Thị trường tự do, tỷ giá VND/USD từ cuối năm 2006 đến nay tăng 1,4%. |
Thị trường ngoại hối VN 8 tháng đầu năm có những diễn biến đáng chú ý. Tài chính quốc gia chịu áp lực xuất khẩu tăng chậm, nhập khẩu tăng cao, nhu cầu ngoại hối tăng. Dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tăng mạnh trong khi huy động vốn ngoại tệ khó khăn.
Khả năng đáp ứng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại không cao, thể hiện rõ nhất trong thời điểm đầu tháng 8. Một số ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước thiếu ngoại tệ để đáp ứng đầy đủ cho khách hàng. Có dấu hiệu doanh nghiệp "găm" giữ ngoại tệ.
Tỷ giá VND/USD liên tục theo xu hướng tăng với biên độ cao hơn cùng kỳ các năm trước. Giá USD trên thị trường tự do cao hơn tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng... Từ năm 2002 đến cuối năm 2006, tỷ giá VND/USD chỉ tăng từ 0,7-1%/năm.
Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đến những ngày đầu tháng 9 đã tăng 1,4% so với tỷ giá cuối năm 2006. Trong khi tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố cùng thời kỳ lại chỉ tăng 0,6%.
Với những chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố trong 8 tháng đầu năm nay, một số câu hỏi đang được đặt ra là: Có phải VND lâu nay có giá trị thấp hơn mức đang được sử dụng, giờ đã đến lúc dần bộc lộ. Tỷ lệ lạm phát khá cao có làm giảm giá trị thực của đồng tiền nội địa. Biện pháp giảm thuế nhập khẩu khiến nhu cầu USD để nhập khẩu tiếp tục tăng cao.
Việc Ngân hàng Nhà nước mua một lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại hối trong 6 tháng đầu năm có làm giảm lượng ngoại tệ trong lưu thông. Cầu về USD tăng có phải phản ánh dự đoán không sáng sủa của doanh nghiệp và dân cư về tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới... Những câu hỏi trên chỉ có các cơ quan chuyên môn mới có thể trả lời chính xác.
Khi VND giảm giá, các sản phẩm sản xuất trong nước sẽ rẻ hơn một cách tương đối so với những sản phẩm sản xuất ở nước ngoài. Ngược lại doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải tính toán lượng hàng nhập vì phải mua bằng ngoại tệ.
Những người gửi tiết kiệm nội tệ, những doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ cũng sẽ là những người bị thiệt hại khi tiền đồng mất giá. Lãi suất vay bằng ngoại tệ chỉ có lợi khi tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 1%/năm như mấy năm qua. Lãi suất vay này sẽ bất lợi khi tỷ giá tăng, nhất là đối với những khoản vay phải mua USD để trả nợ ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói, từ trước đến nay chủ yếu các doanh nghiệp lớn, các dự án mới vay USD nhiều. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân ít dám vay ngoại tệ vì họ không có khả năng dự kiến được diễn biến của tỉ giá, họ rất sợ rủi ro".
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng khi mà các doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ. Tỷ giá VND/USD nếu tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm nhiều khả năng sẽ dẫn đến tăng lãi suất VND (để hạn chế việc chuyển đổi từ VND sang USD). Các ngân hàng thương mại sẽ căng thẳng trong việc đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng. Vì vậy, thay vì phải mua ngoại tệ do các ngân hàng thương mại bán, thì nay Ngân hàng Nhà nước chủ yếu sẽ phải xem xét bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá hối đoái là một công cụ hỗ trợ quan trọng cho điều hành Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. VN đang áp dụng chế độ quản lý ghìm giá từ từ và biên độ dao động. Biểu hiện là Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố tỉ giá bình quân thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với biện độ 5% (trước đây là 3%). Phương thức này tốt khi lạm phát thấp và tỷ giá tương đối ổn định, nhưng sẽ bộc lộ những bất cập trong bối cảnh lạm phát cao.
Những biện pháp quản lý liên tục được đưa ra trong thời gian qua cho thấy có lẽ Ngân hàng Nhà nước đã lường trước những vấn đề có khả năng diễn ra của thị trường ngoại hối VN.
Trong nội dung chỉ đạo tại cuộc họp giao ban tín dụng tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói sẽ điều hành tỷ giá ở mức thích hợp, có lợi cho xuất khẩu. Ngân hàng cũng đã thông báo sẽ bán ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu để ổn định tỷ giá.
Với tỷ giá như hiện nay và mức dự trữ ngoại hối đang có, chắc Ngân hàng Nhà nước chưa có sự can thiệp mạnh. Tuy nhiên, để tránh những diễn biến có thể dẫn đến khủng hoảng ngoại hối cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình tài khoản vãng lai, cán cân thương mại, thực trạng của hệ thống ngân hàng... để kịp thời đưa ra những biện pháp cần thiết.
Điều quan trọng nhất là phải chứng tỏ và giữ được niềm tin của thị trường đối với khả năng điều hành Chính sách tiền tệ và hiệu quả can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Có như vậy, mục tiêu điều hành tỷ giá của Ngân hàng mới đạt được hiệu quả như mong đợi.
(Theo Lao Động)