêm động lực, tự tin để làm việc. Ở đây nhân viên như người một nhà. Khi gặp khó khăn, chúng tôi luôn nhận được sự động viên kịp thời”.
Những bữa ăn “vàng”
Ở Công ty Vinagame, không khí làm việc khá sôi động. Phòng làm việc rộng, mỗi nhân viên được trang bị máy tính hiện đại. Lầu 6 được bố trí làm khu nhà ăn sang trọng cho nhân viên, bài trí như một nhà hàng. Thực đơn nhà ăn khá phong phú, có 10 món mặn dành cho nhân viên chọn lựa mỗi ngày, kèm rau xào, canh, trái cây, chè tráng miệng. Mỗi suất ăn như thế giá khoảng 18.000 đồng do công ty đài thọ. Chị Vũ Anh cho biết: “Sau một buổi làm việc cực nhọc, có được bữa ăn ngon, thư giãn trong không gian thoáng đãng sẽ giúp nhân viên tái tạo sức lao động”.
Tại nhiều công ty khác như American Home, P&G, Dệt may Thành Công, Giấy Sài Gòn... những bữa ăn dành cho nhân viên luôn được chú trọng. Ở những công ty này, nhà ăn trở thành nơi “giải nhiệt” cho nhân viên sau giờ làm việc căng thẳng với máy lạnh, bàn ghế hiện đại. Tại Công ty Liên doanh BAT-Vinataba (Biên Hòa, Đồng Nai), nhà ăn dành cho cán bộ - công nhân viên được thiết kế giống nhà hàng với không gian mát mẻ, bếp ăn một chiều khép kín. Thức ăn nóng sốt với gần 10 món cho nhân viên chọn lựa, còn có trái cây tráng miệng.
Để tạo không gian mới lạ, những ngày lễ như Giáng sinh, Tết dương lịch, nhà ăn còn được tô điểm thêm ông già Noel, cây thông và những phần quà thật xinh xắn. Ấn tượng hơn là không có sự phân biệt trong bữa ăn. Nhân viên có thể ngồi chung bàn với lãnh đạo công ty, chuyên gia nước ngoài, có dịp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
Giám đốc một công ty tư vấn nhân sự cho rằng đó là những bữa ăn “vàng” mà không phải công ty nào cũng làm được. Thông thường, chỉ những công ty nào có chính sách nhân sự tốt, coi trọng đến quyền lợi, đời sống, sức khỏe người lao động mới quan tâm đến những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như thế.
Thư giãn kiểu @
Văn phòng Công ty BAT nằm tại tòa nhà SunWah. Hơn 100 nhân viên đang làm việc tại đây rất thích mái nhà chung này. Bởi lẽ, trong môi trường làm việc năng động, họ còn có phòng đọc điện tử đầy tiện nghi. Trong căn phòng rộng của phòng điện tử với nhiều máy tính màn hình phẳng, nhân viên có thể truy cập Internet bất cứ lúc nào để thư giãn, tìm kiếm thông tin. Mọi người cũng có thể tìm thấy những quyển sách mới nhất về các chuyên ngành trong hàng ngàn đầu sách được công ty sưu tầm.
Theo ông Nguyễn Thành Đạt, phụ trách thông tin BAT, công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên có thêm kiến thức về kinh doanh, kỹ thuật, hiểu biết thời sự kinh tế - xã hội. Hàng tuần, công ty đều bổ sung những đầu sách mới xuất bản từ các nước.
Còn tại Công ty APL Logistisc, để rút ngắn khoảng cách giữa sếp và nhân viên, ngoài việc trao đổi thông tin cởi mở, hằng năm công ty đều tổ chức cho hơn 150 nhân viên đi du lịch nước ngoài hoặc trong nước với chế độ như nhau (ăn, ở khách sạn 5 sao). Ông Phạm Mạnh Khôi, giám đốc nhân sự công ty, cho biết: Hàng tháng, công ty còn tổ chức các câu lạc bộ cho nhân viên giải trí như: đánh golf, khiêu vũ, đá banh, chơi bowling... “Qua các câu lạc bộ, nhân viên của công ty đều cảm thấy thoải mái hơn, làm việc tốt hơn”.
(Theo Người Lao Động)