Bánh cóng hay còn gọi là bánh cống có nguồn gốc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nay có mặt ở nhiều tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Bánh được làm từ thịt heo bằm nhuyễn với bột gạo, đậu xanh hột chấm với nước mắm chua ngọt.
Gạo và đậu xanh để làm bánh cóng đều phải chọn loại ngon, ngâm nước từ sáu giờ cho nở đều. Xay gạo thành bột nước, nêm chút muối, đường cho vỏ bánh đậm được đậm đà. Đậu xanh hấp chín, nguyên hạt. Tôm cũng là thành phần không thể thiếu. Chọn tôm đất bắt từ các dòng sông miền Tây, cắt bỏ đầu, giữ lại phần đuôi cho đẹp, rút sợi chỉ đen trên sống lưng rửa sạch để ráo nước. Hấp tôm chín tái. Nhân bánh cóng làm từ thịt nạc heo với tôm bóc vỏ bằm nhuyễn. Có thể trộn hỗn hợp nhân vào trong bột nước quậy đều hoặc để riêng khi nào đổ bột vào khuôn mới cho nhân vào giữa.
Khuôn làm bánh bằng nhôm hình tròn trên có tay cầm để khi đổ bánh dễ dàng cho việc vớt. Dụng cụ này người Sóc Trăng gọi là cóng, có lẽ bánh mang tên cóng vì thế. Chiên bánh cóng phải là người quen tay mới ngon. Đổ dầu phải ngập bề cao khuôn bánh, có gác vỉ chờ sẵn để khi chiên xong sẽ gác bánh lên cho ráo dầu. Khi thấy dầu sôi nhúng khuôn vào trong chảo để khi đổ bột bánh không bị dính vào trong khuôn. Đổ bột một nửa khuôn sau đó cho đậu xanh, nhân thịt tôm vào đổ tiếp một nửa bột lên trên, đặt 2 con tôm bên cạnh nhúng khuôn bánh xuống chảo dầu đang sôi. Khi thấy khuôn bánh nổi lên là đã chín, dùng que tre hoặc dao cạy nhẹ khuôn lấy bánh ra, lật trên chảo dầu thêm lần nữa cho chín vàng đều, vớt lên vĩ cho ráo dầu.
Ăn bánh cóng ngon một phần nhờ rau xanh và cách pha nước chấm. Chọn nước mắm ngon pha thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi, rau cà rốt, đu đủ muối chua. Rau ăn kèm xà lách, rau thơm, có thể thêm khế chua, chuối xanh, dưa chuột tùy thích cho đủ vị cay nồng. Ăn đĩa bánh cóng Sóc Trăng nhớ mãi cái nóng sốt, giòn rụm quyện hương thơm bùi béo của đậu xanh với nước chấm chua ngọt nơi đầu lưỡi.
Bài và ảnh: Đoàn Xuân