![]() |
Các học sinh của CLB khoa học Trường Trung học Torrey Pines, San Diego nhận phần thưởng trong một cuộc thi do địa phương tổ chức. |
Các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ hay các bạn trẻ đến từ các nước khác được theo học hay được chấp nhận vào học chương trình trung học trao đổi học sinh giữa Mỹ và các nước đều có cách học giống nhau. Ở Mỹ có hai hệ thống học ở hệ trung học, hệ thống bắt buộc (Block Schedule) và hệ thống học linh hoạt (Flexible Schedule).
Theo chương trình bắt buộc, học sinh phải học tất cả các môn và lớp theo quy định và không được bỏ sót bất cứ lớp nào, đại đa số được áp dụng ở các trường tư thục (Private School) và trường thuộc hệ thống giáo hội (Catholic School). Chỉ có một số ít gia đình người Việt cho con em theo học những chương trình này, vì học phí rất cao, đôi khi gần bằng học phí ở College (cao đẳng). Chương trình block schedule mặc dù dạy theo chương trình hệ phổ thông, nhưng do giáo viên rất giỏi, và chương trình học cao nên học sinh không gặp vấn đề khó khăn về trình độ. Chương trình năm lớp 11-12 đã ngang bằng hoặc thấp hơn không bao nhiêu so với chương trình đại học năm 1 và năm 2.
Còn chương trình học linh hoạt thì được áp dụng trong hầu hết các trường trung học công lập. Gần 90% học sinh gốc Việt chọn chương trình này, vì dẫu là chương trình "free", nhưng biết cách khai thác những thế mạnh của nó thì cũng đạt được mục đích như nhau.
Với hệ thống này, các học sinh lớp từ lớp 9 đến 12 ngoài những môn quy định trong chương trình học (Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh, Thể dục), thì sẽ được chọn các lớp gọi là lớp tự chọn (elective course/elective class). Điểm hay của các lớp tự chọn này là giúp học sinh có thể lấy các lớp tự chọn ngay tại trường trung học đang theo học để học thêm, đây là cách nâng cao những kiến thức cần thiết chuẩn bị cho tương lai, hoặc chuẩn bị bước chân vào trường đại học, trường dạy nghề. Thí dụ như chọn vi tính, toán, lý, hóa nếu đi ngành khoa học; văn, sử, địa cho ngành xã hội học...
Bên cạnh đó, đến mùa hè, với sự chấp thuận của các counselor (cố vấn) trong trường, học sinh cũng có thể xin phép và được nhà trường chấp nhận để có thể lấy thêm các lớp tự chọn trong các trường cao đẳng (College) hay đại học (University) và vào học chung với các sinh viên. Các lớp tự chọn này sẽ được tính vào chương trình đại học sau này của học sinh. Học sinh Việt Nam nổi tiếng chăm chỉ, thế nên chuyện những học sinh gốc Việt mới 16, 17 tuổi đã cắp sách vào trường đại học không phải là chuyện hiếm hoi.
Hệ thống học linh hoạt này giúp cho học sinh ở Mỹ có được tính độc lập và biết tính toán chọn chuyên ngành ngay từ lúc còn rất trẻ, đồng thời giúp giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình. Với cách học này học sinh vừa có thể tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian vì một số lớp tự chọn có thể giúp học sinh sau này tốt nghiệp College hay University sớm hoặc có thể học tiếp lên cao khi còn rất trẻ.
Ngoài sự theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ của phụ huynh, học sinh còn nhận được sự tư vấn của các counselor (cố vấn) trong trường trung học. Vào mỗi đầu năm học, tất cả học sinh đều được yêu cầu đến gặp counselor ít nhất một lần. Là những người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ về tâm lý, hoặc thạc sĩ chuyên ngành giáo dục, các counselor sẽ giúp học sinh chọn lớp hay cho lời khuyên nên lấy lớp nào, chọn lớp nào trong chương trình quy định và các lớp tự chọn thích hợp với khả năng, mục đích giúp các bạn trẻ ra trường đúng năm quy định.
Khi gặp khó khăn trong học tập, học sinh có thể hẹn gặp counselor bất cứ lúc nào và đều được hỗ trợ về mọi mặt. Thí dụ như một học sinh nào cảm thấy cần được kèm thêm về Toán, Văn hay bất cứ môn nào đều có thể trình bày với counselor để được giúp đỡ thêm ngoài giờ. Đôi lúc chính giáo viên sẽ đứng ra giúp đỡ và dạy thêm hoặc cũng có khi các bạn học sinh lớp trên hay những học sinh trong các câu lạc bộ (CLB) chuyên sẽ kèm giùm. Đa số các học sinh ở trung học đều tự nguyện tham gia vào một trong các nhóm câu lạc bộ chuyên môn trong trường. Những CLB này giúp học sinh có cơ hội học thêm về những điều cần thiết cho ngành nghề tương lai hay tiếp xúc với những thông tin mới cần thiết cho kỹ năng nghề nghiệp sau này. Thí dụ CLB báo chí, CLB yêu khoa học, văn chương, CLB nghệ thuật, thể thao...
Theo Thanh Niên, ở Mỹ, học sinh có thể học nặng về môn này và nhẹ về môn kia do được tự do chọn theo chuyên ngành. Vì quá chú trọng vấn đề chuyên ngành sau này nên các học sinh ở Mỹ khi lấy lớp bắt buộc theo quy định thì chỉ cố làm sao để vượt qua chứ không có khái niệm nhiều về môn học đó. Vì vậy mới có hiện tượng nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học rất giỏi về khoa học nhưng lại không nắm được lịch sử của nước Mỹ, không thể chỉ ra vị trí của nước Mỹ... Tuy nhiên đó không phải là tình trạng chung.
Tóm lại, có nhiều cách để chuẩn bị cho chương trình sau trung học. Và mọi học sinh trung học đều biết đến chương trình thi SAT (Scholastic Assessment Test). Đây là chương trình thi đại cương tổng quát, nhưng học sinh không nhất thiết phải lấy khi hết trung học. Có nhiều bạn vẫn có thể bỏ qua và xin trực tiếp lấy test ngay tại trường đại học mà mình chọn lựa. Tuy nhiên, đa số các counselor đều khuyên học sinh nên lấy cái test này để đánh giá trình độ và khả năng của mình nhằm chuẩn bị trước cho tương lai. Tự bản thân các học sinh phải chuẩn bị trước từ lớp 9, lớp 10 để đến năm lớp 11 là có thể lấy cái test này. Thang điểm trung bình của SAT từ 200 đến 800. Điểm càng cao thì càng dễ xin vào các trường nổi tiếng và càng có nhiều cơ hội nhận học bổng.