Năm 1998
Xin việc: Cầm trên tay lá đơn cùng bản lý lịch cá nhân, ông Riedl đến Việt Nam trong tư cách người đi xin việc ở thế chen chân với đông đảo ứng cử viên khác. Tuy thành tích HLV khiêm tốn (chỉ mới cùng đội tuyển Zamalek đoạt á quân Cúp châu Phi 1994) hơn so với khi là cầu thủ (cựu chiếc giày đồng châu Âu) nhưng mức lương vừa phải khiến VFF dễ đi đến quyết định. Ông có mặt vì mức lương phù hợp với khả năng tài chính VFF hơn là sự thẩm định tài năng về một HLV ngoại đích thực.
![]() |
Biết lắng nghe nhưng cũng rất bảo thủ. |
Áp lực: Sau chuyến đi tập huấn châu Âu trở về, A.Riedl mới cảm nhận đầy đủ về sức nặng của vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Ông cảm nhận được sức ép quá lớn từ sự kỳ vọng quá cao buộc phải có huy chương trên sân nhà và buộc phải có mặt ở chung kết. Sức ép mà theo các trợ lý nói thì đã có lúc muốn bỏ cuộc. Câu nói bất hủ "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc" xuất phát trong hoàn cảnh ấy tại cuộc họp báo ở Nhổn sau khi ông bị dư luận chỉ trích về việc giữ lão tướng Nguyễn Văn Dũng trong khi đẩy Bảo Khanh ra.
Dao động: Sau trận khai mạc thắng Lào, A.Riedl cảm nhận được sự bất an trong sơ đồ 4-4-2 của mình. Từ một người đầy cá tính và kiên quyết với 4-4-2, ông chấp nhận chuyển qua 3-5-2 và chơi có libero sau khi bị chính những cầu thủ lên tiếng.
Sợ hãi: Việt Nam vào đến chung kết sau chiến thắng lịch sử trước Thái Lan nhưng người hùng của trận đấu là chính ông lại phát biểu: "Việt Nam chiến thắng nhưng Thái Lan vẫn mạnh hơn". Hôm ấy chúng ta chiến thắng một đối thủ mạnh hơn đến 3 bàn trắng. Chiến thắng mà đến giờ có lúc ông vẫn nói rằng không tin vào mắt mình.
Bất an: Trước trận chung kết, khi người hâm mộ Việt Nam chờ đợi chiếc cúp Vàng trong không khí của ngày lễ hội thì ông lại thản nhiên tháo dải băng "Việt Nam vô địch" ra và trao cho đối thủ Barry Whitbread. Sự bất an của ông hay là điềm báo thất bại của bóng đá Việt Nam?
Bảo thủ: Đến giờ việc đưa Nguyễn Văn Dũng vào đá chính thay Sỹ Hùng (treo giò) vẫn còn là đề tài nóng. Ông muốn dùng kinh nghiệm của Dũng và đã thất bại trong khi giới chuyên môn lại tin rằng nếu để Tuấn Thành thì hiệu suất ghi bàn cao hơn? Thỉnh thoảng bị "tra" lại trận cầu ấy, ông vẫn giữ nguyên quan điểm: "Tôi vẫn sẽ đưa Nguyễn Văn Dũng vào từ đầu trận".
Năm 2003
Trở lại: Sau khi trở về từ Kuwait, ông lại nghĩ đến quê hương thứ hai của mình là Việt Nam. Gẫy Letard, hục hặc với Calisto, A.Riedl nhảy vào đúng lúc và đúng chỗ. Lần thứ hai quay lại ông nói nhiều về việc viết tiếp giấc mơ vàng cho dù ông thừa nhận thời gian qua Việt Nam có nhiều thay đổi.
Chấp nhận: Ba năm xa Việt Nam đã có quá nhiều thay đổi, khi trở lại vị trí HLV trưởng, ông chấp nhận mặt bằng đội tuyển mà các trợ lý ông đã chọn sẵn. Hầu như ông không có sự bổ sung nào. Vì niềm tin tuyệt đối vào các trợ lý hay vì ông xác định mình chỉ là người tiếp quản và nâng cấp?
Lắng nghe: Ông trở lại Việt Nam khá tự tin với câu nói "Thời gian qua tôi biết mình cần phải làm gì khi ngồi lại với những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam". Ông đã một lần gạch tên Quyến nhưng sau đó mở cửa sau đưa cầu thủ này vào lại đội tuyển.
Ra đi: Dẫu đó chỉ là sự đe dọa mà thôi. Sau thất bại tại JVC Cup, ông thẳng thừng đề nghi VFF phải tìm ra và phải kỷ luật cầu thủ bán độ, bán rẻ đội bóng. Một cuộc tìm kiếm và thanh trừng đã được vẽ ra. Chỉ một cái tên bị bắn là Vũ Như Thành. Loạt súng ấy giữ chân được Riedl cho dù là một HLV chuyên nghiệp, ông thừa hiểu rằng ai đá vì cái gì và tại sao cả một đường dây lại được làm lơ cho qua sau khi thí một trung vệ không vây cánh trong đội.
Mất người: Lần thứ 2 trong trận chung kết Việt Nam mất người. Cánh trái của Văn Trương được đắp bằng một cầu thủ mới chơi ở vị trí trung vệ. Quyết định này làm nhớ lại quyết định trong trận chung kết năm 98. Cũng từ vị trí đó Việt Nam thua bàn do sai sót cá nhân. Cái mất thứ hai là cú trả miếng của Quốc Vượng mà trước khi phạm lỗi, ai cũng thấy Vượng không còn kiềm chế nổi mình nữa rồi.
Mất Cup: Việt Nam lần thứ hai thua trên sân nhà và hàng loạt những lý do được phân tích. Một lần nữa lại có những dấu hỏi nêu quanh ông về năng lực chuyên môn trong những trận đấu lớn.