Bộ phim đánh dấu sự trở lại của Phi Phi Anh, người từng gây sốt trên sân khấu nhạc kịch Hà Nội đầu thập kỷ trước với những tác phẩm như Góc phố danh vọng hay Đêm hè sau cuối. Sự sáng tạo và hài hước, từng là điểm nhấn trong các vở kịch, nay được anh mang vào điện ảnh. Khán giả tự hỏi liệu Phi Phi Anh có thể tiếp tục chạm đến trái tim người xem qua màn ảnh rộng như anh từng rất thành công với nhạc kịch không.
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Minh Thấu, một "bậc thầy phong cách sống", thở ra là triết lý, dạy dỗ người ta phải sống thế này thế khác nhưng "số thầy thì để cho ruồi nó bâu". Chẳng hiểu vì lý do gì, Minh Thấu mắc nợ một khoản tiền lớn, bị giang hồ đem xăng đến tận cửa đe dọa, bất đắc dĩ phải tìm cách bỏ trốn.
Ekíp sáng tạo của "thầy" thế là tan đàn xẻ nghé, mọi người buộc phải đi tìm công việc mới, chỉ còn lại cô em gái kiêm trợ lý Minh Tinh quyết chí giúp anh thoát khỏi mớ bòng bong. Phim dẫn dắt người xem qua hành trình Minh Tinh lần tìm nguyên nhân nợ nần của anh trai mình thông qua ba thực tại giả lập do một tổ chức kỳ bí cung cấp.
Phim thú vị ngay từ cách chọn đề tài: những "life coach" tự xưng trên mạng xã hội, gần đây bỗng xuất hiện như nấm mọc sau mưa, luôn rình rập để sống ký gửi vào sự cả tin của một bộ phận công chúng muốn đi đường tắt để thành công. Khán giả thấy ở Minh Thấu những đặc điểm tiêu biểu của dạng người này: ăn mặc chải chuốt, đầu tóc bóng lộn, mở miệng ra là những lời đạo lý - vốn được tổng hợp từ dăm ba cuốn sách kỹ năng sống phổ thông. Anh sống nhờ kêu gọi tài trợ, livestream bán hàng, mở bán khoá học, thậm chí còn lợi dụng sự nổi tiếng để vay tiền người quen, bạn bè. Đằng sau hình ảnh "phông bạt" trên mạng xã hội, "anh thầy" Minh Thấu còn vướng vào cờ bạc, rượu chè, tà giáo và những cuộc tình đầy vụ lợi.
Tuy nhiên, Giải cứu anh thầy không chỉ có sự giễu nhại, châm biếm một dạng người, mà còn bộc lộ một góc nhìn sáng tạo và nhân văn của Phi Phi Anh dành cho người trẻ. Phi Phi Anh đã đặt ra một nan đề (Minh Thấu vỡ nợ bỏ trốn) và cho nhân vật Minh Tinh đi tìm một cốt truyện hợp lý để giải thích nan đề đó. Những chi tiết kỳ ảo không chỉ là một điểm nhấn sáng tạo, mà còn giúp khai thác sâu sắc hơn những khía cạnh tâm lý của nhân vật.
Minh Thấu hiện lên không chỉ như một "gã thầy đời" đáng chê cười, mà còn là một con người yếu đuối, lạc lối trong nỗ lực tìm kiếm mục tiêu đời mình. Trong một phân đoạn, Minh Thấu tuyệt vọng kêu lên "Lúc nào cũng chán đời, chả biết phải làm gì cho vui nên phải thử hết thứ này đến thứ khác". Đó không chỉ là chuyện của riêng Minh Thấu mà còn là thực tế của không ít người trẻ: khao khát thành công nhưng thiếu phương hướng.
Minh Tinh là người em gái hết lòng yêu thương anh trai, đến mức quên đi cuộc sống của chính mình, thế nhưng càng cố giúp, cô lại càng bế tắc. Bởi tình thương thừa định kiến, thiếu trí tuệ chỉ là thương hại và chỉ dẫn đến thất bại. Minh Tinh thấy anh vỡ nợ, không cần biết lý do tại sao, đã quy ngay về các nguyên nhân phổ biến như cá độ, rượu chè, gái gú. Tiếng là quyết tâm tìm hiểu sự thật, nhưng cô đã sẵn câu trả lời cho mình trước khi thực sự đi vào quá trình tìm kiếm.
Ba thực tại giả lập chính là ba phỏng đoán của cô về các vấn đề anh trai gặp phải. Trong thâm tâm Minh Tinh vẫn coi người anh như một kẻ rắc rối, chuyên gây họa, còn cô là người em gái đau khổ, có sứ mệnh giải cứu anh trai. Với một bảng "phân vai" trong tâm trí ngay từ đầu như thế, mọi nỗ lực của Minh Tinh đều không có kết quả. Phải đến khi Minh Tinh cố gắng tìm hiểu suy nghĩ của anh trai, thấy người anh "sa ngã" có những chỗ đáng thương thì công cuộc "cứu anh" mới lấp lóe hy vọng.
Giải cứu anh thầy cho thấy nỗ lực sáng tạo trong cách kể chuyện và góc nhìn của Phi Phi Anh, nhưng đồng thời cũng lộ rõ những nhược điểm của một tác phẩm đầu tay. Tiết tấu phim chưa tốt, những đoạn cần đẩy mạnh cảm xúc lại chưa đủ nhấn sâu. Dàn diễn viên không chuyên, dù có cố gắng, vẫn để lộ sự bỡ ngỡ, ngập ngừng trong diễn xuất.
Bù lại, bộ phim ghi điểm ở khâu kịch bản – một câu chuyện giàu ý tưởng và mang tính phản biện xã hội. Các đoạn hội thoại tự nhiên, dí dỏm nhưng cũng sâu sắc, phản ánh sự thấu hiểu của Phi Phi Anh đối với mối quan hệ trong gia đình và cả người trẻ. Một điểm sáng khác là sự lãng mạn, luôn đầy hy vọng được lồng ghép khéo léo qua từng chi tiết. Cái kết mở, gợi lên một khả năng "thực tại thứ tư" đẹp đẽ hơn, vừa là thông điệp nhân văn, vừa là lời khích lệ cho chính Phi Phi Anh và các nhà làm phim trẻ.
Giải cứu anh thầy là tác phẩm chào sân nhưng là một bước đi can đảm của Phi Phi Anh, dám thử nghiệm cách tiếp cận khác biệt. Bộ phim không chỉ gợi mở hy vọng cho nhân vật Minh Thấu và Minh Tinh, mà còn cho chính sự nghiệp của đạo diễn Phi Phi Anh. Bằng một tinh thần lãng mạn và sự kiên trì, giống như lời của nhân vật Minh Tinh trong phim: "Có những chuyện không ai tin, lại càng phải cố gắng", Phi Phi Anh sẽ mang đến những tác phẩm mới trong tương lai, góp thêm một tiếng nói có chất riêng vào điện ảnh Việt.
Nick M