![]() |
Một “rừng" giày Trung Quốc, tha hồ chọn! |
Các loại giày Trung Quốc (TQ) chiếm phần lớn là giày thể thao (bằng vải hoặc bằng cao su đúc nguyên khối), kế đến là giày thời trang nam và nữ giả da lót simili và một số ít dép xốp đi trong nhà bằng cao su mềm (EVA). Anh Minh, chủ tiệm bán giày thể thao khu vực gần Hồ Xuân Hương, cho biết: “Bình quân một ngày tôi bán được khoảng 50 đôi giày thể thao TQ, giá chỉ 80.000-100.000 đồng/đôi đổ lại. Mua nhiều nhất là giới trẻ vì giày TQ nhìn rất bắt mắt, màu sắc trẻ trung, giá lại mềm”. “Tiệm của tôi cứ ba người vô mua thì cả ba đều chọn mua giày TQ, mặc dù tôi cũng có treo giày VN bán”, anh Minh nói thêm.
Mỹ Linh, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Minh Khai, vừa lựa đôi giày thể thao nữ có hình ngôi sao bên hông giày vừa nói: “Em mua đôi này để học thể dục trong trường, nhưng cũng có thể dùng để đi chơi”. Mỹ Linh từ chối đôi giày trong nước sản xuất vì cô chê “mang không êm chân, mũi giày trông to và thô, giá lại đắt hơn những 25.000 đồng!”.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ sạp giày dép Huy Long ở chợ Bến Thành, nhận xét: “Có muốn chào hàng VN cho khách du lịch cũng khó vì chỉ cần chào ba đôi là đã hết mẫu, cỡ size cũng không đủ. Trong khi họ chọn mẫu giày TQ thì size nào cũng có. Còn về mẫu mã, khách coi một hồi lại than... mệt vì nhiều quá, lựa không xuể!”. Ví dụ với kiểu giày thể thao, cùng một chất liệu với thân giày là vải, đế bằng cao su mềm, hàng TQ có không dưới 30 mẫu.
Với loại dép cao gót dành cho nữ, sự đa dạng về kiểu dáng lẫn màu sắc của hàng TQ không thể chê vào đâu được: hơn 50 loại đế với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, từ nhựa trong, gỗ cho đến inox... được thiết kế thật hài hòa, linh hoạt. Về quai dép, không đơn thuần chỉ là một dải da vắt ngang mà kèm theo nó là bao nhiêu thứ thường được các cô rất mê như nơ, cườm, kim tuyến, pha lê... “Vậy mà giá chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng/đôi, đi hai tháng cũng đã đủ thỏa mãn... cơn ghiền!”, chị Mai vui vẻ nói.
Có lẽ đánh vào yếu tố thời trang nên dù hàng TQ chất lượng thật sự không cao, nhưng với tốc độ ra mẫu mới liên tục vẫn thu hút người tiêu dùng. Theo chị Mai, hàng chị bán là do thương lái từ miền Bắc chuyển vào. Cách ba ngày là có một đợt hàng mới, thậm chí có khi mới giao hàng hôm qua, hôm nay lại có hàng khác mang về, “trong khi hàng trong nước cả tháng trời vẫn không thấy ai ra chào mẫu”.
Hàng “đánh” về cũng rất năng động, chủ hàng có thể lấy số lượng với mẫu mã chọn lọc: mẫu nào bán chạy lấy nhiều, mẫu nào bán chậm lấy ít và tiền trả sau một tuần. Cũng theo chị Mai, có nhiều mối hàng phía Bắc linh động đến mức cầm cả catalogue mang đến cho chị xem, giới thiệu và tư vấn mẫu nào đang thịnh hiện nay, hoặc chị có thể gợi ý thêm thắt điểm này điểm kia vào đôi giày để họ “đánh” riêng cho chị. “Với loại này giá sẽ cao hơn một chút, nhưng bù lại hàng không bị đụng, bán chạy lắm!”.
Đặc biệt, loại giày dành cho trẻ em thì hàng TQ cũng thống lĩnh hoàn toàn: từ trẻ vài tháng tuổi cho đến 10 tuổi trở xuống hàng VN gần như không thể chen chân vào. “Làm giày cho trẻ em họ cũng rất tâm lý. Màu sắc vui nhộn, kiểu dáng lại rất dễ thương nên các bậc phụ huynh chẳng tiếc 40.0000-80.000 đồng bỏ ra mua. Mà giá này chỉ kém giày người lớn chừng vài chục nghìn đồng”, chị Châu, chủ sạp Mai Vân ở chợ An Đông, nói.
Thế mạnh của giày trẻ em TQ là các loại giày bằng cao su mềm EVA. Trong khi cùng mảng chất liệu này giày nội địa chỉ nhằm vào các kiểu giày hai quai đơn điệu dành cho trẻ trên 8 tuổi (phần lớn là dành cho bé trai), màu sắc thuần xám hoặc đen, thì hàng TQ có cho cả bé gái lẫn bé trai, màu thì đủ cả “bảy sắc cầu vồng”!
Theo khảo sát của giới kinh doanh, thị trường giày dép và các sản phẩm làm từ da tại TP HCM có mức tăng trưởng khá ổn định với tỷ lệ khoảng 7%/năm, tiêu thụ khoảng 30 triệu đôi/năm (bình quân hai đôi/năm/người). Nhiều hãng giày, các loại sản phẩm da đã và đang tìm cách thâm nhập thị trường VN.
Ông Vũ Văn Minh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giày Việt (Vina giày), cho rằng điểm yếu của các công ty giày VN là chưa có sự định hướng rõ rệt, chưa tạo được dấu ấn cho thương hiệu của mình dẫn đến người tiêu dùng có nhận thức khá mơ hồ về các thương hiệu.
Bà Trần Thị Hồng Hải, giám đốc marketing thương hiệu giày T&T, một trong những thương hiệu giày VN được ưa chuộng tại thị trường nội địa, cũng thừa nhận với Tuổi Trẻ: "Nếu xét về yếu tố giá cả lẫn mẫu mã cạnh tranh, các doanh nghiệp của mình chỉ có nước từ thua đến... thua mà thôi!”.
Chẳng hạn đối với những sản phẩm giày dùng để đi chơi thường có khuynh hướng chọn mua những loại thời trang, có giá tiền vừa phải, không quan tâm nhiều lắm đến chất lượng. Giày TQ “thắng” ở chỗ này. Trong khi giày trong nước chỉ mãi loay hoay với ba màu da chủ đạo là nâu, đen hoặc nửa nâu nửa đen thì TQ chọn loại giả da simili tha hồ phối màu, muốn màu nào cũng có.
Một mẫu giày trong nước thường chỉ có 3-4 màu, kiểu dáng chừng 5 kiểu là hết. Nhưng với giày TQ màu sắc không dưới 10 và kiểu thì phải trên số chục. “Mặc dù đã định hướng được xu hướng thời trang, đã nhập nguyên phụ liệu trước đó cả ba tháng, nhưng chúng tôi vẫn chậm chân trong việc tung mẫu mới so với các mẫu giày của TQ do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu”, bà Hải thở dài nói.
Hàng loạt cửa tiệm đã xây dựng được tên tuổi trong lòng người tiêu dùng, nay cũng chọn giải pháp đưa hàng TQ vào, gia cố lại chất lượng rồi bán lẫn với hàng đóng trong nước vì các cơ sở vệ tinh không thể đáp ứng nổi sự thay đổi nhanh chóng về kiểu dáng lẫn chất liệu sử dụng. Một chủ một tiệm giày thừa nhận: “Trong khi mình đang loay hoay phăng thêm kiểu giày nữ mũi nhọn thì hàng TQ đã tung ra kiểu mới đang thịnh của năm 2005 là hở 2/3 bàn chân, mũi bịt rất ít!”.
Đến bao giờ thì giày nội mới thôi cảnh đi sau giày TQ về kiểu dáng và giá cả? Giải bài toán giá cả sẽ không dễ khi điểm yếu muôn thuở của ngành da giày trong nước là không có nguồn nguyên phụ liệu tự túc, hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Chưa kể theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện chi phí sản xuất một đôi giày tại VN thường cao gấp 1,3-1,5 lần so với TQ. Và thế là giày TQ vẫn cứ “mạnh bước” tung hoành trên các sạp chợ, quầy hàng từ Nam chí Bắc!