Riedl vẫn muốn gắn bó với châu Á. |
Sau khi rời Việt Nam, Riedl bắt đầu cuộc phiêu lưu mới tại Palestine sau sự chèo kéo của ông Taysir Barakat, một thương nhân Kuwait có dòng máu Palestine. Vốn đã nhiều năm sống và làm việc tại Marốc, Ai cập và Kuwait, Riedl chẳng còn xa lạ gì với thế giới Arập. Bị thuyết phục bởi con người của Barakat (ông ta có vẻ rất dễ mến và thực sự làm tôi tin tưởng vào dự án phát triển bóng đá của ông), Riedl nhanh chóng ký vào bản hợp đồng 2 năm làm HLV trưởng ĐTQG Palestine.
Quả thật, Barakat là một người đầy tham vọng. “Chúng tôi có một giấc mơ, làm sao để ĐTQG Palestine có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đội bóng trong thế giới Arập và châu Á. Nghĩ tới World Cup lúc này là hơi viển vông, nhưng với một HLV tuyệt vời như Riedl và những cầu thủ ở khắp nơi trên thế giới, chắc chắn người Palestine có thể tự hào về đội tuyển của họ”.
Mọi chuyện khởi đầu với Riedl còn đẹp hơn trong mơ, khi đội bóng của ông đè bẹp Đài Loan (8-0) và cầm chân Iraq (1-1) tại vòng loại World Cup 2006. Những thành công đến sớm tạo tiếng vang khắp nơi, nhất là trong bối cảnh, những vụ tự sát, tuyệt thực, đánh bom cảm tử, bạo động vẫn còn diễn ra hàng ngày trên mảnh đất này.
Mọi giấc mơ rồi cũng đến lúc kết thúc. Cuộc chiến giữa Israel và Palestine vẫn diễn ra, tác động đến mọi mặt của đời sống. Và bóng đá cũng không phải là ngoại lệ.
Những sân bóng bị tàn phá. Lệnh hạn chế di chuyển trong vùng đất do Israel kiểm soát cũng khiến các cầu thủ Palestine ở Bờ Tây và dải Gaza khó tập luyện cùng nhau hơn. Rồi còn nhiều, rất nhiều khó khăn khác nữa mà Riedl không thể hình dung ra khi mới đến nhận chức. “Tôi đã lường trước điều này từ trước khi tới đây. Với sự ủng hộ của LĐBĐ Palestine và ông Barakat, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ tốt dần lên. Nhưng tôi đã không hiểu hết được những nhân tố ngoại cảnh có thể gây rắc rối cho công việc của mình đến thế”.
Không có một giải VĐQG, không có nhiều cầu thủ, theo Bóng Đá, Riedl buộc phải làm một việc “lạ đời”: quảng cáo trên các phương tiện thông tin (trong đó có cả tạp chí Kicker của Đức) kêu gọi những cầu thủ có nguồn gốc Palestine từ khắp mọi nơi trên thế giới về khoác áo tuyển quốc gia. “Tôi không quan tâm họ từ đâu tới. Đức, Mỹ, Honduras… miễn là họ có dòng máu Palestine và chơi ở 2 hạng đấu cao nhất trong giải vô địch nước họ”.
Kết quả thu được khá mỹ mãn, khi một số cầu thủ từ Thuỵ Điển, Hy Lạp, Syria, Colombia, Lebanon, Chile đã đầu quân dưới trướng Riedl. Được sự ủng hộ tài chính của Barakat, đội quân của HLV Riedl đóng binh tại Ismailiya, cách Cairo (Ai Cập) 120 dặm về phía Bắc, trên kênh đào Suez. Tuy nhiên, việc nhiều cầu thủ bản địa không thể tham dự tập huấn tại đây do lệnh hạn chế di chuyển của Israel vẫn làm khó Riedl.
Và điều gì phải đến cũng đến. Những khó khăn đã giết chết giấc mơ của Riedl. Palestine của ông dễ dàng thua đậm Uzbekistan (0-3) tại Tashkent. Hy vọng ở vòng loại World Cup 2006 vậy là chấm dứt. Tệ hơn, nó còn được tiếp nối bằng thành tích thi đấu đầy thất vọng tại giải vô địch Tây Á (hoà Jordan, thua Iraq).
Đến tháng 8/2004. Riedl bắt đầu hoài nghi về triển vọng thành công của ĐT Palestine. Trước trận lượt về gặp Uzbekistan tại Doha, chỉ có 11 cầu thủ có mặt ở trại tấp huấn. 1 tuần sau đó, do nạn chấn thương, Riedl chỉ còn trong tay 6 cầu thủ. Hàng loạt cầu thủ sống ở Bờ Tây và dải Gaza không thể gia nhập trại tập huấn do lệnh cấm của Israel. Riedl cay đắng nhận ra: “Chiến tranh đã tàn phá bóng đá”.
Lời đề nghị hoãn trận đấu của Barakat bị làm ngơ và Palestine lại nhận thất bại nặng nề (0-3). Barakat, Riedl cùng những người cộng sự hiểu rằng hoài bão của mình mãi chỉ là giấc mơ.
Barakat nói: “Đó là quãng thời gian rất buồn. Tôi rất nể trọng Riedl. Các cầu thủ cũng vậy, bởi vì ông ấy còn hơn là một HLV đơn thuần. Riedl như một người cha của các tuyển thủ, họ sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc, cũng như nỗi buồn với ông. Đó thật là một nhân cách lớn nhưng có quá nhiều trở ngại. Không một HLV nào chấp nhận điều kiện làm việc như Riedl của chúng tôi. Tôi hiểu rằng, giấc mơ của mình đã chết”.
Cuối tháng 9/2004, Riedl chấm dứt hợp đồng với LĐBĐ Palestine trong sự thất vọng. Vẫn muốn quay ở lại châu Á, Riedl nhìn nhận lại quãng thời gian 9 tháng ở Palestine với con mắt thực tế hơn rất nhiều: “Có lẽ họ đã quá mơ mộng. Họ nghĩ rằng có thể dễ dàng đem lại nụ cười cho người Palestine. Tôi đã sống với cuộc chơi từ lâu và hiểu rằng, không có gì là dễ dàng cả”.