Nghề PR có nghĩa là quan hệ công chúng, giao tiếp cộng đồng. Có người còn gọi đây là nghề chuyên đi đánh bóng hình ảnh của các doanh nghiệp, các sản phẩm trên thị trường. Những chàng trai, cô gái ở vào độ tuổi vừa tốt nghiệp đại học cho đến khoảng 30, trong các bộ vest, thắt cà vạt lịch sự hay các bộ áo dài thướt tha, gương mặt luôn ngời sáng, toát lên vẻ tự tin trong các buổi họp báo, các chương trình dạ hội hay các buổi tiệc chiêu đãi của các công ty, các tập đoàn kinh tế... đã trở thành hình ảnh có sức hấp dẫn ghê gớm với giới trẻ. Và vì thế, rất nhiều bạn trẻ đã chọn con đường trở thành PR.
Lan, tốt nghiệp đại học Ngoại thương, hiện làm việc cho Công ty truyền thông N.S. - một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Hà Nội về lĩnh vực truyền thông cho biết, cô đến với nghề một cách rất tình cờ. Trong một lần cùng chị gái đến dự một buổi tiệc chiêu đãi của Công ty ôtô Toyota nhân việc giới thiệu sản phẩm mới, chứng kiến những PR duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, đĩnh đạc tổ chức chương trình một cách hoàn hảo, được đông đảo quan khách tán thưởng, cô đã quyết tâm chọn nghề này. "Những ngày đầu vất vả lắm! Chỉ sau 2 tuần làm việc, em hiểu được rằng không phải cứ có một ngoại hình đẹp, giọng nói dễ nghe, truyền cảm và một, hai tấm bằng đại học là có thể làm được ngay. Khác hẳn với đội ngũ tiếp thị làm quảng cáo cho các sản phẩm mà chúng ta vẫn gặp trên phố, làm PR đòi hỏi rất cao, đặc biệt là có kiến thức và khả năng phản ứng nhanh nhạy với các tình huống, kể cả khi phát sinh tình huống xấu. Mình chỉ biểu hiện ngây ngô hay thiếu hiểu biết một chút là sẽ gây ảnh hưởng đến chính sản phẩm hàng hoá của công ty đang thuê mình. Khi đó, cái mất sẽ lớn hơn rất nhiều".
Còn với bạn Minh (Công ty Galaxy) thì khác hẳn. "Tôi tự tin ở bản thân nên chọn nghề PR. Mức thu nhập dù chỉ 200-300 USD/tháng nhưng điều quan trọng là thông qua công việc, tôi được tiếp xúc với nhiều giới, từ các quan chức, các doanh nhân cho đến các phóng viên. Các cuộc gặp gỡ này đã góp thêm cho tôi rất nhiều kiến thức.
Khi PV Kinh Tế Đô Thị hỏi: "Để trở thành một PR giỏi cần điều gì?". Minh trả lời: "Cần rất nhiều yếu tố. Đó là bạn phải có kiến thức đặc biệt về makerting và quản lý thương hiệu; có khả năng giao tiếp với tất cả mọi người để tạo lòng tin cho khách hàng và giữ được mối quan hệ; Biết cân bằng giữa đời sống riêng tư và nghề nghiệp; Khả năng hình dung các tình huống phát sinh và các tình huống đối phó; Sức khoẻ dẻo dai, chịu được áp lực công việc với cường độ cao. Tuy nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác mà càng làm sẽ càng thấy mình thiếu". Ví dụ khi tổ chức họp báo, nhiều phóng viên hỏi những câu rất hóc, người trả lời bối rối. Nếu PR xử lý không khéo thì có thể sẽ dẫn đến hiểu nhầm về mặt thông tin, gây ảnh hưởng đến đối tác của chính mình. Còn rất nhiều tình huống khác rất khó lường trước.
Chị Thu sau 3 năm làm PR chưa hề được nghỉ đủ cả hai ngày nghỉ cuối tuần. Công việc của chị tất bật tối ngày, hết từ văn phòng lại đi gặp gỡ đối tác, mời báo chí rồi đến các buổi họp báo, các buổi chiêu đãi của đối tác. Nhiều đêm chị phải đọc tài liệu đến tận khuya để sáng sớm mai có thể dàn dựng chương trình một cách hoàn hảo. Chị nhớ mãi những ngày đầu mới vào nghề, công ty chị được một hãng sản xuất băng vệ sinh phụ nữ thuê tổ chức họp báo. Chị được sếp giao trong vòng 2 ngày phải đi gom đủ 10-15 bài báo về các sản phẩm băng vệ sinh trên thị trường. Đi hết các hàng báo vỉa hè lẫn báo rong, vẫn chỉ có vài ba bài, may mà chị được bạn bè dẫn vào thư viện Quốc gia tìm thêm nên buổi họp báo đó thành công mỹ mãn.
Cái vất vả nhất của nghề PR chính là không có giáo trình, không có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào mà các bạn phải hoàn toàn tự học hỏi và ứng biến trong suốt quá trình làm việc. Những người chọn nghề này phải thường xuyên cập nhật những kiến thức về kinh tế xã hội, chính trị và cả các sự kiện đang xảy ra hàng ngày để phục vụ công việc, nếu không sẽ nhanh chóng tụt hậu và bị đào thải.
Bên cạnh đó là các mối quan hệ xã hội phải rất rộng lớn. Các doanh nghiệp khi thuê các công ty truyền thông để "đánh bóng" tên tuổi của mình bao giờ cũng tính đến tính hiệu quả sau công cuộc có thể gọi là "lăng-xê" ấy. Nếu nhân viên trong các công ty truyền thông có quá ít quan hệ thì sẽ xảy ra hiện tượng phản ứng ngược như mời rất đông các báo đến nhưng không báo nào đưa tin hoặc đưa tin không cụ thể, làm giảm giá trị sản phẩm. Đặc biệt, làm PR phải có quan hệ rất tốt với giới báo chí vì thông tin còn phải đi kèm với tính thời sự để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 20 công ty chuyên về PR và hàng trăm công ty quảng cáo kiêm dịch vụ truyền thông. Giữa các tổ chức này có sự cạnh tranh rất gay gắt. Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ nhưng cũng là những thách thức để tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt. Nói như bạn Lê: "Làm nghề này không bao giờ có cơ hội sửa sai. Hấp dẫn đấy nhưng cũng đầy rủi ro".