>> Xe khách lật ngửa, nhiều người chết và bị thương
Khoảng 7h ngày 9/6, ông Ngô Văn Phước (ngụ thôn Ngọc Tam, xã Điện An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đang lót dạ bằng ổ bánh mì thì nghe tiếng "rầm rầm" trên quốc lộ. Quăng mẩu bánh dang dở, ông lao về phía đường cái cách nhà chừng 200 mét.
“Tôi không tin vào mắt mình. Chiếc xe Mai Linh lật chổng 4 bánh lên trời, phần thân vỡ bung. Trong đống đổ nát, tôi thấy một phụ nữ nhoài mình ra cửa kính nên chạy đến kéo ra rồi nhờ xe của một người trong làng chở ngay đi bệnh viện”, ông Phước kể.
Người đàn ông 49 tuổi này bốc ngay điện thoại gọi cho anh Tuấn, anh Tính, anh Vinh… đang uống cà phê ở gần đó hét lên: “Có tai nạn trước nhà thằng Hùng, mấy đứa mày qua đây phụ đưa họ đi cấp cứu”. May mắn hôm nay là chủ nhật, anh em trong làng chủ yếu làm thợ hồ đều nghỉ ở nhà.
Hàng trăm người dân thôn Ngọc Tam, xã Điện An là lực lượng cứu hộ 34 người trên xe khách Mai Linh lật úp từ đường xuống bờ kè ở độ sâu 7m. |
Ông lại bấm điện thoại gọi cho bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức và Đa khoa Bắc Quảng Nam cách hiện trường chừng 3 km, yêu cầu điều xe cứu thương đến. Rồi ông lao như tên bắn vào nhà ông Hùng - nơi bị xe khách kéo đứt dây điện. “Anh cắt ngay cầu dao, không là nhiễm điện vào xe thì hiểm họa khôn lường”, ông Phước nói như ra lệnh.
Cùng lúc này 5 người đã tự thoát khỏi xe. Thấy còn nhiều cánh tay nạn nhân chới với qua cửa kính vỡ nham nhở, người dân thôn Ngọc Tam dùng xà beng, búa, gậy cốt pha men theo bờ kè nghiêng 45 độ để cậy cửa và ghế gãy bên trong đưa nạn nhân ra. Phía ngoài, nhiều phụ nữ cũng tham gia vào “đội cứu hộ” bằng việc chở nạn nhân đi cấp cứu.
Áo dính đầy máu, ông Phước lúc thì lao vun vút trên con đường bê tông dân sinh đưa người đến bệnh viện lúc lại làm luôn việc phân làn, yêu cầu người dân dựng xe gọn vào bên lề để xe cấp cứu tới.
Còn ông Tống Viết Thiều (45 tuổi) mãi đến khi nghe tiếng còi cứu thương hú liên hồi mới biết có tai nạn nên chạy ra quốc lộ ngay sau nhà. Chiếc xe khách to lớn màu xanh bẹp dúm, nằm chênh vênh giữa một rừng người đang bu quanh. Không chút đắn đo, ông cùng người làng bò vào khoảng trống phía trong xe tìm cách cứu người.
Mùi trái sầu riêng hòa lẫn mùi tanh nồng của máu khiến ai nấy đều choáng váng, không khí nóng hừng hực. “Đưa được nam thanh niên bị tước gần hết mảng da đầu ra ngoài, tôi kéo da đậy lại cho anh ấy và lấy áo trùm lên đầu cho khỏi bụi rồi bỏ ngay lên cáng chở đi bệnh viện”, ông Thiều kể.
Sau khi đưa nạn nhân ra khỏi xe bị lật, người dân chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu. |
Vẫn còn 12 người mắc kẹt bên trong nhưng việc cứu hộ bị gián đoạn bởi không có cách nào đẩy được những thanh sắt bẹp dúm đang kẹp cứng người họ. “Có chị phụ nữ ngồi ôm chặt hai đứa con khoảng 6 và 9 tuổi. Chị ấy liên tục kêu 'các bác ơi làm ơn cứu con tôi với'. Chúng tôi cuống quýt chạy tới chạy lui nhưng cuối cùng đành bất lực, chờ cơ quan chức năng đến. Nhìn mẹ con chị ấy ai cũng rơi nước mắt”, ông Thiều nói.
30 phút sau, ba xe cẩu hạng nhẹ đến hiện trường, bắc dây vào thân xe kéo lên. Phía dưới, người dân dùng hàng trăm cây cốt pha chống tựa lưng xe khách để giữ xe cố định. Từng cánh tay nạn nhân bên trong ngày một rõ hơn qua những kẽ hở được kéo giãn. Ông Thiều vừa vào đến chỗ 3 mẹ con người phụ nữ kia thì bàng hoàng bởi em nhỏ 9 tuổi đã ngất lịm với vết thương lớn ở bụng.
Ở đầu kia, anh Tống Ngọc Tuấn (36 tuổi) cũng bò vào đến nơi. “Cháu bé nằm sấp trong tư thế đang cố bò ra ngoài. Cháu tử vong do bị mất quá nhiều máu. Giá như mình có đủ phương tiện để cứu hộ đưa nạn nhân ra ngoài sớm hơn...", anh Tuấn nói giọng buồn rượi.
Người mẹ vẫn ngồi như mất hồn khi mọi người đưa thi thể con mình ra ngoài. Bé nhỏ hơn nhờ vòng tay mẹ che chở nên chỉ bị đứt một vết ở tay. Nhiều nạn nhân khác bị kẹp quần áo ở những chỗ gãy trên thành xe buộc "đội cứu hộ chân đất” phải cắt bỏ để kịp đưa ra ngoài đi cấp cứu.
Đến 10h, khi toàn bộ 34 người trên xe được đưa ra ngoài, ôtô Mai Linh được một xe cứu hộ lớn nhấc lên quốc lộ trong tình trạng bẹp dúm phần thân. Phía dưới bờ kè ngổn ngang cột cốt pha. “May có người dân đang làm nhà nên có sẵn cây cốt pha dùng cứu người”, một người cho biết.
16h anh Thiều mới cùng vợ ăn cơm trưa. “Vừa mệt vừa ám ảnh về các nạn nhân nên tôi nuốt không nổi. Chúng tôi là dân thường, thiếu phương tiện cũng như phương pháp cứu hộ nên chỉ biết cứu người bằng hết sức lực của mình”, anh tâm sự.
Theo VnExpress