![]() |
Nhiều bà nội trợ cân nhắc khi mua mặt hàng thủy sản. |
Trong hoàn cảnh “giá tăng - lương tóp” hiện nay, việc tính toán chi tiêu hằng ngày là gánh nặng đối với nhiều gia đình. Ở góc độ vĩ mô, mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm thấp hơn tăng trưởng kinh tế 8,5% trở nên rất khó khăn.
Ghi nhận cho thấy, chỉ khoảng hơn tháng nay, gần như hàng quán nào ở TP HCM cũng điều chỉnh giá, ít thì tăng 1.000-2.000 đồng, nhiều thì đến 5.000-10.000 đồng/món. Hàng quán càng sang trọng, giá càng tăng cao. Anh T., giám đốc một doanh nghiệp tư nhân nhà ở Gò Vấp, nói như đùa: “Trước đây, 1 tô phở tái-bắp-chín của phở 24 chỉ 32.000 đồng, nay là 40.000 đồng. Bánh cuốn ở Lý Tự Trọng 30.000 đồng/đĩa, tôi ăn 5 đĩa vẫn chưa thấy no. Nghĩ lại thấy quá tốn kém”.
Anh Võ Đức Khanh, Phó giám đốc Co.opMart Phú Lâm, cho biết: “Ở những nơi có thương hiệu như phở 24, phở Hòa, bíp-tết Nam Sơn, cơm tấm Thuận Kiều, quán ăn Nam Phát, Nam Long, bánh mì tươi, các cửa hàng KFC, Lotteria... giá tiền cho một phần ăn luôn dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng. Các món thông dụng như phở, hủ tiếu mì, hủ tiếu nam vang, bánh canh cua, bún bò Huế... ở hàng quán bình dân cũng từ 12.000 đồng lên 18.000 đồng/tô. Trước đây, một phần bún riêu, hủ tiếu cho em bé ăn chỉ 3.000 đồng nhưng nay phải mua 5.000 đồng thì họ mới bán. Ngay cả món bình dân nhất là xôi và bánh mì cũng tăng giá theo... thời cuộc”. Chỉ riêng tiền ăn sáng, mỗi tháng gia đình anh chi thêm ít nhất 300.000 đồng.
Giữa muôn trùng vây giá cả, nhiều gia đình đã chuyển dần từ ăn hàng quán về... cơm nhà. Chị Mai, làm việc tại một cơ quan Nhà nước ở quận 3, cho biết thời gian gần đây, chị toàn cho chồng con ăn tại nhà vì ăn tiệm quá tốn kém. Mỗi tuần chị đi chợ 1 lần, sáng dậy sớm làm đồ ăn sáng, nấu cơm sẵn; trưa, chiều về ăn. “Khá vất vả nhưng nhờ vậy tiền ăn hằng tháng giảm được 400.000-500.000 đồng”, chị Mai nói.
Tuy nhiên, đó là đối với những người có điều kiện kinh tế ổn định. Riêng công nhân, dân lao động nghèo thì phải chấp nhận trôi nổi theo giá thị trường. Thu nhập mỗi tháng chỉ được 650.000-900.000 đồng, tháng nào tăng ca hoặc làm đêm được 1,2-1,5 triệu đồng. “Đầu tháng lãnh lương tụi em còn ăn hủ tiếu, bún riêu 5.000-7.000 đồng/tô chứ thường thì ăn xôi, hoặc bánh mì. Có bạn tiết kiệm tiền, nhịn ăn sáng, trưa ăn ở công ty, chiều tranh thủ tăng ca để được ăn nhẹ hoặc ăn mì gói trừ cơm. Đi chợ nấu ăn toàn mua rau; thịt, cá thì mua hàng “dạt” rẻ tiền... Làm cực, ăn uống kham khổ vậy nên mất sức, xỉu trong giờ làm việc là chuyện thường!”, Hoàng Ly, công nhân Khu Công nghiệp Tân Bình, nói.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát gặp khó khăn Một loạt nguyên nhân mà các cơ quan hữu trách cho là “bất khả kháng” khiến CPI tháng 7 tiếp tục bùng nổ đi chệch quy luật tăng giá hằng năm và vượt xa dự đoán giá của các chuyên gia. Sáu tháng đầu năm, khi chỉ số giá lên đến 5,2%, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã lo ngại, “quota” cho CPI trong những tháng cuối năm chỉ còn 2,8%. Bình quân mỗi tháng cuối năm chỉ được phép tăng 0,45% thì mới kiềm chế được CPI dưới 8%. Tuy nhiên, CPI tháng 7 đã “vượt rào” tăng lên 0,94% so với tháng 6. Một quan chức của Bộ thương mại cho rằng, tốc độ tăng CPI thời gian vừa qua sẽ làm cho mục tiêu kiềm chế CPI cả năm thấp hơn tăng trưởng kinh tế 8,5% trở nên rất khó khăn. Theo phân tích của Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, tác động chính khiến CPI tăng “phi mã” là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao (trong tháng 7 đã tăng 1,59%. Trong đó, mặt hàng thực phẩm, rau quả... đã tăng tới 2,29% so với tháng trước, và tăng tới 9,78% so với thời điểm cuối năm 2006...). Đây là hậu quả của việc dịch bệnh trên đàn gia cầm và gia súc ngày càng lan rộng, giá những mặt hàng thực phẩm bị đẩy lên cao. Theo dự báo của tổ điều hành thị trường trong nước, các tháng 8 và 9, các mặt hàng có khả năng tăng giá cao nhất sẽ là sách vở, văn phòng phẩm, gạo, thực phẩm và dịch vụ ăn uống, du lịch. Trong đó, nhóm hàng lương thực và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, dịch bệnh ở heo... có khả năng khan hiếm nguồn cung thực phẩm trên thị trường. Xác định rõ việc CPI tăng “phi mã” do giá lương thực thực phẩm tăng cao, nên để giảm chỉ số giá của nhóm hàng hóa này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc dập tắt dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng phải được coi là yêu cầu số 1. Về chính sách tài chính, Bộ tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách. Bãi bỏ các loại phí bất hợp lý trong sản xuất, kinh doanh và xem xét điều chỉnh hợp lý công cụ thuế... |
(Theo Người Lao Động)