Tại các điểm ATM như thế này, một người rút tiền có vài người quan sát rất có thể để lộ thông tin về thẻ. |
Khách hàng Nguyễn Ngọc Quang (TP HCM) bị mất 2,5 triệu đồng, đã khiếu nại khắp nơi, kể cả đi trình báo công an. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank - VCB) cho biết đã có hai giao dịch rút tiền từ thẻ của anh Quang ở siêu thị An Phú.
Anh Quang yêu cầu VCB cung cấp băng ghi hình ghi lại các giao dịch tại nơi đặt máy ATM, nhưng VCB chỉ có các báo cáo từ máy tính. Tuy nhiên, theo quy định về sử dụng thẻ, các báo cáo từ hệ thống giao dịch là cơ sở để chứng minh giao dịch hợp lệ và đã thành công.
Trước đó, khách hàng Nguyễn Thị Thu Loan (quận Phú Nhuận, TP HCM) khiếu nại bị mất 5 triệu đồng từ tài khoản thẻ VCB.
VCB cho biết số tiền này đã được rút từ máy ATM đặt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, với đầy đủ ngày, giờ giao dịch, song chị Loan nói rằng ở thời điểm đó đang đưa con đi khám mắt ở một nơi khác. Vẫn không tìm ra được người đã rút tiền.
Ngân hàng Đông Á (EAB) cũng từng bị một cán bộ ngân hàng khiếu nại vì mất tiền trên thẻ. Sau khi kiểm tra lại băng ghi hình, hóa ra người rút tiền là nhân viên của vị cán bộ nọ.
Vị cán bộ đã đưa thẻ, cung cấp mật mã giao dịch cho nhân viên của mình đi rút tiền rồi... quên. Nếu không có camera ghi hình, chắc chắn EAB phải chật vật để giải quyết vụ khiếu nại này.
Một số khách hàng của VCB cũng đã vui vẻ ra về khi ngân hàng đưa ra băng ghi hình chứng minh rằng người rút tiền chính là người nhà của khách hàng!
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc EAB cho biết ngay từ khi triển khai hệ thống ATM, EAB đã trang bị các camera an ninh.
Những ATM có chức năng vừa rút và gửi tiền đều có ba camera, trong đó có hai camera được đặt ở những vị trí kín đáo khác nhau có thể quan sát và ghi lại khuôn mặt của khách rút tiền và nơi khách nhận tiền từ máy.
Toàn bộ bàn phím trên máy ATM không nằm trong tầm quan sát của camera, do vậy vẫn bảo mật được số pin cho khách hàng. Camera thứ ba được đặt ở phía sau ATM để kiểm soát các hoạt động thao tác trên máy của nhân viên ngân hàng.
Các dữ liệu ghi từ camera được lưu lại trong thời gian khá dài, khi cần kiểm tra chỉ cần căn cứ vào báo cáo ngày giờ có giao dịch rút tiền là có thể xem lại.
Ông Trịnh Thượng Thức, phòng thẻ VCB TP HCM cho biết ngân hàng này cũng đang tính đến việc trang bị camera an ninh cho tất cả các máy ATM.
Hiện số máy ATM của VCB có trang bị camera còn khá ít, chỉ có ở những khu vực trung tâm hoặc nhiều người giao dịch, trong khi số thẻ VCB dự kiến phát hành đến hết năm 2005 lên đến 1 triệu thẻ.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có bất kỳ quyđịnh nào ràng buộc các ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ phải trang bị các camera an ninh tại nơi đặt máy ATM. Đến nay cả ngân hàng và người sử dụng thẻ ATM vẫn phải giao dịch với nhau trên cơ sở pháp lý là quy chế phát hành thẻ đã được ban hành cách nay gần bảy năm!
Theo ông Bình, tâm lý chung của khách hàng khi bị mất tiền là tiếc tiền bị mất thì ít mà bực dọc vì không tìm ra nguyên nhân thì nhiều. Vì vậy, làm rõ trắng đen không chỉ bảo vệ ngân hàng mà còn tạo tâm lý thoải mái để khách hàng tiếp tục giao dịch với ngân hàng.
Thế nhưng chi phí để trang bị và duy trì hoạt động các camera cho mỗi máy ATM lên đến cả ngàn USD nên số ngân hàng áp dụng cho đến nay vẫn còn quá ít.
Ông Đỗ Đức Cường, Việt kiều, chuyên gia về hệ thống ATM, hiện quản lý hệ thống thẻ VNBC của Ngân hàng Đông Á, cho biết: Cho đến nay, nguyên nhân mất tiền trên tài khoản thẻ chủ yếu vẫn là do khách hàng bất cẩn trong bảo quản hoặc tự tiết lộ mật mã giao dịch. Người biết mật mã lén lấy thẻ và rút tiền của chủ thẻ. Người thân rút tiền nhưng chủ thẻ không biết. Cũng có trường hợp đãng trí, khách rút tiền, đã nhận tiền nhưng quên kết thúc giao dịch để nhận lại thẻ mà đã bỏ đi, người khác chỉ cần nhập lệnh tiếp tục rút tiền... Tại VN đến nay chưa thấy trường hợp nào bị mất tiền do nguyên nhân có thẻ giả. Trường hợp mất thẻ cũng chưa bị mất tiền nếu người nhặt được thẻ không biết được mật mã, vì nhập sai mật mã ba lần thì hệ thống ATM sẽ giữ thẻ và khóa tài khoản. Hệ thống thẻ được thiết kế và quản lý gồm nhiều tầng, như hệ thống thẻ VNBC gồm bốn tầng, tầng sau có thể phục hồi các lỗi đã xảy ra ở tầng trước. Trong đó máy ATM là tầng đầu tiên và hệ thống dữ liệu là tầng thứ tư được áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Trường hợp có lỗi trên hệ thống, chẳng hạn như khách đang rút tiền mà ATM bị mất điện, các tầng còn lại sẽ kiểm tra và phục hồi tiền trên tài khoản. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy không thể bị mất tiền do lỗi từ hệ thống. Hệ thống dữ liệu được bảo vệ rất nghiêm ngặt, có kiểm soát nhiều chiều và do những người trung thành với ngân hàng quản lý, do vậy khó có thể can thiệp hoặc lấy dữ liệu trên hệ thống. Nhưng ở một vài ngân hàng do còn thiếu chuyên gia về ATM, phải hợp đồng với một bên thứ ba (như các công ty tin học) để làm một số việc trên hệ thống. Trường hợp này phải có biện pháp quản lý chặt, nếu không có thể bị lợi dụng bởi nhân viên của bên thứ ba làm việc trên hệ thống. Các ngân hàng cần phải quản lý chặt và cảnh giác với trường hợp này. |
(Theo Thanh Niên)