Có khả năng khi đổ xăng người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền. |
Theo các doanh nghiệp (DN), giá xăng 92 nhập từ Singapore ngày hôm qua (11/4) tiếp tục tăng do ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Với mặt bằng giá hiện tại, khoảng 76,5 USD/thùng, kinh doanh xăng trong nước đã lỗ khoảng 400-500 đồng/lít.
Nắm hơn 50% sản lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) lỗ khoảng 3 tỷ đồng/ngày từ mặt hàng xăng kể từ cuối tháng ba đến nay. Riêng khoản lỗ Nhà nước phải bù cho mặt hàng dầu của Petrolimex lên đến 20 tỷ đồng/ngày.
Lãnh đạo một DN cho biết, giá dầu thô thế giới hiện không vận động theo cung cầu thị trường mà theo sự biến động của tình hình chính trị thế giới, vì vậy rất khó đoán biết xu hướng giá để lên kế hoạch kinh doanh.
Theo các hãng tin nước ngoài, sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran đã làm dấy lên các lo ngại về nguồn cung của dầu trong thời gian tới, là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá dầu lên cao từ đầu tháng ba đến nay.
Theo Bộ Tài chính (BTC), mặt hàng xăng nhập từ Singapore đã tăng liên tục hơn 30 ngày qua, từ 65,85 USD/thùng lên hơn 76 USD/thùng ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là mức giá đạt được vào tháng 8/2005, khi BTC quyết định tăng giá xăng định hướng từ 8.800 đồng/lít lên 10.000 đồng/lít.
Các DN cho biết, động thái giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 5% xuống 0% ngày 5/4 vừa qua của BTC chỉ giúp DN giảm bớt lỗ mặt hàng xăng (khoảng 300 đồng/lít) chứ chưa thể giúp họ đảm bảo kinh doanh.
Còn theo đánh giá của Bộ Thương mại, thị trường xăng dầu thế giới trong tháng tư vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố có khả năng đẩy giá lên cao hơn nữa. Vấn đề đặt ra là khi nào BTC sẽ điều chỉnh giá bán lẻ?
Theo một quan chức của Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính), bộ đang theo sát biến động giá thế giới và các phương án về giá cũng đang được xem xét. “Chúng tôi vừa mới giảm thuế đấy thôi”, ông nói. Trước câu hỏi liệu giá bán lẻ xăng sẽ được điều chỉnh tăng, ông nói gọn: “Chắc chắn sẽ điều hành theo cơ chế 187”.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết cơ chế 187 (cơ chế điều hành thị trường xăng dầu theo quyết định 187 của Thủ tướng Chính phủ) dẫu chỉ được áp dụng một phần trong năm 2005 cũng đã có tác dụng khá tích cực đối với thị trường và hoạt động của các DN. Kết quả kinh doanh mặt hàng xăng của các DN đều có lãi, thị trường ổn định, người dân và nền kinh tế đều thích ứng được.
Năm 2005, tổng bù lỗ từ ngân sách nhà nước cho mặt hàng dầu hơn 10.000 tỷ đồng, vị chi mỗi ngày ngân sách vơi đi hơn 27,5 triệu đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc Nhà nước phải có một lộ trình rõ ràng để giảm bù lỗ dầu.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, Petrolimex cũng đã đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cơ chế điều hành theo hướng bù lỗ cho mặt hàng dầu ngày càng ít đi trong giai đoạn 2007-2008. Theo các DN, giá định hướng mặt hàng xăng RON 92 có hiệu lực cho đến nay vẫn là 10.000 đồng/lít. Tháng 11/2005, Chính phủ đã “thay mặt” DN để lần đầu tiên áp dụng giảm theo biên độ 5% xuống còn 9.500 đồng/lít.
Các DN cũng đang hi vọng trong đợt biến động giá lần này Nhà nước sẽ bắt đầu “thử nghiệm” quản lý thị trường xăng dầu theo giá định hướng thay vì trực tiếp can thiệp. Theo đó, việc thông báo tăng giá bán lẻ (nếu có, trong biên độ 10%) cho nhân dân biết sẽ do các DN làm thay vì các bộ chủ quản đứng ra thông báo như trước kia.
Sau khi điều chỉnh tăng, nếu giá dầu thế giới hạ trở lại, BTC sẽ tái áp thuế nhập khẩu và sau khi thuế được tính đủ, các DN sẽ được quyền giảm giá cho người tiêu dùng. Các DN hy vọng cơ chế điều hành thị trường theo lời hứa của BTC sẽ nhanh chóng được thực hiện.
(Theo Tuổi Trẻ)