|
Ca sĩ Jennifer Lopez. |
P. Diddy và Jennifer Lopez là hai gương mặt điển hình của làng nhạc và thời trang. Thương hiệu của họ được khán giả đón nhận và thu về hàng triệu USD. Beyonce Knowles của ban nhạc Destiny’s Child cũng đang trên đà thành công. Cô sắp góp vào thị trường thời trang xôm tụ của Mỹ dòng sản phẩm House of Dereon vào mùa thu này. Dereon là tên của bà ngoại Beyonce, vốn là một thợ may. Cô nói: “Bộ sưu tập này là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại: Lông thú đi với đồ jeans, kín đáo và gợi cảm”.
Theo VnExpress, ca sĩ Will Adams của ban nhạc Black Eyed Peas dùng cách dán cáo thị để giới thiệu bộ sưu tập rất hiện đại của mình. Anh còn cùng các thành viên trong ban nhạc mặc trang phục có dán tên thương hiệu khi biểu diễn trên sân khấu Grammy. Rocker Kelly Osbourne điều hành công ty thiết kế Stiletto Killers bán áo phông và mũ in những dòng chữ quảng bá cho tự do như “Tôi không ngốc đâu” hoặc “Hãy bỏ trốn với em”.
|
50 Cent quảng cáo thương hiệu G-Unit trên sân khấu. |
Những ai muốn mặc thời trang rách rưới của Christina Aguilera thì đành phải tự mình sáng tạo, vì gần đây Xtina đã lên tiếng chỉ trích những ca sĩ chuyển sang kinh doanh quần áo. Nữ ca sĩ 24 tuổi nói: “Thật vớ vẩn. Tôi cho rằng người ta chỉ làm như vậy khi không biết phải làm gì khác nữa”. Phát biểu của Xtina không thể áp dụng vào trường hợp của rapper 50 Cent. Theo chân ca sĩ Eminem lập công ty Shady Ltd., 50 Cent hợp tác với nhà thiết kế Marc Ecko để giới thiệu dòng thời trang dành cho nam giới có tên G-Unit với đủ các sản phẩm, từ áo phông tới giày thể thao.
Tại sao các ngôi sao lại chọn thời trang để làm giàu, trong khi có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác đang chờ họ tham gia? Andy Hilfiger, đối tác của Jennifer Lopez, nói: “Ai cũng biết rằng các ca sĩ luôn muốn mình mặc đẹp nhất. Khán giả lại luôn nhìn ca sĩ xem họ mặc gì và bắt chước theo”. Theo Hilfiger, ai cũng muốn có thương hiệu riêng, nhưng thành công được lại là vấn đề khác.
|
Thương hiệu này của Missy Elliot phải "xếp xó" ngay khi mới ra mắt. |
Missy Elliot là người gặp nhiều trục trặc khi kinh doanh. Cô ký hợp đồng thiết kế dòng sản phẩm có tên “Respect ME” với hãng Adidas nhưng lại “đụng” ngay hoàng gia Đan Mạch. Nữ hoàng Margrethe II cho rằng, logo của “Respect ME” quá giống biểu trưng của bà và yêu cầu Adidas phải thay đổi ngay lập tức. Để an toàn, hãng Adidas cho thương hiệu này “xếp xó”, tránh kiện tụng lôi thôi.
Tuy nhiên, còn rất nhiều ca sĩ khác thành công trong kinh doanh thời trang. Russell Simmons, ông chủ của hãng đĩa Def Jam, đã ăn nên làm ra với thương hiệu “Phat Farm” 12 năm nay. Rapper Eve có “Fetish”, Master P có “No Limit Clothing”, Jay Z có “Rocawear” và “S. Carter”.
Không thể quên ca sĩ hip-hop Nelly, người khởi nghiệp với “Vokal” 6 năm trước khi anh cùng người bạn Yomi Martin bán ra thị trường những chiếc áo phông đầu tiên do họ thiết kế. Sau đó, họ mở rộng cơ sở sang kinh doanh trang phục dành cho chị em phụ nữ với thương hiệu Apple Bottoms. Bộ sưu tập L.A.M.B của Gwen Stefani được đánh giá là thành công.
Khi thị trường thời trang ngày càng đông vì sự góp mặt của các “sao”, người ta tự hỏi, liệu người hâm mộ có “bội thực” không? Andy Hilfiger nói: “Thực ra thì thị trường này đã bão hoà cách đây hai năm rồi, thế nhưng vẫn luôn còn đất cho những thương nhân nhạy bén. Theo tôi, các ngôi sao không chỉ tạo ra một thương hiệu thời trang mà là cả một lối sống”.