Trước khi Covid-19 bùng phát, chỉ cần câu được một kg mực tươi mỗi ngày, những ngư dân Thái Lan như Wisut Boonnak đã đủ sống. Nhưng hiện giá mực giảm một nửa, ông Wisut không còn ra khơi thường xuyên nữa mà dành phần lớn thời gian làm việc ở làng.
"Giá giảm mạnh chưa từng thấy", ông Wisut, ngư dân 40 năm kinh nghiệm ở vùng biển miền nam Thái Lan, than thở. "Giờ rất ít người tới mua hàng do xuất khẩu lao dốc". Trước đây Wisut ra khơi hàng ngày để đánh bắt mực và cá thu nhưng hiện mỗi tuần ông chỉ thực hiện một hoặc hai chuyến.
Ngành công nghiệp hải sản toàn cầu có quy mô hàng trăm tỷ USD đang lao dốc. Từ ngư dân đánh bắt tôm hùm ở Bắc Mỹ tới người nuôi cá hồi tại Na Uy hay nhà chế biến thủy sản ở Việt Nam, tất cả đều chịu thiệt hại khi vô số nhà hàng đóng cửa vì Covid-19. Chuỗi cung ứng toàn cầu tê liệt, hải sản nuôi hoặc đánh bắt tự nhiên, còn tươi hay đã qua chế biến, đều chịu tác động nặng nề.
"Nhu cầu tiêu thụ hải sản đang giảm mạnh, khách hàng ngày càng ít đi. Mọi người xem đây là thực phẩm đắt tiền và không thiết yếu", Mongkol Sukcharoenkana, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Thái Lan, nhận định. Thái Lan là một trong những quốc gia xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới.
Ở Australia, chợ cá Sydney, một trong những chợ hải sản lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng ảm đạm trong kỳ nghỉ Lễ phục sinh năm nay. Trước khi Covid-19 bùng nổ khu chợ này không chỉ là nơi cung ứng sản phẩm tươi sống cho các nhà hàng mà còn là điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên hiện chợ đã giới hạn số lượng người ra vào và kiểm tra nhiệt độ bên ngoài cổng.
"Rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn", bà Julian Harrington, CEO Hội đồng Công nghiệp Hải sản Tasmania, bang sản xuất hải sản lớn nhất Australia cho biết. "Chúng tôi lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ hải sản sẽ biến mất". Để giảm bớt áp lực, chính phủ đã hỗ trợ các máy bay vận chuyển tôm hùm và các sản phẩm khác ra thị trường nước ngoài.
Ở Nhật Bản, khách du lịch giảm mạnh khiến các nhà hàng và khách sạn vắng ngắt. Nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản đắt đỏ như nhím biển và cua cũng sụt giảm mạnh. Ở Hokkaido, nhiều nhà cung cấp phải tổ chức các buổi bán hàng khẩn cấp do nguồn cung dư thừa.
Trong khi đó, nguồn cung tôm hùm ứ đọng khiến giá mặt hàng này lao dốc tại Bắc Mỹ. Cá hồi tại Na Uy cũng chịu chung số phận. Tại Việt Nam, xuất khẩu của các công ty hải cũng sụt giảm 35-50% kể từ đầu năm.
Điểm sáng duy nhất của ngành hải sản là nhu cầu cá đóng hộp tăng vọt. Giá cổ phiếu của Thai Union Group Pcl, công ty sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới tăng mạnh trong tháng qua khi người tiêu dùng đổ xô mua dự trữ thực phẩm thiết yếu. Nhưng theo theo ngân hàng Ayudhya Pcl dự đoán, nhu cầu với mặt hàng này được dự báo sẽ đi xuống trong quý II khi nhu cầu tích trữ giảm.
"Nhu cầu từ ngành dịch vụ thực phẩm đang giảm mạnh, nhưng chúng tôi vẫn nhận được đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ ở Mỹ", ông Poj Aramwattananont, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan, cho biết.
Theo ông Poj nhu cầu tiêu thụ một số loại hải sản đắt tiền như tôm hùm hay sò điệp lao dốc vì các nhà hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên nhu cầu về những loại hải sản phổ biến, giá rẻ như cá phi lê vẫn còn vì người dân các nước nấu ăn ở nhà.
Trở lại miền nam Thái Lan, ông Wisut cũng như nhiều ngư dân khác đang dành phần lớn thời gian rảnh để giúp chính quyền địa phương thực hiện lệnh giới nghiêm và các biện pháp phong tỏa phòng chống Covid-19. "Chúng tôi không thể làm gì hơn nhưng phải thích nghi thôi. Chúng tôi phải sống sót giai đoạn này", ông Wisut chia sẻ.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)