Chẩn đoán ung thư giai đoạn bốn của bà ngoại giống như tin sét đánh làm cả nhà ít nhiều rối ren. Giấu kín bà về chuyện này, từng người con, người cháu luân phiên ghé về chơi, chăm lo khiến bà đặt ra nghi vấn.
M (Billkin đóng), đứa cháu lớn nhất của bà, là một thanh niên ngoài 20 thất nghiệp, chẳng biết làm gì ngoài "cày" game. Nghe tin ngoại bệnh, M lén đăng tin bán nhà của bà, rồi kéo vali đến ở cùng bà ngoại. Ngoài mặt, anh chàng tỏ ra muốn ở gần bà, phụ bà bán cháo nhưng thực chất trong dạ, anh mong ghi điểm để trở thành người thừa kế gia tài của ngoại.
Có phần mở màn như vậy, cuốn phim Thái Lan dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện đầy ắp tiếng cười được tạo ra bởi muôn vàn tình huống đời thực, nhưng rồi bật khóc ở những khoảnh khắc sau cùng.
Câu chuyện nhà nào cũng thế
Nhiều năm nay, điện ảnh Thái làm nên thương hiệu với dòng phim học đường, phim ngôn tình, phim boy love - girl love (tình yêu đồng giới) và phim ma hài. Gia tài của ngoại (How To Make Millions Before Grandma Dies) thuộc số ít tác phẩm khai thác chủ đề gia đình.
Một câu chuyện từ xứ sở Chùa Vàng nhưng mang cảm giác gần gũi với đời sống người Việt, bởi những mẩu chuyện nhà nào cũng có, đời người ai cũng trải qua. Đôi chỗ, phim gợi liên tưởng đến Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải, điển hình là chi tiết mẹ bệnh nặng, các con tranh cãi chuyện chia nhau chăm mẹ, tị nạnh ai dành thời gian và tiền bạc cho mẹ nhiều hơn.
Là cháu ngoại nhưng chẳng mấy khi về chơi với ngoại, M ngỡ ngàng khi lần đầu biết được nhiều sự thật về bà và gia đình. Hành trình đứa cháu trên phim hiểu về bà cũng là cơ hội để khán giả trước màn ảnh bước vào từng ngóc ngách căn nhà, lật giở cuốn album lưu giữ nhiều ký ức của một tổ ấm nay đã nhiều xa cách.
Trong khi người mẹ ngóng con, người bà mong cháu, con cháu của bà mải mê kiếm tiền, lo gia đình riêng, tận hưởng vui thú bên ngoài, đôi khi nhòm ngó "của để dành" cả đời của mẹ. Con trai út con chưa báo hiếu được mẹ ngày nào nhưng báo tiền, báo buồn phiền cho mẹ thì mãi không dứt. Con gái thương mẹ nhưng khắc khẩu với mẹ, đối thoại vài câu đã khẩu chiến. Đến chùa cúng Quan Âm, người mẹ viết kín hai mặt giấy những mong cầu tốt lành cho từng người con, đứa cháu. Còn con trai cả của bà chỉ đôi ba dòng xin phúc đức cho vợ con, tuyệt nhiên chẳng nhắc đến mẹ.
Cũng như ở bao gia đình ngoài đời thực, người già luôn tỏ ra một mình vẫn ổn, không cần con cháu bận tâm. Con cháu khuất mắt trông coi, cũng tin rằng bà mình, mẹ mình hằng ngày ăn no, ngủ khỏe, vui vầy với cuộc sống tối giản người già, thi thoảng con cháu biếu xén ít tiền là đủ chi tiêu, sinh sống. Chỉ khi thực sự ở cạnh, quan sát và đồng hành mỗi ngày, người ta mới thấu hiểu nỗi đơn độc người lớn tuổi gắm nhấm mỗi ngày khi bạn đời đã âm dương ly biệt, con cháu tứ tán muôn nơi.
Với những người như bà ngoại của M, nhiều chuyện đơn giản, bình thường như một bữa cơm đủ mặt cả nhà, bàn mạt chược của bốn mẹ con, ngày Tết "dọn sạch" tủ lạnh cũng trở nên xa xỉ, bởi cả gian nhà vắng tiếng người, bấy lâu nay thường trực chỉ mình bà ra vào ngóng trông.
Kể câu chuyện về một gia đình gốc Hoa, bộ phim lồng ghép quan niệm nước mắt chảy xuôi theo truyền thống bao thế hệ của người Đông Á. Người mẹ dù gay gắt, ác khẩu thế nào vẫn nặng lòng thương con, đi hết đời vẫn chắt chiu cho con cho cháu, lo cho con cháu không chỉ ngày một ngày hai, mà tính toán dài hạn qua năm tháng.
Phim cười mệt, khóc đến xót lòng
Hai nhân vật xa lạ hoặc trái tính trái nết bất đắc dĩ làm bạn đồng hành đã là motif phim quen thuộc của màn ảnh châu Á và thế giới. Với Gia tài của ngoại, cặp nhân vật chính được chọn là bà ngoại và cháu trai. Dẫu cho máu mủ ruột rà, họ vẫn như hai người xa lạ bởi không ở chung, ít gặp mặt, chẳng mấy khi tiếp xúc. Cộng thêm khác biệt thế hệ, giữa họ không ngừng nảy sinh những tình huống bi hài.
Chi tiết M ngủ nướng, đầu hàng việc dậy sớm từ tinh mơ gà gáy phụ bà bán hàng ngoài chợ; khoảnh khắc đứa cháu trai ngượng chín mặt, nhắm tịt mắt khi lau người cho bà lúc bà sốt; hay những lần đứa cháu bẽ bàng vì bị bà "đọc vị tim đen" đều làm thành mảng miếng hài duyên. Những đoạn thoại đối đáp vui cười giữa hai bà cháu cũng kéo theo nhiều tràng cười bất tận trong rạp.
Khác với chân dung người bà hiền từ thường thấy trong phim gia đình, bà ngoại M là một phụ nữ cá tính, đôi lúc quái tính, đanh đá. Nhưng khẩu khí lạnh lùng, quát tháo ấy rốt cuộc chỉ là lớp ngụy trang để bà gồng mình thể hiện bản thân vui khỏe. Ẩn sau đó vẫn là trái tim yêu thương, tinh thần nhẫn nhịn và hy sinh, thói quen lặng lẽ dõi theo từng bước của con cháu trên đường đời.
Không dụng công tô vẽ, bộ phim đưa nhiều hình ảnh đời thường bước lên màn ảnh. Cảnh tượng người đàn bà tóc bạc trắng mặc chiếc áo đẹp nhất trong tủ đồ, bắc ghế ngồi trước cửa mong ngóng con cháu ngày Chủ Nhật gây xúc động. Lời tự sự "Vừa qua Tết là buồn nhất, tủ lạnh chất đầy đồ nhưng nhà chỉ có mình bà" cũng làm người xem xót lòng, nghĩ đến mẹ mình, bà mình. Chuỗi ngày tháng bà rời nhà từ 4h sáng, mệt lả vì xếp hàng truyền hóa chất ở bệnh viện cũng dễ lấy đi nước mắt người xem.
Trong các cuộc chuyện trò, nghe bà ngoại nhắc chuyện gì, M cũng bảo: "Cháu không có ấn tượng gì hết". Ấy thế mà một người tóc bạc trắng, da hằn dấu thời gian như bà lại nhớ tỉ mỉ từng ti từng tí, dù là chuyện mới đây hay kỷ niệm từ ngày M còn bé tí.
Cho đến những phút sau cuối của phim, mối liên kết giữa một việc hai bà cháu cùng làm ở hiện tại với một ký ức trong quá khứ mới lộ diện, làm nhân vật chính vừa biết ơn vừa day dứt, còn khán giả thì nghẹn ngào theo dòng xúc động của nhịp phim.
Đúng như câu thoại "Thứ người già cần nhất ở chúng ta là thời gian" của một nhân vật phụ trong phim, người bà, người mẹ chẳng đòi hỏi gì ở con cháu ngoài những giờ phút quây quần. Con cái lớn lên đồng nghĩa với quỹ thời gian của người già eo hẹp lại. Mỗi phút giây sum họp dẫu muộn màng cũng là món quà đáng giá với họ.
Đề cập câu chuyện không mới nhưng đặt vấn đề thú vị, kể chuyện nhẹ nhõm, hạn chế mượn thoại kể lể và tận dụng các đoạn thoại nước mắt để câu kéo cảm xúc, phim Gia tài của ngoại nhắn nhủ khán giả dành thời gian, sự chăm lo cho đấng sinh thành.
Ngoài hai bà cháu, phim nhắc tới ba người con của bà và em họ của M. Mỗi tuyến vai xuất hiện không nhiều nhưng đủ hiện hữu chân dung với tính cách, vấn đề cá nhân. Ba người con của bà đôi khi tị nạnh nhau, oán trách mẹ nhưng bản chất không xấu và luôn thương mẹ theo những cách khác nhau.
Dàn diễn viên được đặt vào vai diễn vừa vặn cả về ngoại hình lẫn diễn xuất. Ngôi sao gen Z Billkin khẳng định thực lực khi thể hiện chân dung thanh niên lười biếng, tinh ranh nhưng tình cảm. Màn kết hợp giữa anh và diễn viên lớn tuổi Usha Seamkhum giúp phim chạm đến cảm xúc khán giả.
Phong Kiều