![]() |
Một con chiên đặt nến trước ảnh Giáo hoàng tại nhà thờ Sint Goedele, Brussels. |
Người phát ngôn Vatican Navarro-Valls thông báo tình trạng chung của Giáo hoàng đã ngày một xấu đi, huyết áp giảm, hơi thở yếu và suy thận. Ngài đang nghỉ ngơi trên tầng 3 của Toà thánh.
Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với 1,1 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới, các quan chức Vatican cho biết Đức thánh cha hoàn toàn tỉnh táo và bình thản chấp nhận số phận. Toà thánh bác bỏ chuyện Giáo hoàng đã ra đi sau khi một hãng thông tấn Italy đưa tin máy kiểm tra não cho thấy não của Ngài không còn hoạt động.
Theo VnExpress, trên toàn thế giới, từ Ba Lan - quê hương Giáo hoàng - cho tới Indonesia, từ châu Mỹ tới Trung Đông, hàng triệu người cầu nguyện cho người đã đứng đầu Giáo hội Thiên chúa hơn 25 năm nay. Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi và Tổng thống Carlo Azeglio Ciampi tham dự một lễ cầu nguyện đặc biệt, với rất nhiều người, tại nhà thờ Lateran, Rome, đêm qua. Hồng y Camillo Ruini thông báo Giáo hoàng rất tin tưởng rằng Ngài đã gặp Đức Chúa.
Tại Mexico City, Bộ trưởng Y tế Vatican - Hồng y Mexico Javier Lozano Barragan cho biết người dân rất đau khổ vì Đức thánh cha sắp ra đi.
Ở Washington, người phát ngôn Nhà Trắng thông báo Tổng thống George W. Bush luôn nhận được tin tức về sức khoẻ Giáo hoàng và đang cầu nguyện cho Ngài.
Những nghi lễ chính sau khi Giáo hoàng qua đời
Nghi lễ xác định cái chết
Công bố chính thức về việc Giáo hoàng qua đời sẽ được thực hiện bằng tiếng Latinh và do một bác sĩ chứng nhận. Vị Giáo chủ thị thần (camerlengo) sau đó sẽ gọi tên thánh của Giáo hoàng ba lần theo một nghi lễ để xác nhận rằng không có câu trả lời, đồng nghĩa với việc ngài đã về nước chúa. Trong trường hợp Giáo hoàng John Paul II qua đời người ta sẽ gọi tên thánh của ngài là Karol.
![]() |
Nhà thờ St Peter, nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng nhất của Vatican. |
Trong lịch sử, vị Giáo chủ thị thần còn dùng một chiếc búa nhỏ làm bằng bạc gõ nhẹ váo trán Giáo hoàng để xác định việc ngài đã tắt thở hay chưa, nhưng hiện không rõ nghi thức truyền thống này có còn được áp dụng tại Vatican hay không. Sau khi các thủ tục hoàn tất, công việc chuẩn bị tổ chức lễ tang cũng bắt đầu được Giáo chủ thị thần tiến hành. Lúc này Giáo chủ thị thần chính là vị chức sắc quan trọng nhất của Vatican và ông nắm vai trò đó cho đến khi một Giáo hoàng mới được bầu ra.
Hồng y giáo chủ người Tây Ban Nha Eduardo Martinez Somalo, 78 tuổi, làm Giáo chủ thị thần tại Vatican từ năm 1993 đến nay.
Giai đoạn để tang
![]() |
Bên trong nhà nguyện Clementine. |
Theo truyền thống lâu đời trong lịch sử toà thánh, lễ tang của một Giáo hoàng kéo dài trong 9 ngày. Thi hài ngài sẽ được đặt tại nhà nguyện Clementine trong thờ St Peter, công trình nổi tiếng do Michelangelo khởi công và Giacomo Della Porta hoàn tất vào năm 1600. Sau cái chết của Giáo hoàng John Paul năm 1978, ước tính có 750.000 tín đồ đã xếp hàng vào viếng thi hài ngài lần cuối trong suốt thời gian 3 ngày. Con số này có thể sẽ còn lớn hơn khi Giáo hoàng John Paul II qua đời.
Lễ truy điệu
Căn cứ theo những quy định mới được chính thức hoá vào năm 1996, lễ truy điệu và an táng Giáo hoàng phải được thực hiện trong khoảng thời gian giữa ngày thứ tư và thứ sáu kể từ khi ngài qua đời, trừ những "lý do đặc biệt" không được nói rõ. Nếu thời tiết cho phép, nghi lễ truy điệu trọng thể sẽ được tổ chức trên quảng trường St Peter. Rất nhiều nguyên thủ trên thế giới và các nhân vật quan trọng khác sẽ tới dự buổi lễ này.
Lễ truy điệu Giáo hoàng cũng không thể thiếu sự tham gia của các vị Hồng y giáo chủ, những người sẽ bầu ra một Giáo hoàng mới ngay sau đó. Trong buổi lễ, lính bảo vệ nghi thức người Thuỵ Sỹ trong toà thánh sẽ mặc những bộ đồng phục đặc biệt gồm các màu tía, vàng và đỏ.
Việc an táng
Phần lớn Giáo hoàng trong những thế kỷ gần đây đều lựa chọn được chôn cất bên dưới toà La Mã hoàng cung trong nhà thờ St Peter. Sau khi các nghi lễ hoàn tất, cỗ quan tài có thể nặng tới gần nửa tấn của Giáo hoàng được đưa qua "cửa tử" nằm bên trái của án thờ chính trong La Mã hoàng cung, để tới nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Chuông rung lên và cỗ quan tài được đặt dần vào trong một chiếc quách làm bằng đá cẩm thạch, sau đó được đậy kín bằng một phiến đá cực lớn. Hiện Vatican chưa công bố việc Giáo hoàng John Paul II có tâm nguyện được an táng theo truyền thống như vậy hay không. Nhiều người nhận định rằng, vị Giáo hoàng sinh ra tại Ba Lan này có thể sẽ chọn cách được yên nghỉ tại Nhà thờ lớn Wavel trong thành phố cổ Krakow ở quê nhà.
Hội nghị bầu Giáo hoàng mới
Các Hồng y tập trung trong nhà nguyện Sistine để bầu Giáo hoàng mới. Nhà nguyện này là một công trình nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, với nhiều bức bích hoạ giá trị, trong đó có bức tranh trên trần nhà rất trứ danh do đích thân Michelangelo thực hiện.
![]() |
Nhà nguyện Sistine. |
Hội nghị bầu Giáo hoàng, còn gọi là conclave, phải diễn ra trong vòng 15 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời. Trước đây, trong thời gian dự hội nghị các Hồng y giáo chủ phải ngủ nghỉ tại những phòng tạm ngay trong nhà nguyện để các cuộc họp diễn ra bí mật.
Nhưng trong cuộc họp lần tới sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, các Hồng y sẽ được ở tại tu viện trong thánh đường St Marthas, một nhà khách được thiết kế theo kiểu khách sạn nằm bên trong toà thánh Vatican.
Những quy định trong hội nghị bầu Giáo hoàng rất khắt khe, theo đó không ai được liên hệ ra bên ngoài cho đến khi một Giáo hoàng mới đã được bầu ra. Để đối phó với các thiết bị theo dõi hiện đại, những chuyên gia kỹ thuật của toà thánh sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các phòng họp cổ kính, những hành lang phủ kín các tác phẩm nghệ thuật để truy tìm những thiết bị nghe lén.
Bắt đầu hội nghị, các Hồng y mặc áo choàng truyền thống lần lượt đi thành hàng tiến vào nhà nguyện Sistine. Tổng số các lá phiếu bầu Giáo hoàng thu được sẽ đính với nhau bằng kim chỉ, sau đó chúng được đốt bằng hoá chất để tạo ra làn khói màu đen hoặc màu trắng, mỗi màu hàm chứa một ý nghĩa khác nhau. Khói màu trắng là tín hiệu mà các Hồng y báo với thế giới rằng, một Giáo hoàng mới đã được bầu ra. Ngược lại, khói màu đen ám chỉ công việc bầu sẽ tiếp tục.
Chỉ có những vị Hồng y nào dưới 80 tuổi mới được phép bầu Giáo hoàng và người nào giành được tối thiểu 2/3 phiếu thì sẽ trở thành người đứng đầu Vatican. Nếu Giáo hoàng John Paul II qua đời, hội đồng bầu Giáo hoàng mới sẽ có tối đa 120 người được bỏ phiếu.
Việc bầu Giáo hoàng thường diễn ra căng thẳng và mất nhiều thời gian. Rất nhiều lần các lá phiếu được đốt bằng hoá chất để tạo ra khói màu đen, tín hiệu biểu lộ rằng Giáo hoàng mới vẫn chưa được chọn. Việc bầu ra Giáo hoàng John Paul II năm 1978 kéo dài trong 2 ngày và có 8 lần các lá phiếu được đốt.
Giáo hoàng mới
Ngay khi một Giáo hoàng mới được bầu ra người đó sẽ phải nói câu Accepto có nghĩa là "tôi chấp nhận" để chính thức hoá kết quả bỏ phiếu. Sau đó, một Hồng y nắm chức vụ cao cấp trong giáo hội sẽ xuất hiện bên cửa sổ, nằm giữa nhà thờ St Peter, để phát biểu bằng tiếng Latinh mà kết thúc bằng câu Habemus papam, nghĩa là "Chúng ta đã có một Giáo hoàng". Sau đó ông tiếp tục dùng tiếng Latinh để công bố tên người được chọn làm Giáo hoàng mới.