Hiện giá thịt lợn (thăn, mông sấn, nạc vai) đã nhích thêm từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg; các quầy bán thịt bò dù “đội” thêm từ 5-10 nghìn đồng/kg nhưng chiều nào cũng hết “sạch sành sanh” từ rất sớm.
Các chợ: Hàng Bè, Hôm, 19/12... ở Hà Nội không còn thấy bóng một hàng thịt gia cầm nào. Theo ban quản lý các chợ, dù cho đến tận 15/11 theo quyết định của UBND thành phố các chợ mới phải ngừng kinh doanh và giết mổ gia cầm sống nhưng trước tâm lý đằng nào cũng phải thôi trong khi lại chẳng có mấy người dám ăn thịt gà nữa nên các hộ đều bảo nhau... dừng.
Cửa hàng Tố Lan của bà tổ trưởng Nguyễn Thị Tố tổ kinh doanh gia cầm chợ Hàng Bè, (chuyên bán các loại gia cầm gà - vịt - ngan - chim câu – thỏ quá quen tên với dân phố cổ vài chục năm nay) thấy chỉ lèo tèo dăm con thỏ.
Theo chị Lan chủ quầy hàng (con gái bà Tố), việc bán thỏ cũng chỉ nhằm cầm chừng để khách không quên nhà hàng, chứ với giá 80 nghìn đồng/kg cộng với tâm lý chưa quen lắm với món thịt này, số thỏ bán được không quá 5 con/ngày.
11 quầy gia cầm của chợ Hàng Bè đã nghỉ hết. Chị Lan tiên liệu: Đại dịch năm nay có lẽ sẽ khiến giới buôn gia cầm Thủ đô phải “ăn chơi” hết nửa năm (so với 2 tháng rưỡi tầm này năm ngoái).
Nghe thông tin phụ trách một số siêu thị lớn như Metro, Big C... sẽ nhập khẩu gà tây để phục vụ người tiêu dùng, chị Lan quả quyết: “Nếu gà Tây các siêu thị nhập về mà tiêu thụ được thì các hộ kinh doanh chợ cũng sẵn sàng tiến hành thủ tục xin nhập. Chỉ sợ ngay cả gà tây người tiêu dùng vẫn chẳng thèm... ăn”.
Không gà, ngan, vịt, ngỗng... các đám cưới, tiệc lớn của Hà thành nay đã thay gà luộc, canh măng ngan, chim quay bằng những thứ chế biến từ: thịt bò, hải sản hay lợn (món tràng luộc).
Giá các loại thực phẩm này có đắt lên nhiều không? Chị Hà, chủ một quán ăn trên đường Mai Hắc Đế xót ruột: “Đi chợ, chỉ trừ có giá rau là giảm chút ít (do nguồn hàng cung cấp dồi dào khi rau vụ đông đã cho thu hoạch nhiều hơn), còn lại các thực phẩm như thịt bò, tràng lợn, tôm, cá tươi, hải sản đều tăng 5-10%”.
(Giá hải sản tăng ngoài do nhu cầu thị trường tăng còn bởi dự báo: thời gian tới nhu cầu xuất khẩu hải sản như tôm, cá basa của Việt Nam sẽ tăng mạnh).
Chị Loan, kinh doanh thịt bò lâu năm tại chợ Gốc Đề (Minh Khai) cho biết: ở các làng quê, các tỉnh miền núi, cánh “lái trâu” đang ráo riết tung quân đi lùng mua trữ càng nhiều hàng càng tốt.
Bằng kinh nghiệm lâu năm, giới buôn (cả lợn lẫn trâu bò, ngựa) đều đang tiên liệu: “Đại dịch cúm gia cầm mà kéo dài đến Tết, giá thịt bò, thịt lợn sẽ tăng lên ít nhất là gấp rưỡi, nhiều nhất gấp đôi”.
Nhu cầu tiêu dùng đã và sẽ tăng mạnh từ nay đến Tết. Làm thế nào để không xảy ra tình trạng khan hiếm và sốt giá các nguồn hàng thực phẩm tươi sống cho người dân Thủ đô?
Chưa lên một kế hoạch cụ thể vì còn cần thêm thời gian nghe ngóng nhưng một số siêu thị lớn (không muốn nêu tên) cũng đã bật mí: Có thể họ sẽ lên cả kế hoạch nhập khẩu thịt bò, thịt lợn ngoại nếu như thị trường trong nước không đủ đáp ứng.
Sở Thương mại Hà Nội cho hay: Đang nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Bộ Thương mại đảm bảo đủ nguồn hàng và các thực phẩm thay thế thịt gia cầm cho người dân hiện tại cũng như trong dịp Tết.
Trong khi giá tại các siêu thị vẫn ổn định so với tuần qua thì tại các chợ bán buôn và bán lẻ trên địa bàn TP HCM, tình trạng tăng giá xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giá rau xanh tăng nhẹ 3-4%. Giá xà lách búp 5.000-6.500 đồng/kg, xà lách lụa 6.000-7.500 đồng/kg, cải ngọt 3.000-3.500 đồng/kg, cải bẹ xanh 3.000-4.000 đồng/kg; dưa leo 2.500-3.000 đồng/kg. Khổ qua (mướp đắng) 5.000-6.000 đồng/kg.
Nhóm mặt hàng tăng “chóng mặt” nhất là thịt gia súc và thủy sản - những mặt hàng thay thế kể từ khi UBND TP HCM cấm lưu thông, mua bán, tiêu thụ các loại thịt gia cầm.
Theo khảo sát của chúng tôi, trong khi giá heo hơi vẫn ở mức 18-20 nghìn đồng/kg (loại trên 100 kg/con) thì tại chợ thịt Phạm Văn Hai, giá thịt heo nạc ở mức 35-45 nghìn đồng/kg tùy loại, thịt bò (loại ngon) 75-80 nghìn đồng/kg.
Giá bán lẻ tại các chợ còn cao hơn. Tại chợ Bà Chiểu, giá thịt heo tăng khoảng 5-7%. Giá thịt heo đùi là 42 nghìn đồng/kg, thịt ba rọi 35 nghìn đồng/kg. Giá thịt bò tại chợ Bà Chiểu cao hơn so với giá bán buôn 5-7 nghìn đồng/kg và cao hơn 7% so với giá bán tuần trước.
Trong khi đó, tại chợ Gò Vấp, giá có “mềm” hơn chút đỉnh nhưng vẫn tăng so với tuần trước từ 4 đến 5%.
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, tháng 11 sức mua xã hội sẽ tăng cao hơn, chi phí đầu vào của hầu hết các nhóm hàng đều tăng, lượng tiền mặt vào lưu thông lớn... sẽ tác động mạnh đến thị trường hàng hóa.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 có thể sẽ tăng khoảng 0,4-0,5%. PGS,TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả Bộ tài chính đã nhận định: “Do gia cầm chiếm 1/3 nguồn thực phẩm của cả nước, nên việc thiếu hụt nguồn thực phẩm chắc chắn xảy ra”.
Tuy nhiên, ông Long cũng nhấn mạnh: “Việc thiếu hụt đến mức độ mất cân đối nghiêm trọng khiến Nhà nước phải nhập khẩu các nguồn hàng này (như năm 2004) là khả năng hãn hữu”.
Tình trạng giá tăng không đều, mạnh ai nấy tăng đang dần trở nên phổ biến. Một bó rau giá 2.000-3.000 đồng hay một kg cá biển giá 25.000-30.000 đồng nhưng tại các chợ bán lẻ ở TP HCM, mức chênh lệch lần lượt mà người tiêu dùng phải trả có thể lên tới 1.000 đồng/kg (50%), 1.500 đồng/kg đậu (20%) hoặc 3.000 đồng/kg cá.
Chợ Bà Chiểu và chợ Thanh Đa cùng thuộc quận Bình Thạnh nhưng giá mỗi chợ mỗi khác. Giá thịt heo, thịt bò tại chợ Thanh Đa chỉ tăng 2.000-3.500 đồng/kg nhưng cũng loại thịt đó, giá bán tại chợ Bà Chiểu lại tăng 2.500-5.000 đồng/kg.
Giá tăng cao, đương nhiên người tiêu dùng điều chỉnh chi tiêu. Doanh số bán ra trong ngày tại các chợ cũng giảm.
Bán giá cao ít người mua, bán hạ giá để kéo khách trở lại thì lỗ, cách tốt nhất là gian lận bằng cách đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng. Nhiều người còn điều chỉnh cân đồng hồ để bán thiếu cho khách với giá mềm hơn.
Chị Bùi Thị Thu Phượng, một chủ vựa rau quả ở chợ đầu mối Thủ Đức khẳng định: “Mục tiêu hàng đầu của người bán là lợi nhuận, không ai chấp nhận bán rẻ để lỗ vốn. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng".
Thà mua đắt một chút nhưng đúng trọng lượng, đảm bảo chất lượng hơn là ham rẻ mua phải những loại hàng hóa kém chất lượng hoặc không đủ trọng lượng như người bán cam kết, thiệt thòi đôi khi còn cao hơn rất nhiều.
Cẩn thận với các món ăn làm từ thịt gà không rõ nguồn gốc Khuyến cáo này được phát ra từ chính giới buôn gia cầm. Bởi theo họ đứng trước giá gà đang rẻ như... cho (khoảng 8-10 nghìn đồng/con gà thịt) tại các tỉnh miền Bắc, rất nhiều hộ kinh doanh đã hám lời mua những con gà không qua kiểm dịch về để chế biến làm nhân hay nguyên liệu cho các món ăn khác. Tuy chưa được kiểm chứng xác thực nhưng nghe nhiều người đang rỉ tai nhau: Nhiều chủ hàng đã “pha” thịt gà vào nhân bánh giò, chả hay ruốc lợn. Cùng đó, tại các chợ ngoại thành, trứng gia cầm, trứng chim cút vẫn được bày bán với giá rất rẻ (500-800 đồng/quả trứng vịt hoặc gà). Trong khi trứng gia cầm cũng là một thành phần làm thành nhân bánh bao. |
(Theo Tiền Phong)