Thống đốc Lê Đức Thúy cho rằng giá trị của đồng tiền được xét trên hai phương diện: giá trị đối nội và giá trị đối ngoại.
Giá trị đối nội là sức mua của đồng tiền đối với hàng hoá, dịch vụ trên thị trường trong nước (thường được đánh giá thông qua sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng CPI); giá trị đối ngoại là giá trị của đồng tiền đó so với đồng tiền của các quốc gia khác và được biểu thị thông qua tỷ giá hối đoái.
Về giá trị đối ngoại, giá trị VND thường được đặt trong quan hệ với đồng đô la Mỹ (USD), khi đồng tiền này chiếm khoảng 80% lượng thanh toán xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2005, tỷ giá VND/USD tiếp tục một năm ổn định. Mức tăng tỷ giá nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (dưới 1%). Đây là năm thứ hai liên tiếp VND tiếp tục duy trì giá trị xét về vị thế đối ngoại.
Theo tỷ giá hạch toán công bố hàng tháng của Bộ Tài chính, tỷ giá VND/USD năm 2005 tăng 0,83%. Theo tỷ giá trên thị trường tự do, tỷ lệ tăng này là 0,85%. Theo tỷ giá công bố hàng tháng của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng là 0,82%. Những tỷ lệ này loại trừ khả năng biến động đột biến (khó xẩy ra) trong một tuần còn lại của năm.
Và theo những mức tăng trên, có thể khẳng định rằng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện được phương châm tỷ giá “đảm bảo ổn định tương đối, không tạo nên những bất lợi cho nền kinh tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu” đưa ra từ đầu năm.
Ngoài ra, giá trị đối ngoại của VND tiếp tục được duy trì khi đặt trong tương quan với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như đồng euro, bảng Anh, yên Nhật…
Về sự ổn định này, không thể phủ nhận “công lao” của Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo thuận lợi cho cả xuất khẩu và cả nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh vay nợ nước ngoài của Việt Nam, cũng như nhập siêu cao.
Một giá trị đối ngoại khác là khi tỷ giá ổn định sẽ tạo tâm lý thuận lợi, một cái nhìn thuận lợi về môi trường đầu tư ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng, về giá trị đối nội, chỉ số giá (CPI) năm 2005 tăng tới 8,4%, sức mua của VND đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước rõ ràng là đã giảm mạnh. Từ đây, có thể khẳng định rằng: Giá trị VND tiếp tục lệch, nhất là khi CPI tăng mạnh trong những năm qua.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng (trong báo cáo tháng 10 vừa qua) chính sách tiền tệ không phải là nguyên nhân chính trong tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ!
Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ số CPI tăng cao chủ yếu do giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô thế giới, giá các mặt hàng nhập khẩu, tiền lương… tăng chứ không phải là nhân tố tiền tệ.
Tuy nhiên, cách hiểu phổ biến trên thế giới về một mục tiêu cơ bản của Ngân hàng Trung ương (ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò này) là kiểm soát giá cả trên thị trường, cũng như những can thiệt mang tính chi phối, “nắn dòng”.
(Theo Vneconomy)