Người được ăn nhiều chưa chắc đã ăn đúng
Khi giảng viên đặt câu hỏi: "Bạn có biết khăn ăn có ý nghĩa như thế nào trên bàn tiệc?", Bùi Thị Thu Hà (36 tuổi, nhân viên văn phòng) chỉ nghĩ khăn ăn được đặt trên đùi hoặc quấn quanh cổ để hứng đồ ăn rơi vãi, chị không biết việc sử dụng khăn ăn cũng cần phải học sao cho tinh tế.
Khăn ăn nên được gập đôi hoặc gập tam giác, phủ lên hai đùi, góc khăn hướng ra ngoài để tiện sử dụng. Khi muốn ra ngoài, nên gấp khăn gọn và để ở ghế của mình để mọi người biết ghế này đã có người. Kết thúc bữa tiệc thì gấp gọn khăn để phía bên trái bộ đĩa ăn trên bàn.
Thu Hà chi hơn hai triệu đồng cho một buổi học kéo dài ba tiếng với ba phần: trước khi vào bàn tiệc, trong lúc ăn tiệc và kết thúc bữa ăn. Tại đây chị được thực hành trực tiếp từ lúc bắt đầu ngồi vào bàn tiệc, phải ngồi ở vị trí nào nếu là khách, nếu là chủ thì ngồi đâu, tư thế ngồi ra sao... Sau đó, từng món ăn được bày lên bàn cho học viên trải nghiệm thực tế.
Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2019 Đào Thị Hà hiện là là giảng viên đào tạo tại một Học viện dạy về phong thái và các nghi thức trên bàn tiệc, cô đồng thời cũng là người trực tiếp giảng dạy trong buổi workshop với 25 học viên tham gia. Theo Đào Hà, nếu được mời tham gia một bữa tiệc ở nhà hàng, bạn có thể đến sớm 10-15 phút nhưng nếu là bữa tiệc tại nhà, hãy đến muộn 10 phút để chủ nhà có thời gian thay trang phục, chỉnh trang lại nhà cửa.
Mở đầu, Đào Thị Hà khuyên các học viên chỉ nên ngồi 1/2 ghế, để nhìn cơ thể dài, đẹp, đồng thời phía sau có thể đặt được một chiếc túi nhỏ. Khi đồ ăn được bê lên lần lượt, Đào Hà đố học viên các loại dao nĩa trên bàn được sử dụng như thế nào nhưng ngay cả người từng có nhiều trải nghiệm về ẩm thực như food blogger Ninh Tito cũng khó trả lời. Mỗi lần được mời tham gia tiệc với các đối tác nước ngoài, Ninh Tito e ngại vì chưa được đào tạo bài bản về các quy tắc ăn uống vì vậy anh tham gia buổi học này. "Ngày xưa mình dùng sai nĩa ăn salad với nĩa ăn thịt và không thể cắt thịt được, hành động ấy khiến mình bối rối và nhớ mãi cho đến tận bây giờ", Ninh cho biết.
Tại buổi học, Ninh được dạy tay phải dùng dao, tay trái dùng nĩa, giữ cả hai tay cầm dụng cụ trong khi ăn, tránh đặt dao hoặc nĩa xuống trừ khi muốn lấy đồ uống hoặc bánh mì. Không cắt toàn bộ miếng thịt một lúc, chỉ nên cắt miếng vừa miệng và ăn hết miếng rồi mới cắt miếng tiếp theo. Nếu có nhiều loại nĩa khác nhau (nĩa cắt bơ, nĩa ăn salad, nĩa cắt thịt, thìa ăn súp...) thì nguyên tắc là di chuyển vật dụng cần lấy từ ngoài vào trong. Bên cạnh đó, Ninh nắm được cách dùng dao nĩa để ngầm ra tín hiệu như đang chờ thức ăn, tạm nghỉ, đã ăn xong hay thái độ khen, chê dành cho đầu bếp. Nếu bạn đang ăn mà có việc cần ra khỏi bàn, hãy đặt dao, nĩa ở hai bên của đĩa thức ăn. Còn nếu bạn đã ăn xong thì dao và nĩa sẽ để cùng một bên của đĩa. Như vậy người phục vụ sẽ biết khi nào bạn không ăn nữa và dọn đĩa của bạn đi.
Một mẹo đơn giản mà Đào Hà hướng dẫn để nhớ vị trí thích hợp của đĩa và ly là "BMW" - viết tắt cho "bread" (bánh mì), "meal" (món ăn) và "water" (nước), "wine" (rượu). "Đĩa bánh mì và bơ ở bên tay trái, món ăn ở giữa và ly nước ở bên tay phải", Đào Hà giải thích. Cô cũng đặc biệt lưu ý những điều cần tránh trên bàn tiệc như không chống tay lên bàn ăn, lấy lượng thức ăn vừa phải và không nên để thừa quá nhiều thức ăn sau khi dùng bữa.
Cách phân biệt ly dùng cho vang đỏ và vang trắng cũng khiến nhiều người bỡ ngỡ. Vang đỏ là loại rượu được ưa thích bởi mùi vị đậm đà, thường được đựng trong ly bầu, miệng to. Khi rót ra nên có động tác xoay tròn ly rượu một vài vòng để oxy vào càng nhiều, rượu sẽ càng thơm. Loại rượu này thích hợp dùng với các món thịt đỏ. Rượu vang trắng dùng loại ly nhỏ hơn và thường được dùng khi ăn hải sản, cá. Với rượu champage dùng cho tiệc khai vị nên dùng trong ly thuôn, dài. Cầm ly rượu đúng cách là đặt nhẹ nhàng ngón tay vào phần thân ly, ngăn nhiệt độ cơ thể làm nóng rượu, khiến rượu thay đổi hương vị. Đối với chị em phụ nữ, Đào Hà chia sẻ bí quyết để không bị phai son ra miệng ly đó là chỉ nhấp môi ở một vị trí duy nhất trên ly rượu, tránh hành động vừa uống vừa lấy giấy lau miệng ly.
Nguyễn Cẩm Ly (32 tuổi), Phó giám đốc Marketing tại một khách sạn cho biết đăng ký tham gia buổi học vì từng không biết nên nói chuyện gì trên bàn tiệc. Khách hàng mà chị gặp rất đa dạng từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và cả các chính khách. Tại buổi học, chuyên gia Đào Hà gợi ý các chủ đề "an toàn" để trao đổi là thể thao và du lịch, đồng thời nên tránh các chủ đề nhạy cảm như chuyện vợ chồng, con cái, tranh cãi liên quan đến công việc. Đặc biệt, khi giao tiếp, tránh trường hợp chỉ nói chuyện với một phía, hãy trò chuyện với cả hai người ngồi bên cạnh. Nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi cụng ly để thể hiện bạn thực sự quan tâm tới câu chuyện mà họ đang nói.
Kiến thức không bắt buộc nhưng thể hiện đẳng cấp
Theo chuyên gia Đào Hà, học viên tham gia các lớp học này đa phần ở độ tuổi 25 đến 45, là những người làm trong nhiều lĩnh vực, có nhu cầu tiếp khách, cần thể hiện bản thân. Tại châu Á, các lớp học quy tắc trên bàn tiệc nở rộ từ 5-6 năm nay, còn ở Trung Quốc, trẻ em từ 5 tuổi đã được bố mẹ cho tham gia các khóa học này để hiểu về tầm quan trọng của ứng xử trên bàn ăn. "Việt Nam hiện chưa có nhiều lớp đào tạo kỹ năng ăn trên bàn tiệc tuy nhiên số lượng học viên ngày càng nhiều, các bạn trẻ để ý đến việc thể hiện bản thân, nói năng, ăn uống, thể hiện tác phong, bodylanguage (ngôn ngữ cơ thể) như thế nào để tự tin hơn và được người đối diện đánh giá cao hơn", cô nói.
Đào Hà cho biết cô chính là một ví dụ rõ nét: Xuất phát điểm là cô gái ở quê lên thành phố từ năm 18 tuổi, cách nói chuyện, cách đi đứng, ăn nói kém tinh tế đã làm mất đi của cô rất nhiều cơ hội. Khi Hà tham gia các cuộc thi Hoa hậu, được đào tạo bài bản về kỹ năng giao tiếp trong đó có quy tắc ứng xử trên bàn tiệc, cô thấy mình tự tin, đẹp, yêu bản thân hơn.
Khác với các lớp học phong thái đi đứng đa phần dành cho phụ nữ, Đào Hà khẳng định việc học ăn thích hợp với mọi người, đàn ông cũng cần học cách các nghi thức ăn sao cho thanh lịch, phù hợp với xu hướng "fine dining" (ẩm thực cao cấp) đang nở rộ. Cô khẳng định đây là kiến thức không bắt buộc nhưng lại thể hiện đẳng cấp, giúp mỗi người trở nên nổi bật, có sức hút.
Phạm Linh