Người Hà Nội hầu như không mấy người không biết tới phở Thìn Lò Đúc. Đây cũng là địa chỉ mà du khách từ nơi xa đến Hà Nội đều được khuyên nên ăn thử một lần. Không ít thương hiệu Việt được mang ra nước ngoài nhằm mở rộng kinh doanh hay quảng bá ẩm thực tuy nhiên để tạo nên một cơn sốt như phở Thìn mới mở ở Tokyo thì không nhiều. Ngày khai trương, dòng người xếp hàng trước quán kéo dài cả đoạn đường, 100 bát phở đầu tiên bán hết trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Sang ngày thứ 2, tiệm đã tăng số lượng lên gấp 1,5 lần vẫn hết sạch.
Chủ quán là anh Kenji Sumi, vì quá mê phở Thìn Hà Nội đã quyết định nghỉ việc văn phòng từ tháng 3/2016, quyết tâm mở một tiệm phở Thìn ở Tokyo. Anh mất 3 năm để học hỏi cách nấu và chuẩn bị cho cửa tiệm của mình. Kenji cho biết, có những ngày anh và cộng sự phải liên lạc với 40-50 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, rau củ để tìm nguyên liệu phù hợp, giống với nguyên bản nhất.
Để có thể tạo ra một tô phở vốn dĩ đã có bản sắc riêng không hề dễ dàng, mà duy trì nó còn khó hơn, nhất là tại một đất nước khác, khi các loại nguyên liệu không có sẵn và nhiều đầu bếp phải tìm loại rau quả tương tự thay thế. Do vậy, trước khi khai trương vài ngày, ông Thìn từ Việt Nam đã đích thân sang Nhật để kiểm tra nguyên liệu lần cuối. Ông còn truyền lại cách làm tương ớt gia truyền của mình, để có thể mang đến hương vị chỉn chu nhất có thể. Hành lá, thứ mấu chốt để hoàn thiện một tô phở Thìn chuẩn vị, được lấy từ một trang trại ở thành phố Asakura, tỉnh Fukuoka.
Cũng giống như "cửa hàng mẹ" ở Hà Nội, phở Thìn Tokyo chỉ bán độc nhất một món phở bò tái lăn. Điều làm nên sự khác biệt của tô phở giữa loạt các loại phở tái, nạm, gầu hay gân phổ biến ở Việt Nam là cách xào bò tái sao cho thịt bò vừa không bị dai, vừa không bị nhũn nát. Khi chảo dầu thật nóng thì cho tỏi, gừng và thịt bò tái mỏng vào, đảo thật đều và nhanh tay. Thịt bò chỉ được xào tái qua để không quá chín, tạo độ mềm, dễ nhai, sau đó cho thịt đã tái vào tô phở, rưới nước dùng lên trên và phải cho thật nhiều hành lá thì mới chuẩn vị. Đặc trưng chung của phở Việt là nước dùng đậm đà, khác với đa số các loại mì nước ở Nhật Bản thường có vị thanh, ít dầu mỡ. Nước phở Thìn ở Tokyo cũng vậy, được hầm bằng công thức riêng của ông Thìn suốt 8 tiếng đồng hồ với những gia vị truyền thống. Công thức này được duy trì suốt 45 năm nay, trải qua bao thế hệ đầu bếp nhưng vị vẫn không thay đổi. Lớp mỡ béo ngậy trên bề mặt, đồng thời là nguyên nhân khiến kẻ thích người chê phở Thìn do dễ gây ngấy.
Tô phở đúng điệu, đầy đủ hương vị phải thêm một trứng gà chần càng tăng vị béo, nêm nếm tương ớt cay ông Thìn, nước tương, nước mắm, tỏi ngâm giấm. Một thực khách chia sẻ, lý do anh mong chờ được nếm thử món này ở Tokyo dù không thích đồ ăn nhiều dầu mỡ do đây là một món nổi tiếng, nấu theo phong cách riêng mà bạn phải đến Hà Nội mới có thể thưởng thức được. Bên cạnh đó, để phở Thìn có thể hòa nhập cùng văn hóa ăn mì của người Nhật. Quản lý quán cho biết, họ hy vọng sẽ tạo ra thói quen ăn uống mới dựa trên phở như ăn phở vào bữa sáng, hay ăn phở sau khi đi nhậu thay ramen.
Giá một tô phở Tokyo là 840 yen (khoảng 175.000 đồng), tô lớn có thêm thêm thịt, giá thì 940 yen (gần 200.000 đồng). Ngoài ra, nếu gọi thêm rau mùi và trứng chần, khách đều phải trả số tiền lần lượt là 150 yen (khoảng 32.000 đồng) và 60 yen (khoảng 13.000 đồng). Quán mở cửa từ 11h đến 14h mỗi ngày, dự kiến sẽ kéo dài thời gian bán trong ngày hơn kể từ tháng 4.
Vi Yến