Là giảng viên tiếng Anh và giảng dạy bộ môn tiếng Anh Du lịch, anh Nguyễn Ngọc Lâm (Phó trưởng khoa Đào tạo Đại cương, trường Đại học Hà Nội) sở hữu "gia tài" đáng nể là những chuyến đi thú vị, mang lại nhiều kinh nghiệm sống để chia sẻ với sinh viên. 15 năm phiêu bạt, kinh nghiệm mà thầy giáo 38 tuổi này có được không chỉ để phục vụ công việc mà còn là niềm đam mê bất tận.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của thầy Lâm là vào năm 2000 khi vừa tốt nghiệp đại học, với hộ chiếu trắng trơn và chưa có công việc ổn định. Anh Lâm nhớ lại: "Tôi là con út trong gia đình, luôn được bảo bọc, đến khi ra trường mới thấy mình còn non nớt trước cuộc đời. Rồi một ngày tôi nhận ra cần phải thay đổi, chỉ có cách tự bươn chải bằng những chuyến đi mới khiến kinh nghiệm sống trong tôi dày thêm. Khi bắt đầu xin visa vào Anh, mọi người đều cược rằng 100% tôi sẽ trượt. Nhưng bằng sự tự tin và trung thực khi phỏng vấn, tôi đã giành được cơ hội đầu tiên trong đời. Đó là một cảm giác sung sướng không thể tả".
Khi đó, việc này được ví như một kỳ tích bởi Anh là quốc gia khá khắt khe với khách du lịch. Anh Lâm đã được cấp thị thực ra vào quốc gia này nhiều lần trong vòng 6 tháng và không phải trình diện tại Đại sứ quán sau khi về như nhiều trường hợp khác. Từ chuyến đi định mệnh đó, đam mê du lịch đã thôi thúc anh "dịch chuyển" không ngừng, mở ra chặng đường khám phá 55 quốc gia rất đáng nể sau này, khiến ai nghe qua cũng trầm trồ thán phục.
Anh Lâm chia sẻ, một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của mình là Mông Cổ, sống trong lều của người dân địa phương. “Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, căn lều trơ trọi giữa thảo nguyên lộng gió, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn. Trong gần một tháng lang bạt, tóc tôi có dấu hiệu bị rụng, các đầu móng tay chuyển sang màu trắng do khẩu phần ăn ở đây không có rau, thường chỉ có sữa và các loại đồ khô. Giao thông ở đây không phát triển, phần lớn diện tích quốc gia này là sa mạc và thảo nguyên, phương tiện di chuyển chính là lạc đà và ngựa. Khó khăn là vậy nhưng với tôi, chẳng có chuyến đi nào là không đáng giá", thầy giáo nhớ lại.
Ngay cả những nơi nguy hiểm, thường xuyên có chiến sự như vùng Trung Đông Israel - Palestine, Bắc Triều Tiên hay Myanmar thời kỳ còn đóng cửa với quốc tế, cũng đã in dấu chân thầy giáo U40 tâm huyết với nghề. Anh nói đùa rằng, mình có duyên với những biến động bất ổn của thời cuộc. Năm 2011, anh từng có mặt ở tòa nhà bị đánh bom tại thủ đô Oslo, Na Uy đúng một ngày trước vụ khủng bố đẫm máu. Hay như vụ khủng bố ga tàu điện ngầm chấn động Moscow năm 2010, anh Lâm cũng có mặt ngay sau đó một ngày, chứng kiến nỗi sợ hãi, hoang mang của người dân thành phố mỗi khi ra đường hay cảm nhận không khí căng thẳng tới nghẹt thở khi cảnh sát đứng đầy các con phố, siết chặt an ninh.
Trận động đất ở Christchurch (New Zealand) năm 2011 đánh gục cả một thành phố cũng để lại trong anh những ấn tượng sâu đậm. Đó là một khung cảnh hoang tàn trong đống đổ nát, không khí bi thương bao trùm, khiến những ai có mặt ở đó không thể nào quên. Mỗi chuyến đi lại khiến thầy giáo trẻ thêm đồng cảm với những số phận con người ở khắp mọi nơi trên thế giới, dù ở màu da, sắc tộc nào, đứng trước chiến tranh hay thiên tai, chúng ta đều rất nhỏ bé.
Không du lịch theo kiểu "check in", anh Lâm thường kết hợp với các hoạt động như giao lưu giảng dạy hay luôn tận dụng cơ hội để kết bạn với người dân địa phương, tìm hiểu văn hóa và lối sống ở từng nơi đi qua. Và trên chặng đường rong ruổi, anh Lâm đã gặp không ít người bạn tri kỷ đặc biệt.
Trong đó phải kể đến một vị luật sư người Đức tên là Uli. Tình cờ quen nhau qua một người bạn và thân thiết với nhau bởi sở thích nghe nhạc kịch, anh Lâm và Uli cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với thể loại âm nhạc kén người nghe này. Có lần, tình cờ biết anh rất mê một vở nhạc kịch, ông Uli và con trai đã bay sang tận London để mua giúp chiếc đĩa và xin chữ ký diễn viên rồi gửi về tặng anh. Rồi một năm sau đó, đích thân bố con ông đã đưa anh sang London để tận mắt chứng kiến kinh đô của nhạc kịch. Mỗi khi có bạn bè hay người thân của anh Lâm ngỏ lời muốn đi châu Âu, ông Uli lại nhiệt tình giúp đỡ, hay thậm chí là sẵn lòng viết thư mời.
Nhưng người mà anh Lâm cảm động nhất là vị hiệu trưởng giàu có nhưng rất đỗi giản dị ở Phần Lan tên là Tapani. Hai người quen nhau khi ông Tapani sang Việt Nam làm từ thiện, sau đó ít lâu, anh Lâm cũng có dịp ghé thăm ngôi làng nơi gia đình ông sinh sống. "Tôi từng đi nhiều nơi và hàm ơn nhiều người nhưng có lẽ Tapani là người khiến tôi cảm động nhất", anh chia sẻ.
Đó là dịp hôn lễ của anh Lâm, chú rể chỉ post một tấm ảnh chụp thiệp cưới lên Facebook cho bạn bè ở nước ngoài biết thông tin. Vậy mà ông Tapani đã theo dõi và lặng lẽ đặt vé về Việt Nam ngay trước đám cưới vài giờ. Ông cẩn thận đến đám cưới từ rất sớm gây bất ngờ cho anh. "Không chỉ thế, ông ấy biết phong tục ở Việt Nam là mừng tiền trong ngày cưới nên đã mang tới cho tôi một phong bì tiền với nhiều mệnh giá và thân phận khác nhau. Đó là những đồng tiền cũ, quăn mép của những người già trong ngôi làng ông sống - những người mà trước đó chỉ mới gặp tôi vài lần. Ông đã đi khắp làng để báo tin vui rằng Lâm sắp lập gia đình, ai cũng mừng cho tôi, mỗi người gửi tặng một tờ tiền may mắn, đó có thể là đồng tiền tiết kiệm của những cụ già hay tờ tiền đã qua tay nhiều người của cửa hàng tạp hóa nhỏ trong làng. Tới giờ khi kể lại tôi vẫn xúc động bởi tấm lòng chân thành của họ dành cho mình", thầy giáo nói.
Du lịch nhiều nhưng anh bảo, mình chẳng cần là người giàu có vẫn có thể du lịch khắp thế giới. Bản thân anh trước chuyến đi đầu tiên cũng chỉ là một chàng sinh viên mới ra trường, hoàn cảnh kinh tế gia đình bình thường. Nhưng với quyết tâm đặt chân đến những vùng đất mới, cộng với kinh nghiệm dày dặn tích lũy dần dần mà những chuyến đi của anh Lâm rất tiết kiệm với lịch trình hợp lý. Anh còn ấp ủ viết nhiều bài tư vấn chia sẻ về bí quyết du lịch không tốn kém như tận dụng các tiện ích miễn phí dành cho khách du lịch mà không phải ai cũng biết, cách được cộng điểm thưởng khi sử dụng thẻ tín dụng, cách ở trọ miễn phí khi du lịch nước ngoài... Thậm chí, anh còn đang xây dựng một cuốn từ điển giải nghĩa về du lịch rất công phu.
"Với tôi, du lịch thực sự là một đam mê chứ không phải sở thích đơn thuần. Tôi muốn truyền lại khát khao chinh phục những miền đất mới lạ cho các thế hệ sinh viên. Đi tới đâu, tôi cũng nghĩ tới những bài giảng khi về nhà. Chính tay tôi từng đi nhặt từng chiếc lá phong với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau ở Canada hay từng bọc nham thạch 200 tuổi trên núi Phú Sĩ (Nhật Bản) để đem về cho sinh viên tận mắt chiêm ngưỡng và thử chạm vào, để các em phần nào có được những trải nghiệm tuyệt vời mà tôi từng có. Từ đó, nhen nhóm và thôi thúc trong các sinh viên ngành du lịch một tình yêu với những chuyến đi. Trong các sinh viên của tôi, có em mới ngoài 20 tuổi đã đi qua hơn 20 nước. Với một người thầy giáo, chẳng có gì hạnh phúc hơn khi chứng kiến sinh viên nhờ cảm hứng của mình mà ngày càng trưởng thành, tiếp bước", anh Lâm chia sẻ.
Xem ảnh những hành trình đáng mơ ước của thầy giáo U40 |
Nguyên Chi