Đối thủ hàng đầu của tàu Thống Nhất là các thương hiệu xe chất lượng cao chạy suốt Hà Nội - TP HCM, hành trình dưới 40 giờ, giá vé 350.000 đồng/người, bao gồm cả tiền ăn. Tiếp đến là các loại vé giá rẻ 1,1 triệu đồng của hàng không, chỉ cao hơn 150.000 đồng so với vé nằm hạng nhất của mác tàu SE nhưng lại tiết kiệm được hơn 27 giờ cho việc đi lại.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng tăng, ngành đường sắt đã lần đầu tiên đưa ra loại vé giá rẻ 350.000 đồng (ngồi cứng) đối với tàu 42 giờ TN1/2, giảm đến 10% so với giá hiện hành. Đồng thời, tuyên bố hoàn trả tiền chênh lệch cho hành khách trong trường hợp được bố trí chỗ ngồi thấp hơn hạng vé đã mua.
Chi phí của ngành đường sắt đang ở mức khá cao nhưng tiết giảm chi phí để giảm giá thành là việc rất khó. Nguyên nhân vì hạ tầng đường sắt quá kém, không đồng bộ giữa tính năng kỹ thuật của phương tiện đầu máy, toa xe làm giảm hiệu quả của khai thác. Tốc độ chạy tàu trung bình không đến 80 km/giờ, trong khi vận tốc cho phép của đầu máy, toa xe là 120 km/giờ.
Theo Tổng Công ty Đường sắt VN, việc nhượng quyền khai thác đã được thực hiện cách đây 6 năm đối với đoàn tàu du lịch Hà Nội - Lào Cai. Theo đó, Công ty Du lịch Victoria thuê 4 toa xe trên mỗi đoàn tàu và cải tạo, nâng cấp nội thất theo tiêu chuẩn châu Âu để chở khách lên Sa Pa. Mới đây nhất, Công ty Quảng cáo Eva đã thuê trọn gói hành trình tàu khách Sài Gòn - Nha Trang với thời hạn 7 năm.
Riêng trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, tính đến thời điểm này, ngành đường sắt đã bán và cho thuê 15 đôi tàu hàng/tuần các tuyến địa phương và Bắc Nam. Đối với cả bên bán và bên mua, đây thực sự là bước tập dượt cần thiết để bước vào một thị trường cạnh tranh. Về phía tổng công ty sẽ có thêm kinh nghiệm cọ xát trong cơ chế thị trường để thích nghi hơn. Về phía các doanh nghiệp (DN) thuê tàu, đây là cách để họ bước đầu làm quen với thị trường vận tải đường sắt.
Thực ra, vận tải đường sắt không còn là lĩnh vực độc quyền kể từ khi Luật Đường sắt có hiệu lực vào ngày 1/1. DN chỉ cần đăng ký kinh doanh, đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh đường sắt (kinh doanh có điều kiện) sẽ được hoạt động. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực quá mới, đòi hỏi vốn rất lớn nên chưa DN nào dám mạo hiểm đầu tư.
Thay vào đó, họ thuê, mua chính đầu máy, toa xe của Tổng Công ty Đường sắt VN trên một số tuyến hoạt động “nhìn thấy lãi ngay”. Sự tham gia của các công ty tư nhân đã từng bước phá thế một mình một chợ của Tổng công ty Đường sắt VN. Khi trên một tuyến có nhiều DN tham gia cung cấp dịch vụ, ngành đường sắt sẽ tổ chức đấu thầu để mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.
(Theo Người Lao Động)