![]() |
Con tin Mỹ Eugene Armstrong trước lúc bị hành quyết. |
Sara Danyle là nữ phóng viên của tuần báo Pháp Người quan sát mới thường trú tại khu vực Trung Đông. Vốn là một phóng viên năng nổ, ưa mạo hiểm, Sara Danyle từng nhiều lần tới Iraq đưa tin chiến sự.
Quá trình tác nghiệp đã giúp Sara Danyle tạo dựng được một mạng lưới cộng tác viên người địa phương khá rộng rãi. Cuối tháng 8 vừa qua, Sara Danyle đã rất may mắn thông qua sự giới thiệu của một “hoa tiêu" người địa phương, thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt đối với thủ lĩnh của một trong những nhóm chuyên hành quyết con tin người nước ngoài bằng cách thức vô cùng man rợ: chặt đầu.
Đối tượng phỏng vấn là Abu Rahid cũng là một thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo cực đoan với tên “Thống nhất và Thánh chiến” có căn cứ tại thành phố Najav đồng thời là thủ lĩnh của nhóm chuyên hành quyết chặt đầu con tin người nước ngoài. Chính nhóm của Abu Rahid đã trực tiếp thực hiện các vụ hành quyết 12 con tin người Nepal, con tin người Mỹ Begh, con tin người Hàn Quốc, gây chấn động dư luận toàn thế giới mấy tháng trước.
Chuyến “vào hang hùm” lần này của Sara Danyle là vô cùng mạo hiểm. Cô có thể bị giết, bị bắt cóc và bị hành quyết như một con tin nếu để xảy ra sơ suất hoặc đơn giản là bị hiểu nhầm. Trong những cuộc phỏng vấn như trên, phóng viên muốn được an toàn cần có sự môi giới của một nhân vật “đức cao, vọng trọng" trong hội đồng tôn giáo địa phương.
Tuy nhiên, điều khiến Sara Danyle lo lắng là thành phố Najav không chỉ là "tử địa" đối với lính Mỹ mà còn với bất kỳ người nước ngoài nào có ý định đến đây, kể cả phóng viên. Và một điều nguy hiểm là gần đây thành phố này còn cho phép dân chúng giết hại phóng viên người nước ngoài “nếu thấy cần thiết". Phần lớn các kế hoạch bắt cóc sát hại con tin người nước ngoài đều được hoạch định và thi hành tại Najav.
Theo thỏa thuận, địa điểm cuộc phỏng vấn sẽ là một khu bí mật tại thành phố Najav. 10h ngày 27/8, chiếc xe chở Sara Danyle và trợ thủ của Abu Rahid chạy vào “thành phố chết” Najav.
Từ chiếc loa nhỏ trên xe luôn vọng ra những tiếng cầu nguyện rì rầm. Không khí bạo lực căng thẳng bao trùm khắp thành phố. Trước những căn nhà nhỏ lụp xụp, nhiều thanh niên tay lăm lăm súng AK-47, bên cạnh họ là những phụ nữ đi găng tay đen, mang mạng che mặt, trầm lặng. Xe dừng lại trước một khu phố vắng lặng.
Người trợ lý của Rahid dẫn Sara Danyle vào một căn phòng nhỏ có một vài người mặc quần áo đen, bịt mặt, cầm súng trung liên đúng gác. Abu Rahid, thủ lĩnh của nhóm hành quyết con tin là một người đàn ông trạc 45 tuổi, mặc áo choàng trắng, đôi mắt to, sâu trên khuôn mặt sạm đen xồm xoàm bộ râu Hồi giáo khiến cho bề ngoài của ông ta rất dữ tợn. Đứng bên cạnh Abu Rahid có 5 thanh niên rất trẻ.
Theo Abu Rahid giới thiệu thì ông ta là một trong những thủ lĩnh của phong trào “Thánh chiến thống nhất" Hồi giáo Iraq, tên của ông ta đã nhiều lần khiến cho người Mỹ “thất kinh hồn vía". Tiếp đó, ông ta thao thao bất tuyệt “quảng cáo” những chiến công của nhóm đao phủ do mình chỉ huy đã trực tiếp thi hành lệnh tử hình đối với những “kẻ ngoại bang tội lỗi”. Rahid thừa nhận, hành động chặt đầu con tin là tàn bạo, song họ không còn cách lựa chọn nào khác và tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các vụ bắt cóc, chặt đầu con tin người nước ngoài, kể cả những người Iraq phản đạo cho đến khi nào họ nhận thấy hòa bình trở lại.
Theo Abu Rahid, một nhóm hành quyết con tin thường có 4-6 người, tuổi đời từ 20 đến 30, hầu hết có người thân bị binh lính hoặc bom đạn Mỹ giết hại. Họ tiếp nhận và giam giữ con tin từ nhóm chuyên bắt cóc và sẽ “xử lý” khi có lệnh. Trong nhóm đao phủ có 1 người là quay phim, 1 “phát ngôn viên" - là tên đọc “bản án” và đích thân ra tay cắt cổ con tin. Thời gian cho mỗi cuộc hành quyết không quá 10 phút. Trước mỗi cuộc hành quyết, con tin cũng sẽ được tắm rửa, ăn uống và mang trên mình một bộ quần áo màu da cam (màu phổ biến trong các buổi tế lễ ở Iraq). Một phần thi thể của con tin như tai, mũi, tóc, sẽ được lưu lại trong “hồ sơ hiện vật” của những kẻ hành quyết. Băng hình ghi cảnh hành quyết chỉ được gửi cho đài truyền hình hai tuần sau khi con tin bị giết.
Thông thường, sau khi bị hành quyết, xác con tin sẽ bị đem vứt bỏ tại một nơi hoang vắng nào đó. Tuy vậy, có những trường hợp đặc biệt, xác con tin phải vài ngày sau mới đem vứt bỏ vì những toan tính riêng của “thượng cấp". Abu Rahid cho biết, sau mỗi vụ hành quyết, mỗi đao phủ được “bồi dưỡng"... 30 USD.
Theo An Ninh Thế Giới, Sara Danyle kể lại rằng, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ song cô vẫn bị sốc nặng vì những gì đã được chứng kiến. Sau cuộc phỏng vấn, Sara Danyle phải xin tòa soạn cho nghỉ phép một tháng mới có đủ bình tĩnh để viết lại những điều đã mắt thấy tai nghe về những "đao phủ thời hiện đại” trong loạt phóng sự nóng hổi về nạn bắt cóc, chặt đầu con tin tại Iraq đăng trên tờ tuần san Người quan sát mới của Pháp đầu tháng 10 vừa qua.